Cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mới

Chú trọng phân luồng và định hướng nghề nghiệp

00:00 - Thứ Tư, 03/02/2016 Lượt xem: 1901 In bài viết
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) vừa có tờ trình Thủ tướng Chính phủ về “Đề án hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân”. Đề án đã khẳng định rất đúng về bảy vấn đề còn hạn chế của cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân hiện hành. Tuy nhiên, cần có sự giải thích rõ ràng hơn về cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mới.

Học sinh Trung tâm GDTX quận Đống Đa (Hà Nội) trong giờ học môn Tiếng Anh.

Trong các hạn chế của cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân được Bộ GD và ĐT chỉ ra có các hạn chế như: Cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân bị phân mảnh, liên kết lỏng lẻo giữa các bộ phận (giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, giáo dục đại học), quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục chưa hợp lý, không đồng bộ; tình trạng mất cân đối trong cơ cấu trình độ và ngành nghề đào tạo chậm được khắc phục, chưa thật sự đáp ứng được nhu cầu nhân lực xã hội và hội nhập quốc tế; chưa phân biệt cụ thể trình độ đào tạo (được xác định bởi văn bằng, chứng chỉ của các cơ sở giáo dục) và trình độ tay nghề, chuyên môn nghiệp vụ (theo yêu cầu của vị trí việc làm). Ngoài ra, còn có một số hạn chế như quản lý hệ thống giáo dục quốc dân, do các luật về giáo dục (2005, bổ sung năm 2009) về giáo dục đại học (2012) và giáo dục nghề nghiệp (2014) có phạm vi điều chỉnh chưa thống nhất và nhất quán dẫn đến “việc thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo ở các bộ, ngành địa phương có sự khác nhau”. Đáng chú ý, hạn chế cơ bản, có tính chất trầm trọng nhất của hệ thống giáo dục quốc dân hiện hành là: “Việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh THCS và THPT chưa rõ đã dẫn đến sức ép lớn đối với các trường ĐH trong khi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp lại không thu hút được học sinh”. Quan điểm để xây dựng và hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, Bộ GD và ĐT cũng đã chỉ rõ: “Bảo đảm cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân sau khi hoàn thiện sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập hiện tại, đồng thời đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và tiếp cận hệ thống giáo dục của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới”.

Tất cả những hạn chế và định hướng trên là khá đúng đắn, sâu sắc nhưng Bộ GD và ĐT lại không giải thích và làm rõ ở phương án hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mà chỉ thể hiện hết sức sơ lược. Thiếu sót chính là đề án không giải quyết được vấn đề phân luồng sau THCS và sau THPT. Như vậy, hệ thống các trường nghề vẫn không có học sinh theo học, tất cả chỉ đổ vào ĐH, CĐ.

Để giải quyết vấn đề phân luồng học sinh một cách triệt để, có thể trong cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân thiết kế ba loại trường trung học, đó là: trường trung học định hướng khoa học cơ bản, đầu vào là học sinh giỏi THCS, có thiên hướng nghiên cứu khoa học, đầu ra là vào các trường đại học nghiên cứu; trường trung học định hướng kỹ thuật công nghệ, đầu vào là học sinh THCS khá, giỏi và những học sinh có thiên hướng chọn những nghề có sử dụng nhiều kỹ thuật, công nghệ; trường trung học nghề, bảo đảm có kiến thức THPT ở mức cơ bản chủ yếu phải học một nghề cụ thể để ra trường có thể đạt tay nghề bậc hai hoặc ba.

Như vậy, khi học sinh THCS đến lớp chín đã được phân loại để học một chương trình phù hợp với từng loại trường mà khả năng học tập cũng như thiên hướng nghề nghiệp các em mong muốn khi lên học THPT. Chương trình giáo dục hướng nghiệp phải làm kỹ cho học sinh THCS từ lớp tám đến lớp chín, các chương trình đã được phân hóa theo các loại trường trung học. Với chương trình lớp chín THCS, Bộ GD và ĐT cần mạnh dạn thiết kế lại mới bảo đảm tính phân luồng triệt để. Có làm mạnh mẽ, dứt khoát chúng ta mới giải quyết được vấn đề định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT và trung học nghề. Đáng chú ý, vấn đề hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân mới lẽ ra cần làm trước đề án xây dựng chương trình sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015, nhưng hiện nay đang làm ngược. Cho nên hệ thống giáo dục phổ thông vẫn giữ 12 năm nhưng một số chương trình cho học sinh lớp 9 THCS phải điều chỉnh cho phù hợp với việc phân luồng, cũng như chương trình THPT phải điều chỉnh cho phù hợp với loại hình trường THPT.

Những vấn đề nêu trên là những ý tưởng phác thảo nhằm đạt mục tiêu định hướng hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mới… Nếu chúng ta cứ luyến tiếc chương trình cũ, cách làm cũ sẽ không thể đạt yêu cầu phân luồng và liên thông theo định hướng nghề nghiệp của hệ thống. Vì vậy, Bộ GD và ĐT cần thuyết minh kỹ hệ thống giáo dục quốc dân để bảo đảm phân luồng học sinh và tính liên thông giữa các chương trình đào tạo. Bộ GD và ĐT phát hiện những nhược điểm của công tác quản lý của hệ thống giáo dục quốc dân cũ nhưng khi thiết kế cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mới lại chưa đề cập những thay đổi cho phù hợp. Quan điểm của chúng tôi về hệ thống giáo dục quốc dân mới, chỉ nên để một mình Bộ GD và ĐT quản lý, để thống nhất điều hành và bảo đảm sự liên thông của hệ thống. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nên tập trung giám sát kết quả đào tạo nguồn nhân lực của Bộ GD và ĐT, có chính sách huy động các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở nghiên cứu tham gia sử dụng lao động và tổ chức đào tạo lại tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh mới đáp ứng nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực để hội nhập quốc tế.

Hy vọng trong lần đổi mới này, nước ta sẽ có một hệ thống giáo dục quốc dân kế thừa được những ưu điểm và giải quyết được những nhược điểm của hệ thống giáo dục quốc dân cũ, bảo đảm phân luồng và hướng nghiệp cho học sinh phổ thông, nâng cao được chất lượng đào tạo của các trường ĐH, CĐ.

TS Nguyễn Tùng Lâm

(Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội)

Theo Nhân dân
Bình luận
Back To Top