Nhiều điểm mới trong dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh 2016

00:00 - Thứ Sáu, 15/01/2016 Lượt xem: 1906 In bài viết
Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) vừa gửi văn bản xin ý kiến các đơn vị liên quan việc sửa đổi, bổ sung quy chế thi THPT quốc gia gồm 16 điểm. Ngoài ra, theo thông tin riêng của chúng tôi, dự thảo quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2016 đang được lấy ý kiến với khá nhiều điểm sửa đổi, bổ sung so với năm 2015.

Trong đó, việc sửa đổi bổ sung tập trung vào một số nội dung chính như: Tổ chức tuyển sinh; chính sách ưu tiên trong tuyển sinh; nguyên tắc lựa chọn tổ hợp các môn xét tuyển; tổ chức xét tuyển; yêu cầu về bảo đảm chất lượng đầu vào đối với trường tuyển sinh riêng; xét tuyển của các trường tuyển sinh riêng…

Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển ở Trường ĐH Kinh tế quốc dân năm 2015

Giảm số đối tượng ưu tiên

Trong những dự kiến sửa đổi bổ sung được đưa ra lấy ý kiến, một số ưu tiên đối với đối tượng tuyển sinh sẽ bị bãi bỏ. Trong đó, so với quy chế 2015 sẽ bỏ các đối tượng ưu tiên: Đối tượng 02 là công nhân trực tiếp sản xuất đã làm việc liên tục 5 năm trở lên, trong đó có ít nhất 2 năm là chiến sĩ thi đua cấp tỉnh công nhận trở lên và được bằng khen. Ngoài ra, đối tượng 07 là người lao động được cấp bộ, tỉnh công nhận thợ giỏi…; giáo viên giảng dạy đủ 3 năm trở lên thi vào các trường sư phạm; y tá, dược tá… công tác 3 năm trở lên thi vào ngành y, dược…cũng được bãi bỏ. Đáng chú ý, thí sinh thuộc đối tượng ưu tiên quy định tại gạch đầu dòng thữ 4, điểm b, khoản 4, điều 7 là học sinh có hộ khẩu thường trú tại các xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi...; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo...; các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135... cũng sẽ được bãi bỏ. Theo lý giải của dự thảo quy chế, những đối tượng ưu tiên trên không phù hợp với điều kiện hiện nay.

Trong vấn đề về khung điểm ưu tiên với đối tượng và khu vực cũng được đưa ra 2 phương án để thảo luận. Trong đó, phương án 1: Mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa 2 nhóm đối tượng kế tiếp là 1,0 điểm; giữa hai khu vực liền kề là 0,5 điểm. Phương án 2: Mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa 2 nhóm đối tượng kế tiếp là 0,5 điểm; giữa hai khu vực liền kề là 0,25 điểm. Trong 2 phương án trên, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục đề nghị giữ nguyên (khoảng cách 1,0 và 0,5 điểm) vì nếu giảm theo phương án mới (0,5 và 0,25 điểm) sẽ khó khăn nguồn tuyển cho các trường thuộc vùng Tây Bă, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ.

Việc tính khu vực (KV) tuyển sinh cũng được đưa ra quy định rõ ràng hơn là: KV2 gồm các thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; các huyện ngoại thành của thành phố trực thuộc trung ương (trừ các xã thuộc KV1). Việc điều chỉnh nhằm không gây hiểu nhầm khi một số địa phương cho rằng thị xã của thành phố trực thuộc trung ương là KV2, còn thị xã trực thuộc tỉnh lại thuộc KV2-NT.

Đăng ký xét tuyển bằng tin nhắn điện thoại?

Trong những vấn đề dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh 2016 đưa ra lấy ý kiến thì vấn đề tổ chức xét tuyển cũng có một số thay đổi được đưa ra bàn thảo theo 2 phương án. Trong đó, cả 2 phương án thống nhất thí sinh chỉ cần nộp phiếu đăng ký xét tuyển; trường tự quy định số ngành tối đa thí sinh có thể đăng ký trong phiếu đăng ký xét tuyển.

Tuy nhiên, theo phương án 1, sẽ giao tự chủ hoàn toàn cho các trường, Bộ GD và ĐT chỉ quy định: Ngưỡng bảo đảm chất lượng; phân luồng thí sinh có kết quả thi thấp vào cao đẳng nghề và TCCN; điểm trúng tuyển đợt sau không thấp hơn điểm trúng tuyển trước. Đáng chú ý, trong phương án 1 đưa ra, đối với thí sinh nộp phiếu đăng ký xét tuyển và lệ phí đăng ký xét tuyển cho trường quy định: Qua đường bưu điện theo hình thức chuyển phát nhanh; nộp trực tiếp tại trường; đăng ký trực tuyến hay bằng tin nhắn điện thoại. Phương án 2 là giữ ổn định như năm 2015, có một số điều chỉnh trên cơ sở rút kinh nghiệm từ công tác xét tuyển năm 2015 như: Thí sinh không được thay đổi nguyện vọng trong các đợt xét tuyển; đối với đợt xét nguyện vọng 1 thí sinh được đăng ký vào 1 trường; đăng ký đợt nguyện vọng bổ sung, thí sinh được đăng ký tối đa vào 3 trường…

Ngoài ra, trong việc lựa chọn tổ hợp môn xét tuyển ngoài việc yêu cầu duy trì các tổ hợp môn như năm 2015, với những trường sử dụng nhiều tổ hợp môn thi để xét tuyển một ngành phải công bố mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các tổ hợp hoặc quy định chỉ tiêu cho từng tổ hợp (bỏ quy định giữ 75% chỉ tiêu cho ngành, nhóm ngành truyền thống).

Đáng chú ý, vấn đề công nghệ thông tin cũng được đưa ra bàn thảo bằng “giải pháp hệ thống hỗ trợ tuyển sinh đại học năm 2016” với các phân tích lợi ích đem lại cho thí sinh, nhà trường, xã hội, cơ quan quản lý các cấp. Trong đó, giải pháp giả định các bước thực hiện tuyển sinh gồm có 8 bước.

Theo các chuyên gia giáo dục, dự thảo các sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh 2016 vẫn còn phải bàn thảo nhiều vấn đề vì có những quy định mới đưa ra chưa hợp lý. Thí dụ phương án nộp đăng ký xét tuyển qua tin nhắn điện thoại hay các giải pháp công nghệ thông tin sẽ do đơn vị nào chịu trách nhiệm. Nếu để các cơ sở giáo dục tự làm thì sẽ nở rộ dịch vụ tin nhắn và việc thí sinh bị một số đơn vị, cá nhân không có chức năng vẫn mời nhắn tin để kiếm lời hoàn toàn có thể xảy ra. Nếu các đơn vị dịch vụ tin nhắn được Bộ quy định thì ai sẽ “trúng thầu”. Bởi vấn đề dữ liệu thi, sử dụng phần mềm của kỳ thi và tuyển sinh năm 2015 vốn đã dây nhiều nghi ngờ cho thí sinh, phụ huynh.

Theo Nhân dân
Bình luận
Back To Top