Người thầy hơn 30 năm gắn bó với học sinh vùng cao

00:00 - Thứ Sáu, 15/01/2016 Lượt xem: 2860 In bài viết
ĐBP - “Đồng cam cộng khổ” với sự nghiệp giáo dục Điện Biên từ những ngày đầu gian khó, tới nay thầy giáo Chang Thanh Hừ, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học (PTDTBTTH) Chung Chải đã có hơn 30 năm gắn bó với học sinh vùng cao.

Gặp thầy Hừ tại trường khi thầy vừa hết giờ lên lớp buổi sáng. Qua những ký ức và tâm sự của thầy, chúng tôi như được sống lại thời kỳ gian khó nhất của ngành Giáo dục Điện Biên hơn 30 năm trước. Năm 1984, khi ngoài 20 tuổi, thầy giáo Hừ công tác tại Trường Nội trú huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu (cũ), sau đó được phân công về xã Sín Thầu (tức xã Chung Chải, huyện Mường Nhé bây giờ) dạy học cho tới nay. Ngày ấy, Trường Tiểu học Chung Chải chỉ là 2 gian nhà mái gianh; cả trường có 2 giáo viên với 20 học sinh, bảng viết chỉ là những tấm gỗ ghép. Thầy Hừ vừa dạy học vừa làm công tác quản lý và cũng kiêm luôn bảo vệ trường. “Khi ấy Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện đặt tại trung tâm huyện Mường Tè. Vì đường xa và không có xe, để đi họp phòng, tôi phải đi bộ mất 3 ngày, cả đi cả về tính ra mất 1 tuần nên mỗi năm tôi chỉ đi 2 lần, vừa lấy lương cũng vừa lấy sách vở, đồ dùng học tập mang về trường luôn” – thầy Hừ cho biết.

Thầy giáo Chang Thanh Hừ chia sẻ với thầy cô giáo và học sinh về công tác giáo dục.

Là người dân tộc Hà Nhì lại được gieo chữ trên quê hương mình, đó chính là nguồn động lực giúp thầy Hừ vượt qua mọi khó khăn. Năm 2001, Trường Tiểu học Chung Chải lại gần như “vỡ” trường vì số lượng giáo viên quá ít. Thầy Hừ cho biết: “Năm đó, do chế độ thấp chưa thu hút giáo viên tới vùng cao dạy học nên trường chúng tôi thiếu giáo viên trầm trọng, ảnh hưởng khá nhiều tới công tác giáo dục. Có những tháng ngày chúng tôi phải dạy 2 lớp ghép, dạy cả buổi tối mới đảm bảo chương trình học và giữ được học sinh theo học liên tục”.

Thấy thầy Hừ vất vả với con chữ trong khi thu nhập thấp, gia đình khuyên thầy bỏ nghề giáo viên để làm việc khác, nhưng thầy vẫn quyết tâm theo đuổi sự nghiệp giáo dục mà mình đã chọn. Đến khi tách tỉnh Lai Châu và Điện Biên (2004), Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện chuyển về trung tâm huyện Mường Nhé, công tác giáo dục của trường thuận lợi hơn. Thầy Hừ dành dụm tiền lương, sắm được chiếc xe đạp để đi lại. Mỗi lần ra trung tâm huyện họp, thầy lại chở thêm một chiếc gùi để nhận sách vở, đồ dùng học tập được hỗ trợ mang về trường. Thầy Hừ cho biết: “Mỗi lần tôi đi họp phòng về, các thầy cô trong trường mừng lắm, vì trên gùi tôi chở đầy đủ phấn viết, sách vở, bút mực... để phân phát cho các thầy cô khác trong trường dạy học. Nhưng cũng có những ngày trời mưa gió, đồ dùng chở về tới trường bị hỏng hoặc ướt hết, các thầy cô lại mất 1 - 2 ngày hong khô mới dùng được...”.

10 năm trở lại đây, Trường PTDTBTTH Chung Chải được ngành Giáo dục quan tâm, bổ sung cơ sở vật chất, xây dựng nhà ở bán trú và các điểm trường, giúp đảm bảo cho việc dạy và học. Riêng trường trung tâm được xây dựng kiên cố, không còn lớp học tạm và có thêm nhà bán trú cho trên 200 học sinh ăn ở. Thầy Hừ vô cùng phấn khởi, coi ngôi trường như mái nhà thứ 2 của mình.

Cho chúng tôi xem một số đề án đổi mới giáo dục đã từng thực hiện, thầy Hừ chia sẻ: “Những đề tài đổi mới phương pháp dạy học vùng cao, vận động học sinh tới trường, xin hỗ trợ cơ sở vật chất này tôi đã thực hiện hơn 15 năm rồi. Một số chương trình, đề án đã được thực hiện giúp việc dạy và học ở trường tôi đảm bảo hơn. Mong muốn của tôi luôn được gắn bó với vùng cao, được dạy dỗ, đào tạo kiến thức cho con em dân tộc địa phương để sau này trở thành cán bộ nguồn, phục vụ cho huyện, cho tỉnh”.

Thầy giáo Phạm Văn Khiêm, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ với chúng tôi: “Cách đây 10 năm, tôi được phân công về đây làm Hiệu trưởng, đồng thời, Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện cân nhắc, đưa thầy Hừ về phòng làm việc, nhưng thầy Hừ xin ở lại trường, tiếp tục làm công tác giảng dạy cho học sinh. Thầy Hừ tâm huyết lắm, hiện giờ, với cương vị Phó Hiệu trưởng, nhưng đều đặn hàng tháng, thầy vẫn trực tiếp đi các điểm trường, kiểm tra công tác dạy và học. Thầy cô trong trường chúng tôi ai cũng nể phục thầy Hừ”.

Hơn 30 năm sống và dạy học vùng cao, nhiều thế hệ học trò của thầy Hừ giờ đây đã trưởng thành, nhiều người làm cán bộ, công chức, một số người thành đạt và đang công tác ngay tại huyện Mường Nhé. Theo lời kể của thầy Hiệu trưởng, năm nào cũng có những học trò cũ đến trường thăm thầy Hừ; có người nơi khác đến huyện Mường Nhé công tác, cũng lặn lội vào tận trường chỉ để gặp mặt và thăm hỏi thầy Hừ.

Tâm huyết với sự nghiệp giáo dục của thầy Hừ có lẽ đã truyền nhiệt huyết cho con gái thầy là Chang Hồng Nhung nối nghiệp cha theo học ngành Sư phạm. Giờ đây con gái thầy Hừ đã tốt nghiệp ra trường và chuẩn bị nhận công tác ở vùng cao. Đối với thầy Hừ, đó chính là thành công lớn của thầy sau nhiều năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục vùng cao.

Bài, ảnh: Phương Liên
Bình luận
Back To Top