Chế độ bán trú góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó

00:00 - Thứ Tư, 20/01/2016 Lượt xem: 2901 In bài viết
ĐBP - Năm học 2015 – 2016, huyện Tuần Giáo có 3.266 học sinh tiểu học và THCS được hưởng chế độ nhà ở bán trú tại trường theo Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg ngày 21/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

Những trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) có nhiều học sinh được hưởng chính sách trên, gồm: Tiểu học Rạng Đông 200 học sinh, Tiểu học Nậm Din 192 học sinh, Tiểu học Tênh Phông 115 học sinh, THCS Mường Mùn 464 học sinh, THCS Mùn Chung 252 học sinh, THCS Phình Sáng 246 học sinh, Khong Hin 160 học sinh... Toàn huyện có 1.370 học sinh được hỗ trợ nhà ở bán trú; cùng với mức hỗ trợ tiền ăn bằng 40% mức lương tối thiểu, tương đương với 460 nghìn đồng/tháng. Với những học sinh tự lo chỗ ở, được hỗ trợ 10% mức lương tối thiểu, tương đương 115 nghìn đồng/tháng. Ngoài ra, học sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn còn được hỗ trợ gạo theo Quyết định số 36/2013/QĐ-TTg ngày 18/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Mỗi học sinh bán trú được hỗ trợ 15kg gạo/tháng. Các chính sách hỗ trợ: Nhà ở, tiền ăn, gạo được tính 9 tháng cho một năm học. Đến hết tháng 12/2015, toàn bộ học sinh bán trú của huyện Tuần Giáo đã được hưởng chế độ ăn, ở của 4 tháng cuối năm 2015 (tháng 9, 10, 11 và 12) và tiêu chuẩn hỗ trợ gạo của 4 tháng cuối năm 2015 (tháng 9, 10, 11, 12) và tháng 1/2016.

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Phình Sáng, năm học 2015 - 2016 có 246 học sinh được hưởng chế độ bán trú. Trong ảnh: Một giờ học của cô trò nhà trường.

Thầy giáo Vũ Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Mường Mùn, cho biết: Năm học 2015 - 2016, Trường có 691 học sinh, hầu hết là con em các dân tộc thiểu số (Thái, Mông, Khơ Mú); trong đó, 408 học sinh được hưởng chế độ bán trú tại trường. Tuy nhiên, vì nhà trường chỉ đáp ứng chỗ ở cho 120 học sinh, nên số còn lại gia đình học sinh phải tự lo cho con em ở bên ngoài.  Nguyên nhân khiến trường có nhiều học sinh bán trú và không đủ đáp ứng yêu cầu thực tế là do xã Pú Xi mới chia tách nên chưa có trường THCS; các em phải học ở Trường PTDTBT THCS Mường Mùn. Nhiều bản của xã Pú Xi cách trường từ 20 – 40km. Em Sùng A Dành, là người dân tộc Mông, học sinh lớp 7A2, nhà ở bản Thẳm Táng. Dành tâm sự: Nhà em cách trường 40km đi lại rất khó khăn, nên 1 tháng em mới về thăm bố mẹ 1 lần. Được ở bán trú, Nhà nước hỗ trợ tiền ăn đã giúp bố mẹ bớt khó khăn, em có điều kiện được học tập cùng các bạn. Em Lò Thị Đông, học sinh lớp 7A1, dân tộc Khơ Mú, gia đình thuộc diện hộ nghèo, ở bản Huổi Lốt cách trường 16km, tâm sự: Nếu không được ở bán trú và hỗ trợ tiền ăn, chắc em phải nghỉ học vì nhà xa, kinh tế khó khăn.

Cũng theo thầy Dũng, cơ sở vật chất khang trang, Trường đẩy mạnh phong trào bề nổi và học sinh được hưởng các chế độ, chính sách bán trú đã thu hút học sinh yêu trường mến lớp, đảm bảo sỹ số đến hết năm học, bậc học. Học sinh ở bán trú cũng giúp nhà trường quản lý được số lượng, nâng cao chất lượng giáo dục cũng như phong trào hoạt động khác. Năm học 2014 – 2015, nhà trường có 9 học sinh đạt danh hiệu giỏi cấp huyện, 4 học sinh giỏi cấp tỉnh; 6 giáo viên dạy giỏi cấp huyện, 1 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Nhà trường được đề nghị đạt chuẩn quốc gia mức độ I.

Có thể nói rằng, trong điều kiện kết cấu hạ tầng cơ sở nhiều xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của huyện Tuần Giáo chưa được đầu tư đồng bộ, kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn... Chế độ, chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục và đào tạo nói chung, chính sách hỗ trợ ăn, ở cho học sinh bán trú và các trường dân tộc bán trú thực sự đã là động lực cho học sinh đến trường. Góp phần tích cực phổ cập giáo dục THCS, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo các trường vùng đặc biệt khó khăn, nâng cao dân trí trên địa bàn.

Bài, ảnh: Tiến Dũng
Bình luận
Back To Top