Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm học 2015 - 2016

Góp phần nâng cao chất lượng dạy và học

00:00 - Thứ Tư, 09/03/2016 Lượt xem: 2029 In bài viết
ĐBP - Sau nhiều ngày thi sôi nổi (26/2 – 5/3), Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm học 2015 – 2016 đã khép lại. Trong tổng số hơn 700 người tham gia thi thuộc 4 cấp (mầm non, tiểu học, THCS và THPT), toàn tỉnh có 625 thí sinh đã được Sở Giáo dục và Đào tạo công nhận danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Kỳ thi không chỉ nhằm tuyển chọn, công nhận và suy tôn những giáo viên đạt danh hiệu này mà còn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo toàn diện của tỉnh.

Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh được tổ chức 4 năm 1 lần. Để đủ điều kiện dự thi, trước đó giáo viên phải được công nhận giáo viên giỏi cấp trường với cấp THPT và cấp huyện với cấp mầm non, tiểu học và THCS (2 lần trong 4 năm liền kề, tính đến năm dự thi). Riêng giáo viên mầm non phải đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện ít nhất 1 lần tính từ năm học 2011 - 2012 đến nay.

Ông Nguyễn Sỹ Quân, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chia sẻ niềm vui với thí sinh sau lễ bế mạc Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm học 2015 – 2016. Ảnh: Văn Quyết

Kỳ thi năm nay, hơn 700 thí sinh (là giáo viên mầm non 170, tiểu học 188, THCS 200, THPT 174) đã lần lượt trải qua 3 vòng thi: Sáng kiến và sản phẩm nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng; kiểm tra năng lực giáo viên; thi thực hành. Vòng thi chấm sáng kiến và sản phẩm nghiên cứu khoa học đã được Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức từ tháng 11/2015. Theo đó, giáo viên đạt yêu cầu về sản phẩm nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng và sáng kiến tiếp tục làm một bài kiểm tra năng lực hiểu biết về chuyên môn, nghiệp vụ dành cho tất cả các đối tượng với thời gian làm bài 150 phút. Với sự chuẩn bị chu đáo, ở phần thi năng lực, toàn tỉnh có 641 giáo viên đạt từ điểm 8/10 trở lên, đủ điều kiện tham gia vòng thi thực hành, được tổ chức từ 26/2 đến 5/3/2016 tại 26 điểm trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên.

Theo dõi suốt quá trình diễn ra kỳ thi, thấy rằng các đơn vị đăng ký dự thi đã làm tốt công tác tư tưởng, tạo điều kiện thuận lợi giúp các giáo viên dự thi nắm được cơ bản nội dung, hình thức tổ chức của hội thi; giúp thí sinh dự thi thảo luận tổ nhóm chuyên môn, thiết kế bài dạy, chuẩn bị đồ dùng cũng như phương tiện dạy học cho từng tiết dạy. Đối với các đơn vị được Ban Tổ chức chọn đặt điểm thi kiểm tra năng lực giáo viên, thi giảng đã tạo điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị dạy học để giáo viên có tâm thế thoải mái, tự tin. Bên cạnh đó, nhà trường cũng chuẩn bị tâm lý, tinh thần để học sinh phấn khởi, tự tin trong các giờ giáo viên thi giảng. Vòng thi giảng được tổ chức tại 26 địa điểm trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên (6 trường THPT, 8 trường THCS, 7 trường tiểu học, 5 trường mầm non). Sở Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao và biểu dương việc chấp hành và chuẩn bị chu đáo các điều kiện của các đơn vị, trường được giao, đặt địa điểm thi giảng.

Kết quả từ Ban Tổ chức hội thi, số giáo viên đạt vòng sáng kiến, sản phẩm nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng, đủ điều kiện dự thi vòng kiểm tra năng lực là 732/753 thí sinh, đạt 97,21%; 641/732 giáo viên đạt vòng kiểm tra năng lực, chiếm 87,57%.

Cầm trên tay chứng nhận giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cô Cà Thị Thoa, giáo viên Trường Mầm non Tênh Phông, huyện Tuần Giáo, chia sẻ: Để có thành tích trong kỳ thi này, trong suốt quá trình giảng dạy cũng như đi thi, tôi luôn tìm tòi, đổi mới cách dạy theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh. Cố gắng nắm chắc đối tượng học, nhận thức đầy đủ về văn bản và kỹ thuật chuyên môn, nghiệp vụ. Do vậy, ở các phần thi, tôi luôn bình tĩnh, chủ động. Còn với cô Vũ Thị Sen, Trường PTDTBT Tiểu học Hừa Ngài, huyện Mường Chà, để có được kết quả tốt trong hội thi, ngoài sự cố gắng, nỗ lực của bản thân, còn sự giúp đỡ từ nhà trường đã tạo mọi điều kiện thuận lợi, định hướng tư tưởng, động viên, tập huấn nhiều kỹ năng, kiến thức. Cũng chia sẻ niềm vui về thành tích của mình, thầy Khuất Văn Hiếu, giáo viên môn Văn, Trường PTDTNT THPT huyện Mường Chà, cho biết: Tham gia hội thi, mình còn có cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sâu hơn với đồng nghiệp về bộ môn giảng dạy, như: Phương pháp tổ chức lớp học, khai thác, sử dụng sáng tạo, kết hợp nội dung giảng dạy với kiến thức thực tiễn… từ đó, góp phần đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo hiện nay.

Ông Nguyễn Sỹ Quân, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, đánh giá: Mặc dù vẫn còn những hạn chế nhất định (một số sáng kiến chưa đúng cấu trúc, nội dung theo hướng dẫn; một số tiết dạy chưa quan tâm sâu đến tính giáo dục; chưa thực sự đổi mới về phương pháp; sử dụng đồ dùng dạy học chưa hợp lý, linh hoạt…); nhưng về cơ bản thì Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm học 2014 – 2015 đã diễn ra thành công tốt đẹp. Công tác tổ chức, chấm sáng kiến đảm bảo theo đúng quy trình, nghiêm túc, công bằng. Các sáng kiến nhìn chung đảm bảo cấu trúc và nội dung, thể hiện sự đầu tư, tính sáng tạo và tính hiệu quả. Nhiều sáng kiến thể hiện tâm huyết của giáo viên trong quá trình giảng dạy, có giá trị ứng dụng và có thể phổ biến rộng rãi cho nhiều giáo viên tham khảo và sử dụng, được Ban Giám khảo đánh giá cao, như: Sáng kiến “Biện pháp tạo tình huống có vấn đề khi dạy lịch sử thế giới giai đoạn 1945 - 2000 trong sách giáo khoa lịch sử lớp 12 trong các trường THPT huyện Tủa Chùa” của cô Dương Thị Tú (Trường PTDTNT THPT huyện Tủa Chùa); sáng kiến “Tổ chức dạy học theo góc “Định luật bảo toàn cơ năng” của thầy Nguyễn Ngọc Thắng (Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn)... Với các tiết thi giảng, 100% giáo viên tham gia thực hiện theo đúng thời gian của Ban Tổ chức, có ý thức cao trong việc chuẩn bị đồ dùng dạy học, thiết kế, tổ chức các hoạt động dạy học phù hợp với nội dung, mục tiêu của bài. Cùng với đó, các tiết dạy đều đi đúng tiến trình lên lớp, phân bố thời gian cho từng hoạt động hợp lý; việc sử dụng hợp lý, linh hoạt các thiết bị, đồ dùng dạy học tự làm ở cấp mầm non, sử dụng giáo án điện tử thành thạo ở các cấp học đã hỗ trợ tích cực việc giảng dạy của giáo viên và thu hút học sinh. Giáo viên quan tâm đến học sinh, đối xử công bằng với các em; tác phong nhẹ nhàng, đĩnh đạc. Ở cấp tiểu học, thực hiện đánh giá học sinh theo Thông tư số 30/2014/TT-BGD&ĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo bằng những lời động viên khích lệ, quan tâm nhiều đến việc đánh giá học sinh thực hiện theo chuẩn kiến thức, kĩ năng...

Dự kiến, năm 2019 ngành sẽ tổ chức thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh cho cấp: Mầm non và THCS; năm 2020 tổ chức thi ở cấp: THPT và tiểu học nhằm giảm quy mô, áp lực cũng như nâng cao chất lượng hội thi. Với những thành công đáng ghi nhận của Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, năm học 2015 – 2016; tin rằng, cùng với sự tâm huyết yêu nghề của giáo viên, sự nỗ lực của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh, hội thi giáo viên dạy giỏi những năm tiếp theo cũng sẽ thành công tốt đẹp; góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đào tạo tỉnh nhà…

Quang Long
Bình luận
Back To Top