Thông tư 32: Liệu có xuất hiện cơ chế xin-cho?

00:00 - Thứ Hai, 18/01/2016 Lượt xem: 1700 In bài viết
Thông tư 32/2015/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục - Đào tạo quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) đang có nhiều ý kiến trái chiều ở một vài tiêu chí. Đặc biệt là quy mô đào tạo không được vượt quá 15 nghìn sinh viên sau năm 2020.

Thông tư 32 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/2/2016 với 3 điểm mới quy định ở điều 5 thu hút sự quan tâm của các cơ sở đào tạo ĐH. Đó là: Tỷ lệ sinh viên/giảng viên theo khối ngành; diện tích sàn xây dựng/sinh viên; quy mô sinh viên chính quy tối đa khi các cơ sở đào tạo xác định chỉ tiêu tuyển sinh.

 

Thông tư 32 - đỡ cho các trường top dưới

Về quy mô sinh viên, Bộ GD-ĐT chia 3 mức: 5.000 sinh viên đối với các cơ sở giáo dục đại học thuộc khối ngành nghệ thuật; 8.000 sinh viên đối với khối ngành sức khỏe; 15.000 sinh viên đối với khối ngành khoa học giáo dục, giáo viên, kinh doanh và quản lý, pháp luật, khoa học sự sống, khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, nông lâm thủy sản… Tiêu chí thứ 3 này gây ra bàn cãi khá nhiều, nhất là giới hạn con số 15.000 sinh viên cho một cơ sở đại học.

Nhìn chung, các ý kiến đồng tình với tiêu chí thứ 3 của Thông tư 32 cho rằng nó tạo điều kiện cho các trường ĐH top dưới, CĐ tuyển sinh được sinh viên. Bởi mấy năm qua một số trường hút sinh viên, đã tuyển sinh vượt ngưỡng ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo nay với tiêu chí này Bộ GD&ĐT vừa ngăn được tình trạng tuyển sinh vượt ngưỡng vừa tạo điều kiện đưa sinh viên đến các trường lâu nay khó tuyển sinh.

Mặt khác, với quy mô như thế sẽ phù hợp hơn trình độ quản lý của Việt Nam. Hơn nữa tiêu chí này tuy có thể gây thừa giảng viên ở một số trường nhưng cũng là dịp để trường nâng cao chất lượng giảng viên dạy đại học. Nếu các trường đưa ra một tiêu chuẩn, ví dụ đã là giảng viên ĐH dứt khoát phải sử dụng ngoại ngữ một cách thành thạo, thì tự khắc sẽ thấy có đủ giảng viên theo tiêu chuẩn hay không… Còn nguyên Phó Vụ trưởng Vụ GDĐH (Bộ GD&ĐT) cho biết, chuyện thừa giảng viên không đáng lo ngại, có thể đối với những giảng viên bị ảnh hưởng sẽ chuyển sang làm những công việc khác như hoạt động nghiên cứu, hoặc có thể cắt giảm số lượng sinh viên/giảng viên để nâng cao chất lượng đào tạo…

Còn nhiều bất cập...

Về việc giảm quy mô đào tạo theo Thông tư 32 như vậy sẽ tạo ra những bất cập. Có ý kiến cho rằng, liệu đây có phải là Bộ muốn cứu các trường không tuyển sinh được, chủ yếu là các ĐH, CĐ cả công, tư ít chịu đầu tư cho con người và cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng đào tạo?

Bởi, theo Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ GD-ĐT) trong 219 trường ĐH, hiện chỉ có 18 trường vượt quy mô theo tiêu chí 3 sẽ bỗng dưng trở thành những trường vi phạm luật khi có quy mô sinh viên ĐH chính quy vượt quy định Bộ GD-ĐT. Đáng chú ý là đa số các trường này đều là những trường được đánh giá cao, có nguồn lực phục vụ công tác đào tạo tốt và cũng không biểu hiện trình độ quản lý yếu kém.

Quy định này sẽ làm cho một số sinh viên không được học ở các trường tốt hơn để vào học các trường top dưới. Hiện nay đa số các trường có quy mô hơn 15.000 sinh viên là những trường có uy tín, chất lượng, sinh viên ra trường không bị thất nghiệp.

Mặc dù đào tạo nhiều nhưng có đội ngũ thầy cô giáo giỏi và cơ sở vật chất tốt. Hơn nữa, Thông tư quy định việc giao nhiệm vụ đào tạo để nâng chuẩn giáo viên, nâng cao trình độ cán bộ y tế, đào tạo trong lĩnh vực nghệ thuật, nông lâm thủy sản và một số trường hợp đặc biệt khác, kể cả việc vượt ngưỡng 15.000 sinh viên sẽ do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT xem xét quyết định. Đối với quy định này, khả năng lại xuất hiện cơ chế xin-cho. Chưa kể có trường nhiều khoa, nhiều chuyên ngành lại phải nghĩ cách tách ra để lách quy định của Thông tư.

Ngoài ra, một số điểm trong Thông tư cũng chưa thật sự thuyết phục, ví dụ với mức học phí cho sinh viên các trường kỹ thuật (chưa tự chủ tài chính) hiện nay khoảng 7 triệu đồng/năm mà áp đặt tiêu chí 20 sinh viên/giảng viên thì tiền học phí và cả kinh phí chi thường xuyên không đủ để lo điện nước, trang thiết bị, vật tư thực tập và lương tăng thêm của giảng viên. Hậu quả là sẽ xảy ra tình trạng như những năm 1980-1995, số thầy giỏi do thu nhập quá ít sẽ bỏ ra doanh nghiệp làm, không thu hút được người tài về trường công tác và chất lượng đào tạo sẽ giảm. Khi nào học phí đủ cho chi phí đào tạo thì các trường sẽ giảm chỉ tiêu đào tạo.

Có thể nói rằng, việc ra Thông tư 32 đang cho thấy, Bộ GDĐT hình như đang đi ngược lại với tinh thần chỉ đạo của mình là “đảm bảo tính phù hợp với quy định hiện hành, tránh việc thay đổi quá lớn, quá đột ngột ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch hoạt động của các cơ sở đại học”. Bởi khi áp dụng tiêu chí thứ 3 của Thông tư sẽ làm xáo trộn kế hoạch hoạt động cũng như định hướng phát triển của các trường.

Với những hạn chế bất cập như đã chứng tỏ một số quy định trong Thông tư chưa phù hợp với thực tế cuộc sống và Bộ GDĐT nên xem xét lại các quy định của Thông tư này. Nên chăng, tăng cường siết đầu ra (như quy định số sinh viên tìm được việc làm sau khi ra trường) để thật sự nâng cao chất lượng đào tạo hơn là quá siết chặt đầu vào như hiện nay?

Theo HNM
Bình luận
Back To Top