Nâng bước học sinh nghèo vùng cao đến trường

00:00 - Thứ Sáu, 15/01/2016 Lượt xem: 2578 In bài viết
ĐBP - Cùng với sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước thông qua những chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh vùng cao có cơ hội cắp sách tới trường... Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Mường Nhé đã chi trả đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách hiện hành, đặc biệt với học sinh là con em thuộc diện Nghèo. Từ đó, nâng cao tỷ lệ huy động học sinh ra lớp, hiện thực hóa ước mơ “thay đổi cuộc đời bằng con chữ” của học sinh trên những rẻo cao, biên giới...

Trở lại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS (PTDTBT THCS) Mường Nhé vào một chiều cuối đông... tiếng nói chuyện, nô đùa của các em học sinh từ phía vườn rau vọng lại, khiến chúng tôi như quên đi cái lạnh tê tái. Thầy Dương Tiến Công, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Tranh thủ thời gian, sau giờ tan học buổi chiều, nhà trường đã cải tạo một phần đất trong khuôn viên, phân công giáo viên hướng dẫn học sinh trồng rau và cách chăm sóc để cải thiện bữa ăn, tạo nguồn thực phẩm sạch, đảm bảo dinh dưỡng cho học sinh; rèn luyện cho các em kỹ năng sống, biết quý trọng lao động sản xuất...

Góc học tập gọn gàng, sạch sẽ của học sinh nội trú, Trường PTDTBT Tiểu học Chung Chải.

Trường PTDTBT THCS Mường Nhé tiền thân là Trường THCS Mường Nhé. Năm học 2015 - 2016, nhà trường có 667 học sinh (507 học sinh bán trú), đa số là con em các dân tộc thiểu số, kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn... Bước vào năm học mới, nhà trường đã tiến hành họp và triển khai các công văn, văn bản về công tác bán trú dân nuôi tới từng phụ huynh học sinh; phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp, đảm bảo duy trì sĩ số. Để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh nghèo đi học, nhà trường đã huy động nguồn nhân lực giáo viên, cộng đồng tham gia xây dựng cơ sở vật chất, hướng dẫn học sinh thực hiện nề nếp sinh hoạt nội trú; chi trả đầy đủ các chế độ chính sách ưu đãi cho học sinh, như: Hỗ trợ chi phí học tập, gạo, sách vở, đồ dùng học tập... Hiện nay, khu bán trú nhà trường có 35 phòng, hệ thống giường ngủ, góc học tập được bố trí hợp lý; mỗi học sinh bán trú được chi trả tiền ăn 460 nghìn/tháng và 15kg gạo. Bên cạnh việc chi trả chế độ, chính sách, nhà trường tổ chức cho học sinh bán trú ăn tại trường, ngày 3 bữa, có thực đơn và kê khai tài chính hàng ngày; nhà bếp cơ bản đáp ứng số lượng học sinh.

Còn tại Trường PTDTBT Tiểu học Chung Chải, học sinh của trường cũng được hưởng nhiều chế độ chính sách như vậy. Em Chang Thị Của, lớp 3A3, chia sẻ: Trước đây, khi chưa được ở trong khu bán trú, em phải đi bộ gần 10km để đến trường, nhiều lúc khó khăn vất vả em có ý định bỏ học. Nhưng từ khi về chung sống dưới mái nhà bán trú với điều kiện tốt hơn, được thầy cô giáo kèm cặp và các bạn quan tâm, chia sẻ, em đã tự tin, nỗ lực hết mình, đạt được nhiều kết quả cao trong học tập.

Thầy Trần Ngọc Kiên, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Nhé, cho biết: Năm học 2015 - 2016, toàn huyện có 32 trường với 13.152 học sinh (12 trường mầm non, 13 trường tiểu học, 7 trường PTDTBTTHCS, 4 trường tiểu học có lớp THCS) với 428 phòng ở nội trú, đa số học sinh thuộc diện cần hỗ trợ. Để duy trì sĩ số học sinh, ngoài việc huy động học sinh trong độ tuổi ra lớp, Phòng đã chủ động, huy động mọi nguồn lực từ sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước chăm lo đời sống cho học sinh; thành lập các trường bán trú, tổ chức ăn, ở tại trường, cải thiện chỗ ở đảm bảo điều kiện cho các em học tập. Chi trả đầy đủ, kịp thời các chế độ, chi phí học tập cho học sinh, như: Chế độ ăn trưa cho trẻ từ 3 - 5 tuổi, hỗ trợ gạo học sinh bán trú, hỗ trợ học sinh khuyết tật, cấp bù miễn giảm học phí... đặc biệt, là chế độ chính sách dành cho học sinh dân tộc rất ít người. Từ đó, nâng cao chất lượng giáo dục, tiếp thêm niềm tin và nghị lực cho học sinh vùng cao trên con đường đến trường...

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top