Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga:

Hạn chế thí sinh lựa chọn ngành học, trường học theo cảm tính

00:00 - Chủ Nhật, 21/02/2016 Lượt xem: 2491 In bài viết
Dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ 2016 được Bộ GD-ĐT công bố tối 18-2 có khá nhiều điểm mới: siết việc cộng điểm ưu tiên, bỏ điểm sàn cao đẳng, bỏ quy định trường đại học phải 3 ngày một lần công bố điểm trúng tuyển tạm thời, thí sinh chỉ nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) qua bưu điện hoặc Internet... Liệu những thay đổi này có giảm áp lực tuyển sinh và tăng tính tự chủ cho các trường, tạo thuận lợi cho thí sinh, bảo đảm công bằng trong xét tuyển cũng như bảo đảm đầu vào nguồn nhân lực? Ngày 19-2, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga (ảnh) đã trao đổi với PV để làm rõ thêm vấn đề này.

* Phóng viên: So với năm 2015, thí sinh đợt 1 được đăng ký 4 nguyện vọng vào cùng 1 trường và được thay đổi nguyện vọng thì năm nay dự kiến thí sinh được phép chọn 2 trường trong đợt 1 và 3 trường trong mỗi đợt bổ sung, mỗi trường chọn 2 ngành theo thứ tự ưu tiên. Điều này có ý nghĩa gì?

 

* Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Quy chế tuyển sinh năm 2016 được hoàn thiện trên nguyên tắc những gì đã làm tốt năm 2015 thì năm nay làm tốt hơn; những gì còn bất cập năm 2015 thì khắc phục triệt để; những gì không cần thiết phải thay đổi thì giữ nguyên để đảm bảo ổn định tâm lý thí sinh.

Điểm mới đầu tiên là trong đợt 1, thay vì thí sinh chỉ được nộp vào một trường cho 4 ngành và được quyền rút hồ sơ khi thấy khả năng trúng không cao như năm 2015, thì nay được ĐKXT tối đa vào 2 trường, mỗi trường không quá 2 ngành và không được thay đổi nguyện vọng vào trường, ngành đã đăng ký trong đợt xét tuyển. Với ĐKXT các đợt bổ sung, thí sinh được ĐKXT tối đa vào 3 trường, mỗi trường không quá 2 ngành và không được thay đổi nguyện vọng vào trường, ngành đã đăng ký trong từng đợt xét tuyển. Điều này giúp khắc phục bất cập trong xét tuyển 2015, bảo đảm các em được chọn ngành học theo sở thích hơn là chọn một chỗ để vào học đại học, bất chấp ngành mà mình không thật sự thích. Ngoài ra, năm nay, đối với những trường tuyển sinh theo nhóm trường, sự lựa chọn ngành học phù hợp với sở trường của thí sinh còn đa dạng hơn. Bởi vì dự thảo quy chế cho phép thí sinh có thể sử dụng số nguyện vọng quy định của mình để chọn ngành học yêu thích ở các trường khác nhau trong nhóm. Việc lập nhóm xét tuyển vừa có lợi cho thí sinh, vừa có lợi cho cả nhà trường (loại bỏ được thí sinh ảo). Dĩ nhiên, việc thành lập nhóm trường tuyển sinh chung hay không tùy thuộc vào sự tự nguyện của các trường bởi đó là quyền tự chủ của họ. Tôi cho rằng, quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ 2016 hạn chế được việc thí sinh lựa chọn ngành học, trường học theo cảm tính.

* Nhiều ý kiến thắc mắc, việc thí sinh được chọn ĐKXT tối đa vào 2 trường, mỗi trường không quá 2 ngành trong đợt 1 có thể gây “ảo” lớn cho các trường?

* Tôi muốn nhấn mạnh điều này, nguyên tắc lựa chọn phương án tuyển sinh là hài hòa quyền lợi của thí sinh và thuận tiện cho các trường. Nếu tăng quyền lợi của thí sinh thì nhà trường phải khó khăn hơn và ngược lại. Năm 2015, Bộ GD-ĐT đã áp dụng giải pháp đảm bảo quyền lợi tối đa cho thí sinh (được rút, nộp hồ sơ) và sự thuận tiện tối đa cho các trường (không có ảo) nhưng dư luận xã hội không đồng tình. Năm 2016 thí sinh đã có thông tin tham khảo của năm 2015 nên việc chọn trường chọn ngành sẽ phù hợp hơn với kết quả thi của mình. Vì vậy, việc quy định trong đợt 1 thí sinh được ĐKXT vào 2 trường, mỗi trường tối đa 2 ngành là phù hợp. So với năm ngoái thí sinh vẫn được 4 nguyện vọng nhưng ở 2 trường khác nhau giúp thí sinh lựa chọn ưu tiên ngành mình yêu thích hơn là cố gắng tìm một chỗ vào đại học với những ngành không phù hợp lắm với năng lực sở trường. Đối với các trường thì mức độ ảo cũng tương đương với những năm thi 3 chung (thí sinh thường vẫn thi 2 trường ĐH với 2 khối khác nhau). Mức độ ảo như vậy có thể chấp nhận được và các trường cũng đã có kinh nghiệm xử lý.

Để các trường có thêm thông tin hạn chế ảo, Bộ GD-ĐT dự kiến trong phiếu ĐKXT, thí sinh cung cấp thêm thông tin các trường mà mình đã ĐKXT trong đợt. Các trường dựa vào các thông tin này để có thể lựa chọn điểm trúng tuyển phù hợp có tính đến mức độ ảo. Để giảm ảo triệt để hơn, quy chế cũng quy định việc tuyển sinh theo nhóm trường. Các trường chủ động lập nhóm tuyển sinh chung và xây dựng đề án quy định rõ cách thức đăng ký của thí sinh, cách thức xét tuyển các nguyện vọng và trách nhiệm của các trường tham gia nhóm. Việc hình thành các nhóm xét tuyển chung như vậy vừa có lợi cho thí sinh, vừa thuận tiện cho các nhà trường.

* Dự thảo quy chế tuyển sinh 2016 là chỉ cho phép thí sinh nộp qua đường bưu điện, nộp trực tuyến, thí sinh không được đến trường nộp hồ sơ. Như vậy có gây tâm lý lo lắng cho thí sinh vì sợ thất lạc, bởi hạ tầng CNTT và quy trình tiếp nhận ĐKXT liệu có đảm bảo? Đồng thời việc chỉ sử dụng mã số mà không cần đến giấy chứng nhận kết quả thi có đảm bảo công bằng, chính xác, không có gian lận trong xét tuyển, ví dụ như đã trúng tuyển NV1 nhưng lại tiếp tục ĐKXT nguyện vọng bổ sung?

* Một trong những nguyên nhân gây bất cập trong tuyển sinh năm 2015 là do tâm lý của thí sinh muốn đến trường nộp hồ sơ cho… yên tâm. Điều này gây tốn kém không cần thiết và gây lộn xộn ở một số trường. Tâm lý này khó có thể khắc phục được ngay nên năm nay Bộ GD-ĐT ra quy định như vậy. Bộ GD-ĐT đã thiết kế mẫu phiếu ĐKXT để thí sinh truy cập sử dụng. Khi đăng ký, thí sinh chỉ điền thông tin cần thiết và mã số xét tuyển của mình, không phải gửi kèm hồ sơ hay giấy tờ gì khác. ĐKXT qua đường bưu điện, nộp trực tuyến đều rất chắc chắn, an toàn. Ngoài ra, thí sinh cũng cần hiểu rõ số nguyện vọng được đăng ký trong mỗi đợt xét tuyển. Nguyên tắc chung là dù đăng ký trực tuyến (do thí sinh nhập thông tin ĐKXT vào hệ thống) hay đăng ký qua đường bưu điện (nhà trường nhập thông tin từ phiếu ĐKXT của thí sinh vào hệ thống) thì thí sinh cũng chỉ được số nguyện vọng tối đa quy định đã nhập vào hệ thống trước. Những nguyện vọng nhập sau đó (quá số nguyện vọng tối đa) thì hệ thống sẽ từ chối. Vì vậy thí sinh cần cân nhắc cẩn thận trước khi quyết định ĐKXT.

Hiện nay Bộ GD-ĐT đang cập nhật phần mềm tuyển sinh năm 2015 theo các yêu cầu của quy chế tuyển sinh năm 2016 để thí sinh có thể đăng ký trực tuyến ở bất cứ nơi nào có mạng Internet. Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các sở GD-ĐT chỉ đạo các trường THPT mở cửa các phòng máy tính nối mạng của trường để thí sinh có thể thực hiện việc đăng ký trực tuyến.

* Dự thảo quy chế mới quy định “điểm sàn” đại học sẽ do Bộ GD-ĐT xác định, còn “điểm sàn” cao đẳng chính là tốt nghiệp THPT. Liệu có phải hạ thấp đầu vào cao đẳng?

* Mặc dù dự thảo quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cao đẳng là tốt nghiệp THPT nhưng các trường phải thực hiện tuyển sinh theo nguyên tắc xét tuyển thí sinh từ kết quả cao xuống kết quả thấp. Vì vậy các trường CĐ, nhất là những trường cao đẳng có sức thu hút thí sinh lớn, phải quy định tiêu chí xét tuyển thí sinh vào trường mình để đảm bảo chất lượng nguồn tuyển và sự công bằng.

* Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top