Hoàn thành vượt mức nhiều mục tiêu xây dựng xã hội học tập

00:00 - Thứ Năm, 14/01/2016 Lượt xem: 1711 In bài viết
Sơ kết 3 năm thực hiện Đề án “Xây dựng Xã hội học tập giai đoạn 2012-2020, trong 4 mục tiêu đề ra giai đoạn 2013-2015, có hai mục tiêu được hoàn thành vượt mức là: Xóa mù chữ và phổ cập giáo dục và Học tập nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ.

Sáng 13-1, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm (2013­-2015) thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” trực tuyến tại 3 điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh. 

Bộ GD-ĐT cho biết, 4 mục tiêu đề ra của Đề án giai đoạn 2013-2015 là: Xóa mù chữ và phổ cập giáo dục; Học tập nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ; Học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề để lao động có hiệu quả hơn; Giáo dục kỹ năng sống.

Với mục tiêu xóa mù chữ và phổ cập giáo dục, kết quả đạt được cao hơn mục tiêu đề ra: tỷ lệ biết chữ độ tuổi 15-60 của toàn quốc là 97,3% (cao hơn 1,3% so với mục tiêu của Đề án); Tỷ lệ biết chữ độ tuổi 15-35 của toàn quốc là 98,5% (cao hơn 0,5%); Số người mới biết chữ tiếp tục học tập và không mù chữ trở lại là 83,9% (cao hơn 3,9%). Các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ tỷ lệ tương ứng là 94,6% (cao hơn 2,6% so với mục tiêu của Đề án) và 97,0% (cao hơn 7,0% so với mục tiêu).

Tính đến tháng 12-2015, cả nước có 63/63 tỉnh, thành phố (100%) đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, trong đó 12 tỉnh, thành phố được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2 (Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Tĩnh); 63/63 tỉnh, thành phố (100%) đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS.

Các địa phương cũng đã đẩy mạnh thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi nhằm nâng cao chất lượng giáo dục mầm non. Tính đến thời điểm tháng 12-2015, toàn quốc đã có 37/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.

Ở mục tiêu Học tập nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ, số cán bộ, công chức, viên chức tham gia chương trình học tập nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm đạt 81,2% (cao hơn 1,2% so với mục tiêu của Đề án).

Số cán bộ, công chức, viên chức có trình độ ngoại ngữ bậc 2 đạt 31,2% (cao hơn 11,2% so với mục tiêu của Đề án).Số cán bộ, công chức, viên chức có trình độ ngoại ngữ bậc 3 đạt 9,9% (cao hơn 4,9% so với mục tiêu của Đề án).Số công nhân lao động có kiến thức cơ bản về tin học, ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu công việc và giao lưu văn hóa đạt 43,7%. Tính đến tháng 12 -2015, có 25 tỉnh, thành phố đạt được chỉ tiêu của Đề án

Về kết quả học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề để lao động có hiệu quả hơn, trong 3 năm qua, các địa phương đã triển khai thực hiện nghiêm túc công tác bồi dưỡng cập nhật kiến thức về quản lý, pháp luật, kinh tế và xã hội nhằm nâng cao khả năng công tác cho đội ngũ cán bộ cấp xã, cấp huyện; đồng thời triển khai xây dựng và thực hiện kế hoạch bồi dưỡng cán bộ, công chức đến năm 2015 theo tiêu chuẩn quy định. Bên cạnh một số tỉnh, thành phố đã triển khai kịp thời, có hiệu quả, nhiều tỉnh tỷ lệ này vẫn còn thấp.

Kết quả giáo dục kỹ năng sống, trong 3 năm qua, tỷ lệ học sinh, sinh viên và người lao động tham gia học tập các chương trình giáo dục kỹ năng sống tăng nhanh theo từng năm. Số học sinh, sinh viên được học kỹ năng sống thông qua các môn học tại các cơ sở giáo dục đạt tỷ lệ 72,6%; gần 25% học sinh, sinh viên được học kỹ năng sống thông qua các lớp giáo dục kỹ năng sống do các cơ sở giáo dục tổ chức.

Tại Hội nghị, Bộ GD-ĐT đã đề ra phương hướng chung các cấp các ngành cần tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả hơn nữa Đề án “Xây dựng XHHT giai đoạn 2012-2020”, gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…Đồng thời, Bộ GD-ĐT đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp và đề xuất, trong đó có đề xuất đề nghị Thủ tướng cho phép thành lập tiểu ban chuyên trách về xây dựng XHHT thuộc Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo.

Theo Nhân dân
Bình luận
Back To Top