Tăng mở ngành để duy trì chỉ tiêu

00:00 - Thứ Hai, 25/01/2016 Lượt xem: 1745 In bài viết
Theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT), đến ngày 5-2, các trường đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ) hoàn thành việc xác định, đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2016 căn cứ trên 2 tiêu chí: tỷ lệ sinh viên/giảng viên theo khối ngành và diện tích sàn xây dựng/sinh viên. Áp dụng theo tiêu chí mới, nhiều trường (trong đó có các trường tự chủ tài chính, các trường ngoài công lập) thừa nhận không thể theo kịp, nhưng vẫn cố gắng tìm mọi cách để duy trì chỉ tiêu như năm 2015.

Xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo Thông tư 32 cần sự công khai và công bằng

Đua nhau tách, mở ngành

Thực tế cho thấy, việc xác định và đăng ký chỉ tiêu năm 2016 với quy định mới khiến nhiều trường “vò đầu bứt tai” vì nếu áp theo đúng quy định của Thông tư 32 thì nhiều trường đa ngành, trường đào tạo khối ngành kỹ thuật, công nghệ và sức khỏe không đủ giảng viên.

Trường ĐH Công nghiệp TPHCM năm 2015 có chỉ tiêu hệ ĐH là 8.500 (chưa tính hệ CĐ và CĐ nghề). Tuy nhiên, năm 2016 xác định theo tiêu chí mới thì giảm chỉ còn 6.900 chỉ tiêu và không tuyển sinh hệ CĐ. Riêng CĐ nghề vẫn duy trì tuyển sinh. Theo PGS-TS Nguyễn Đức Minh, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường: “Sở dĩ trường giảm chỉ tiêu là thực hiện việc xác định theo đúng quy định của Thông tư 32 về tỷ lệ sinh viên/giảng viên cơ hữu theo khối ngành và diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo/sinh viên không thấp hơn 2,5m2 (trước đây chỉ quy định 2m2). Trong đó, chỉ tiêu giảm chủ yếu tập trung ở các khối ngành kinh tế.

Cũng theo ông Minh, cùng với việc giảm chỉ tiêu, trường tiến hành tách một số ngành cũ để mở thêm một số ngành mới, chứ nếu không mở thêm ngành thì chỉ tiêu còn giảm trầm trọng hơn. Dự kiến trường mở thêm 15 ngành mới, trong đó có một số ngành tách từ ngành cũ như: công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa (từ ngành công nghệ kỹ thuật điện tử); công nghệ chế tạo máy (từ ngành công nghệ kỹ thuật cơ khí); công nghệ thông tin, kỹ thuật phần mềm, hệ thống thông tin (từ ngành khoa học máy tính); marketing, kinh doanh quốc tế (từ ngành quản trị kinh doanh); quản lý tài nguyên và môi trường (từ ngành công nghệ kỹ thuật môi trường). Bên cạnh đó, một số ngành mới hoàn toàn như công nghệ kỹ thuật máy tính, kỹ thuật công trình xây dựng, kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, khoa học môi trường, kiểm toán, luật kinh tế, luật quốc tế.

Thông tin từ Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM cho biết, trường đăng ký mở 4 ngành mới gồm kỹ thuật y sinh, công nghệ vật liệu, khai thác vận tải và ngành ngôn ngữ Anh, mỗi ngành tuyển 50 chỉ tiêu. Như vậy, trường này tăng chỉ tiêu so với năm 2015, chủ yếu tập trung vào những ngành mới mở.

Trong khi đó, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM giảm gần 460 chỉ tiêu trong năm 2016. Trong đó, hệ ĐH giảm 200 chỉ tiêu ở nhóm ngành kinh tế và ngành công nghệ hóa, hệ CĐ giảm 260 chỉ tiêu. Cùng với đó, trường dự kiến mở thêm 5 ngành mới ở hệ ĐH, gồm ngành dinh dưỡng và ẩm thực, quản trị du lịch và lữ hành, công nghệ vật liệu, công nghệ may, hệ thống thông tin quản lý. 

Ngoài ra, nhiều trường như ĐH Mở TPHCM, ĐH Kinh tế Tài chính, ĐH Sư phạm TPHCM cũng dự kiến mở thêm nhiều ngành mới.

Cần minh bạch

Việc Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường xác định và đăng ký chỉ tiêu theo tiêu chí mới, thực tế làm không ít trường lúng túng. Tuy nhiên, những quy định mới này lại được các nhà quản lý lẫn các chuyên gia đồng tình. 

Một chuyên gia đào tạo ở một trường ĐH lớn tại TPHCM phân tích: “Việc xác định chỉ tiêu theo hai tiêu chí mới của Thông tư 32 cần phải thực hiện đúng và triệt để. Nếu bộ không hậu kiểm và có biện pháp chế tài mạnh thì các trường cố tình làm sai sẽ được lợi, còn những trường làm đúng thì bị thiệt”. Chuyên gia này cho biết, đơn cử như nhóm ngành sức khỏe (y đa khoa, dược, điều dưỡng), ở rất nhiều trường ngoài công lập hiện nay đội ngũ giảng viên thiếu trầm trọng nhưng không hiểu bằng cách nào mà các trường vẫn mở được ngành. Đã vậy, chỉ tiêu tuyển sinh ở những ngành này chiếm phần lớn chỉ tiêu tuyển sinh của các trường.

Thực tế cho thấy, hầu như các trường ngoài công lập khi xét tuyển chỉ công bố tổng chỉ tiêu và giấu nhẹm chỉ tiêu từng ngành. Chính vì vậy, các trường mặc sức dồn thí sinh vào những ngành hot dù năng lực đào tạo chỉ có hạn. Trong khi đó, trong xác định chỉ tiêu và đăng ký chỉ tiêu, các trường đều phải đăng ký chỉ tiêu từng ngành cụ thể gửi Bộ GD-ĐT.

Vì vậy, khi các trường xác định chỉ tiêu dựa trên tỷ lệ sinh viên/giảng viên cơ hữu của nhóm ngành thì lúc xét tuyển, Bộ GD-ĐT cũng phải yêu cầu công khai chỉ tiêu ở từng ngành. Song song đó, Bộ GD-ĐT cũng công khai các trường khai man, xác định chỉ tiêu vượt quá năng lực đào tạo, các trường chuyên mượn danh cán bộ giảng viên cơ hữu ở trường này hoặc trường kia để xác định chỉ tiêu tuyển sinh.

Một quy định ngoài việc được xã hội đồng thuận và ủng hộ thì khi thực hiện cần phải đảm bảo tính khả thi, sự công bằng và minh bạch.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top