Tăng học phí và những nỗi lo

00:00 - Thứ Tư, 20/01/2016 Lượt xem: 2112 In bài viết
ĐBP - Nghị định số 86/2015/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 – 2021 của Chính phủ được ban hành ngày 2/10/2015. Với nghị định này, học phí sẽ tăng so với những năm trước, nhất là ở hệ đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Mặc dù đã được dự tính trước và tăng theo lộ trình, song quyết định vẫn khiến nhiều phụ huynh, học sinh lo lắng, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi.

Có con đang học năm thứ nhất Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên, anh Lò Văn Hoàng, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, chia sẻ: Gia đình có 4 người con; con cả đã lập gia đình, còn lại 3 cháu vẫn đang đi học. Năm nay, gia đình có cháu thứ 2 học tại trường chuyên nghiệp trong tỉnh. Khi con nhập học, gia đình đã đóng nhiều khoản tiền, trong đó có tiền học phí và các khoản khác. Ngoài ra, 2 cháu còn lại, 1 học lớp 10 và 1 học lớp 5 nên khoản đóng cho các con rất nhiều. Để có tiền nuôi các con ăn học, gia đình phải mượn thêm ruộng, đi làm phụ hồ, hay những việc có thể tạo ra thu nhập trang trải cuộc sống. Giờ nghe thông tin báo, đài phổ biến Nghị định 86 của Chính phủ về tăng học phí, mình thấy lo quá.

Việc tăng học phí khiến nhiều phụ huynh, học sinh lo lắng, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi. Trong ảnh: Giờ ra chơi của học sinh Trường Mầm non Lao Xả Phình, huyện Tủa Chùa.

Không chỉ đối với các gia đình nông thôn, miền núi mà ngay cả đối với nhiều cán bộ, công nhân viên chức thì việc tăng học phí cũng là áp lực không hề nhỏ. Chị Vũ Thị Tuyết, tổ dân phố 11, phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ hiện làm cán bộ văn phòng cho một đơn vị sự nghiệp trên địa bàn, bộc bạch: Mỗi tháng lương của vợ chồng tôi được khoảng 8 triệu đồng. Trong khi gia đình có 1 con trai. Số tiền này chỉ đủ đóng học phí cho con đang theo học tiểu học và trang trải cuộc sống hàng ngày. Nếu học phí tăng thì sẽ khiến cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn…

Cùng với việc tăng học phí, Nghị định 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ tiếp tục duy trì chính sách miễn giảm học phí cho sinh viên nghèo và vay tín dụng sinh viên với lãi suất thấp. Theo đó, nếu học phí tăng thì mức vay tín dụng cũng được nâng lên. Song, sự hỗ trợ theo nghị định mới cũng không thể giải quyết hết những khó khăn của nhiều gia đình, nhất là những gia đình khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Em Lường Thị Mai, sinh viên năm thứ 2, Trường Cao đẳng Y tế Điện Biên, chia sẻ: Như những năm học trước, ngoài số tiền gia đình dành dụm được, cộng với khoản tiền vay học sinh, sinh viên cũng đã khiến gia đình nuôi em ăn học chật vật rồi. Để giúp bố mẹ vơi bớt khó khăn, ngoài thời gian học tập trên lớp, em còn đi làm thêm để có tiền trang trải sinh hoạt hàng ngày. Tới đây, học phí lại tăng, cuộc sống gia đình em sẽ vất vả hơn.

Nghị định số 86/2015/NĐ-CP, nêu rõ: Từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021, học phí đối với chương trình đào tạo đại trà trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp ở các cơ sở giáo dục công lập (chưa tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư) ở tất cả nhóm ngành nghề tăng khoảng 10%/năm, tính từ mức trần học phí năm học 2014 - 2015. Riêng trong năm học này, ở khối ngành khoa học xã hội, kinh tế, luật, nông, lâm, thuỷ sản, chương trình đào tạo đại trà trình độ đại học là 610.000 đồng/tháng/học sinh (tăng 60.000 đồng so với năm học trước); trình độ cao đẳng là 490.000 đồng/tháng/học sinh (tăng 50.000 đồng). Khối y dược, chương trình đào tạo đại trà trình độ đại học năm học 2015 - 2016 là 880.000 đồng/tháng/học sinh (tăng 80.000 đồng); cao đẳng là 700.000 đồng (tăng 60.000 đồng).

Trao đổi với ông Nguyễn Sỹ Quân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, được biết: Nghị định 86 của Chính phủ ra đời, đối với tỉnh sẽ có nhiều thuận lợi bởi đây là cơ sở pháp lý để thực hiện chính sách miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập đối với học sinh, sinh viên thay thế cho Nghị định số 49/2010/NĐ-CP “quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 - 2015” và Nghị định số 74/2013/NĐ-CP “sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 49/2010/NĐ-CP” đã hết hiệu lực từ năm học 2014 – 2015. Bên cạnh đó, khung học phí đối với giáo dục mầm non và phổ thông ở khu vực miền núi rất rộng (từ 8.000 đồng/người/tháng - 60.000 đồng/người/tháng) và quy định mức trần học phí nghề nghiệp sẽ là cơ sở để Hội đồng Nhân dân tỉnh quy định mức học phí phù hợp với thu nhập của người dân. Ngoài ra, theo Nghị định mới, sẽ bổ sung thêm đối tượng được giảm 70% học phí là học sinh, sinh viên, người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn (so với giai đoạn từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 - 2015). Đồng thời, mức hỗ trợ chi phí học tập tăng từ 70.000 đồng/học sinh (giai đoạn từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 - 2015) lên 100.000 đồng/học sinh sẽ đảm bảo được nhu cầu chi phí đồ dùng, đồ chơi, sách vở tối thiểu của học sinh.

Nghị định mới là thế, song do Chính phủ ban hành tháng 10/2015 (sau 2 tháng của năm học 2015 - 2016), đến nay chưa có thông tư hướng dẫn thực hiện nên các chế độ chính sách quy định tại Nghị định chưa có căn cứ triển khai thực hiện. Chính vì thế, hiện Sở Giáo dục và Đào tạo đã trình UBND tỉnh Quy định mức học phí đối với cơ sở giáo dục công lập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2010 - 2021 trên địa bàn tỉnh trong tháng 12/2015 để UBND tỉnh thông qua và trình HĐND tỉnh trong thời gian sớm nhất.

Bài, ảnh: Văn Quyết
Bình luận
Back To Top