Bằng cấp phải gắn với năng lực thật

00:00 - Thứ Sáu, 08/05/2015 Lượt xem: 1092 In bài viết
ĐBP - Như tin đã đưa, kỳ thi trung học phổ thông niên học này (2014-2015), tỉnh Điện Biên có gần 5.200 thí sinh tham gia. Ngoài 18 học sinh được tuyển thẳng vào các trường đại học, cao đẳng, sẽ có hàng nghìn em dự xét tuyển vào các trường chuyên nghiệp. Vậy là trước mắt các em, một con đường khoa cử với bằng này cấp khác hy vọng sẽ tiếp tục mở ra, nếu các em may mắn hơn nhiều bạn đồng môn khác...

Bằng cấp, hiểu một cách nôm na là được đào tạo bài bản trong một thời gian nhất định với một dung lượng kiến thức nhất định về một ngành nghề, một chương trình hoặc một lĩnh vực xác định. Tùy theo quy mô và mục đích đào tạo, người học được lĩnh hội một khối lượng kiến thức từng phần hay toàn bộ, đại cương hay chuyên sâu về lĩnh vực được đào tạo. Nói tóm lại, đó là kiến thức trường ốc, sách vở, kiến thức trong văn bằng, chứng chỉ. Nhiều chục năm qua và nhất là từ thời kỳ đất nước đổi mới đến nay - trước sự phát triển như vũ bão của cách mạng khoa học và kỹ thuật, trước sự giao lưu và hội nhập giữa nước ta với các nước trong khu vực và trên thế giới - nhu cầu học tập, nâng cao kiến thức của toàn xã hội cũng như mỗi cá nhân ngày càng lớn. Tuy nhiên, đòi hỏi chính đáng đó có nơi có lúc đã bị hiểu sai, trở thành thái quá và thậm chí bị lợi dụng.

Có một thực tế là có học mới biết, nhưng không phải ai học cũng biết và đều biết như nhau. Tại hầu hết các cơ quan, xí nghiệp, để “chuẩn hóa cán bộ” người ta liên tục bố trí nhân viên đi học. Chỉ tiếc là trong số đó không phải ai cũng là người thích học và không phải ai cũng có thể học được, tiếp thu được cái mà mình theo học. Không thích học và không thể học tập thành công, nhưng họ vẫn phải đi học vì cái chứng chỉ đào tạo ấy là một trong những sự đảm bảo cho việc đề bạt, lên lương của họ. Bên cạnh mặt tích cực là cơ bản thì chúng ta cũng vô tình tạo ra một loại cán bộ “bằng cấp đầy người”, tiếng là đã được đào tạo hẳn hoi nhưng kỳ thực lượng kiến thức không có bao nhiêu. Cái anh (chị) ta được đào tạo trở nên phù phiếm như một thứ đồ trang sức, không thiết thực so với yêu cầu công tác. Đó chính là “chủ nghĩa bằng cấp”, đề cao quá đáng việc khoa cử mà không chú trọng đúng mức đến chất lượng đào tạo, năng lực và sở trường của người học. Học tập để trau dồi lý luận, cái điều tưởng đã là chân lý ấy chỉ đúng với những ai có động cơ học tập đúng đắn. “Học đi đôi với hành, lý luận đi đôi với thực tiễn”, là vì thế.

Ngày nay chúng ta có nhiều cơ hội học tập hơn hẳn so với các thế hệ cha anh trước kia: Học ở sách vở, trong trường lớp, học trên mạng Internet... nhưng không vì vậy mà hạ thấp vai trò của kinh nghiệm thực tiễn. Lý luận trường ốc và kinh nghiệm thực tiễn, nếu biết kết hợp hài hòa tự chúng sẽ làm phong phú cho nhau, hỗ trợ lẫn nhau, tạo hiệu quả công tác cao hơn. Chúng ta coi trọng những người có học, một khi bằng cấp của họ là sự phản ánh trung thực và chính xác tri thức của họ. Trong thời đại chúng ta, càng những người làm công tác khoa học, hoặc nắm giữ những cương vị chủ chốt trong các cơ quan, địa phương, ban, ngành... càng rất cần được trang bị lý luận, cả lý luận chính trị lẫn lý luận chuyên môn. Tuy nhiên, chỉ lý luận thôi thì chưa đủ, vì lý luận là phương tiện chứ không phải là thước đo và đặc biệt càng không phải là mục đích cuối cùng.

Sắp tới, chúc các em một kỳ “vượt Vũ môn” thành công để thỏa niềm khát khao học tập. Tuy nhiên, vẫn xin nhắc rằng: Bằng cấp rất quan trọng nhưng bằng cấp phải gắn với năng lực thật, thể hiện ở hiệu quả công việc hàng ngày. Nếu đặt riêng ra, bằng cấp gì đi nữa cũng hoàn toàn không có giá trị tự thân...

Lê Lan
Bình luận
Back To Top