Thức tỉnh yêu thương

00:00 - Thứ Sáu, 17/04/2015 Lượt xem: 1399 In bài viết
Normal 0 false false false false EN-US X-NONE X-NONE /* Style Definitions */ table.MsoNormalTable {mso-style-name:"Table Normal"; mso-tstyle-rowband-size:0; mso-tstyle-colband-size:0; mso-style-noshow:yes; mso-style-priority:99; mso-style-parent:""; mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt; mso-para-margin:0cm; mso-para-margin-bottom:.0001pt; mso-pagination:widow-orphan; font-size:10.0pt; font-family:"Calibri","sans-serif"; mso-bidi-font-family:"Times New Roman";} ĐBP - Nhiều học sinh nghỉ học hàng năm trời mà vẫn có tên trong danh sách lớp; thực đơn hàng ngày của học sinh nội trú rất ít bữa có cá khô vậy mà khi nói với chúng tôi thì các em vẫn hồn nhiên mà rằng: “Chúng cháu ăn cơm với cá khô là thường xuyên, còn thịt thì hiếm lắm”! Chỉ ngần ấy thôi mà chúng tôi quay cuồng trong vô vàn câu hỏi: Sự thật là đâu? Vì sao như thế? Vì sao những người có trách nhiệm của Trường PTDTBT Tiểu học Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ) lại nói khác những điều chúng tôi thấy? Và dưới mái trường này còn bao sự thật đã bị làm khác đi...?

Em Vàng Thị Cở (trái) đã nghỉ học được nhiều tháng nhưng vẫn có tên trong danh sách của lớp để nhận tiền ăn, gạo hỗ trợ.

Sự thật giật mình

Nghe thông tin phản ánh từ phụ huynh học sinh, người dân trên địa bàn về tình trạng nhiều học sinh của Trường PTDTBT Tiểu học Phìn Hồ, đã bỏ học hàng năm trời vẫn có tên trong danh sách của lớp, trường, chúng tôi nửa tin nửa ngờ. Phải đến khi cất bước về tận nơi ở của học sinh, nói chuyện với bố mẹ, ông bà của các em chúng tôi mới thật tin vào những điều mình còn nghi ngại ấy. Điển hình là trường hợp các em Vàng Thị Cở, Mùa A Tàng (SN 2004, bản Mo Công); Cháng Thị Giống (SN 2004, bản Phìn Hồ A) xã Phìn Hồ và nhiều em khác.

Thứ 2 ngày 13/4, vào lúc 10 giờ sáng, đáng lẽ Cở phải ngồi trên lớp học cùng bạn bè thì ở đây trong ngôi nhà mình, ông Vàng A Vảng - bố đẻ của Cở nói rằng: Cở đang cùng ông bà ngoại đi hái măng, tối mịt mới về. Trả lời câu hỏi của chúng tôi rằng vì sao Cở không đi học, ông Vàng A Vảng thở dài: “Nó đã nghỉ học một năm rồi. Nhà nghèo, không có điều kiện nên cho con ở nhà giúp bố mẹ”.

Đặc biệt hơn Vàng Thị Cở là trường hợp của em Mùa A Tàng (SN 2004, bản Mo Công), đã nghỉ học từ lớp 4 vậy mà năm học này em cũng có tên trong danh sách học sinh lớp 5A1, do giáo viên Nguyễn Thị Huyền làm chủ nhiệm. Cùng sáng ngày 13/4, khi phóng viên tìm đến nhà Tàng thì được biết Tàng đang đi chơi cùng các bạn trong bản. Chị gái của Tàng là Mùa Thị Khua, khẳng định: “Tàng học hết lớp 4 rồi nghỉ ở nhà giúp bố mẹ làm nương”. Tiếp tục di chuyển đến bản Phìn Hồ A, để tìm hiểu về trường hợp em Cháng Thị Giống, học sinh lớp 5A1 thì chúng tôi đã thực sự “sốc” khi nghe ông Cháng A Chỉnh (bố của Giống) nói rành rọt rằng: “Giống đi nương chưa về”. Nói xong ông chỉ tay về quả đồi phía trước và bảo: Đấy, nó đang đi lấy măng đằng kia, không tin nhà báo cứ đợi một lúc nữa là nó về mà. Chờ một lúc chúng tôi cũng gặp Giống là cô bé với nước da xám xịt, khuôn mặt cháy đen vì nắng gió. Trò chuyện với chúng tôi Giống rất rụt rè, tiếng phổ thông chưa sõi, Giống cho biết, em đã nghỉ học hơn 1 năm rồi vì sợ các bạn bắt nạt, dọa đánh.

Tìm đến vài gia đình khác trong số khoảng 20 gia đình có con đã nghỉ học như trường hợp các em Cở, Tàng, Giống kể trên nhưng chúng tôi không gặp được. Vì hầu hết các gia đình đều khoá cửa đi nương.

Đem những trăn trở, thắc mắc về Trường PTDTBT Tiểu học Phìn Hồ  trao đổi với những người có trách nhiệm quản lý, chăm sóc, giáo dục học sinh thì chúng tôi lại nhận được thông tin trái ngược nên cảm giác thất vọng ê chề. Tôi không thể hiểu vì sao, vì lý do gì mà cô giáo chủ nhiệm lớp 5A3 Lò Thị Thiên (lớp có tên em Cở) lại khẳng định chắc như đinh đóng cột: Em Cở vẫn đi học, nhưng mức chuyên cần thấp. Ngay cả cô Cà Thị Hồng Thảo, Hiệu trưởng nhà trường cũng khẳng định em Cở, em Tàng, em Giống chưa nghỉ học; trường cũng không có tình trạng học sinh nghỉ hàng năm trời mà vẫn có tên trong danh sách lớp. Như để chứng minh cho khẳng định của mình, cô Thảo liền phân công cô giáo Nguyễn Thị Huyền, Chủ nhiệm lớp 5A1 đưa chúng tôi đến lớp gặp em Cháng Thị Giống. Vẫn vẻ rụt rè và khuôn mặt ửng đỏ vì cháy nắng như hôm qua chúng tôi gặp em ở bản Phìn Hồ A, Cháng Thị Giống nhìn chúng tôi vẻ gần gũi xen lẫn ngạc nhiên, ngơ ngác như chẳng hiểu điều gì đang diễn ra. Điều gì khiến cô giáo phải về tận nhà đưa em ra đây, đặt em vào bàn, dạy em đọc thuộc lòng một bài trong số rất nhiều bài em đã bỏ nhiều tháng qua???

Bữa cơm chiều với sự xuất hiện của một “vật thể lạ”, là quả trứng vịt luộc.

Thực đơn nghèo

Vẫn biết vùng cao khó khăn, thực phẩm không sẵn nhưng chắc chắn không khó đến độ học sinh phải ăn cá khô suốt tháng liền như thông tin người dân phản ánh nên chúng tôi về tận trường thăm bữa của các em. Trao đổi với chúng tôi, cô Nguyễn Thị Huyền, giáo viên chủ nhiệm lớp 5A1 và cũng là người phụ trách bữa ăn của các em, cho biết: Theo quy định, mỗi học sinh được cấp 15kg gạo/tháng và 460 nghìn đồng/tháng. Những em ở ngoại trú thì Trường phát gạo cho các em mang về, còn học sinh nội trú được ăn tại trường. Do số gạo ăn không hết, nhất là đối với em nhỏ nên nhà trường đã thống nhất với phụ huynh và UBND xã Phìn Hồ để lại 4kg gạo để mua củi và bánh mỳ hoặc mỳ tôm cho các cháu ăn sáng. Số tiền 460 nghìn của các em thì trường mua thực phẩm (tính trung bình khoảng 17 nghìn/ngày/em). Nhà trường có 4 nhân viên phục vụ nấu ăn, chị Huyền là thủ kho và quản lý chung, còn thực phẩm do đồng chí Nguyễn Viết Cương (kế toán nhà trường, thủ quỹ thực phẩm) quản lý. Hàng ngày, anh Cương lên thực đơn và chị Huyền nhập thực phẩm vào kho. Nguyên liệu cũng lựa chọn nguồn thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh, hạn chế cá khô, cá đông lạnh (1 tuần chỉ có 1 bữa ăn cá khô hoặc cá đông lạnh). Điều đó cũng có nghĩa là cùng lắm các cháu chỉ có 4 bữa cá khô trong một tháng mà thôi.

Không giống những điều cô Huyền nói, cô Quàng Thị Thêu - nhân viên cấp dưỡng, cho hay: Thực phẩm là do chị Nguyễn Thị Huyền đi mua, chị và 3 người cùng tổ có nhiệm vụ nấu. Một tháng các cháu được ăn từ 3 - 4 bữa thịt lợn, còn lại chủ yếu là cá khô, lạc rang. Nói rồi cô Thêu chỉ vào khay thức ăn của các cháu để chúng tôi xem. Trưa ấy (ngày 15/4) các cháu ăn cơm với cá khô, đậu phụ và canh. Hỏi em Mùa A Dì, học sinh lớp 5A3, chúng tôi mới biết cá khô là món ăn chủ yếu của em, còn thịt lợn thì ít lắm, tháng chỉ được ăn từ 2 - 3 bữa là nhiều. Giàng A Máng, học sinh lớp 5A1 cũng cho biết, các em rất ít được ăn thịt mà chủ yếu là cá khô với lạc rang hay đậu phụ.

Nhưng chiều cùng ngày, bữa cơm của các em đã khác. Trong khi thực đơn treo trên tường vẫn chỉ là: Cá khô, lạc, cơm, canh rau bắp cải, thì bữa chiều ấy của các em đã được  bổ sung 1 quả trứng luộc vào khay cơm. Trong khói bếp mờ ảo, ánh nắng chiều le lói, tôi vẫn nhìn thấy những ánh mắt ngạc nhiên pha lẫn niềm vui sướng của các em. Nhiều em tay bê khay cơm nhưng mắt không rời quả trứng. Hết bữa cơm, nhiều em đứng lên và tay vẫn nắm chặt quả trứng. Đứng giữa sân trường, chúng vừa ăn trứng vừa cười đùa vui vẻ. Tiếng cười của chúng giòn tan vang vào không trung vọng vào vách núi nhưng không hiểu ở nơi đây, những người quản lý, những người thầy có nghe thấy điều ấy không, có cảm thấy niềm vui, niềm hạnh phúc giản đơn của những đứa trẻ vùng cao đói ăn thiếu mặc nó rất đỗi giản đơn, đáng thương nhường nào hay không...?

Và chúng tôi, những người đến rồi đi chẳng thể làm gì để đủ đầy hơn bữa cơm của các em như vốn có nên thầm mong, hơn ai hết, trái tim người thầy hãy thức tỉnh vì yêu thương, vì tình yêu và trách nhiệm với con trẻ vùng cao.

Nhóm PVCĐ
Bình luận
Back To Top