Trường tự chủ tự giảm học phí

00:00 - Thứ Năm, 10/03/2016 Lượt xem: 2419 In bài viết
Từ năm học 2015-2016, đối với các cơ sở giáo dục đại học - cao đẳng (ĐH-CĐ) công lập chưa tự chủ tài chính, học phí được điều chỉnh theo hướng tăng dần theo từng năm đến năm học 2020-2021 theo Nghị định 86 của Chính phủ.

Ngoài ra, tại nhiều trường ĐH ngoài công lập, dù mức học phí đã đến vài chục triệu đồng nhưng vẫn tiếp tục tăng từ 3% - 8% so với năm học trước. Trong khi đó, nhiều trường công lập tự chủ tài chính cho tăng học phí theo đúng lộ trình thì lại phải giảm học phí vì sợ khó tuyển sinh.

Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TPHCM làm thủ tục nhập học.

Đồng loạt tăng học phí

Theo Nghị định số 86/CP của Chính phủ, từ năm học 2015-2016, mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ ĐH chính quy tập trung tại các cơ sở giáo dục công lập áp dụng theo các khối ngành, chuyên ngành đào tạo như sau: khối ngành xã hội, kinh tế, luật, nông - lâm - thủy sản, học phí tăng lên thành 6,1 triệu đồng/năm; khối ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, thể dục thể thao, nghệ thuật, khách sạn, du lịch tăng lên thành 7,2 triệu đồng/năm; khối ngành y, dược tăng lên thành 8,8 triệu đồng/năm. Đến năm 2020-2021, mức học phí của những nhóm ngành này tăng lên thành 9,8 triệu đồng/năm; 11,7 triệu đồng/năm và 14,3 triệu đồng/năm. Trong khi đó, học phí đào tạo ĐH và giáo dục nghề nghiệp thực hiện theo phương thức giáo dục thường xuyên áp dụng mức không vượt quá 150% mức thu học phí so với hệ đào tạo chính quy.

Như vậy, so với mức học phí kịch trần của Nghị định 49/CP của Chính phủ, khối ngành xã hội,
kinh tế, luật, nông - lâm - thủy sản, học phí tăng 600.000 đồng/năm; khối ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, thể dục thể thao, nghệ thuật, khách sạn, du lịch tăng 700.000 đồng/năm; khối ngành y, dược tăng 800.000 đồng/năm. Mức tăng học phí của Nghị định 86 so với mức kịch trần của Nghị định 49 ở các khối ngành là 11%. Trong khi đó, với nhiều trường công lập được Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động (hoàn toàn tự chủ tài chính) giai đoạn 2015-2017, học phí năm học 2016 sẽ tăng từ gần 2 triệu đồng so với năm 2015. 

Theo Quyết định 158 ngày 29-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2015-2017, Trường ĐH Tôn Đức Thắng sẽ tăng học phí trong các năm học 2015, 2016 và 2017 lần lượt là 13 triệu đồng; 14,95 triệu đồng và 17,2 triệu đồng/sinh viên/năm. Đối với những sinh viên các khóa trước khi quyết định có hiệu lực, trường sẽ điều chỉnh học phí đúng quy định là không quá 20% so với mức học phí cũ.

Trường ĐH Kinh tế TPHCM trong năm 2015, học phí khóa mới trường sẽ thu là 13 triệu đồng/sinh viên/năm, năm 2016 là 14,5 triệu đồng/sinh viên/năm và năm 2017 là 16,5 triệu đồng/sinh viên/năm. Đối với những sinh viên khóa cũ, trường sẽ thu học phí tăng ở mức không quá 30%/năm.

Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Truyền thông và Tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TPHCM, đối với sinh viên khóa cũ năm học mới học phí sẽ tăng khoảng 3,1% so với năm học trước. Đối với những sinh viên khóa 2016-2020, học phí vẫn chờ ban giám hiệu quyết định, nhưng nếu tăng thì cũng không đáng kể. Đại diện Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định cho biết năm học 2016, học phí sẽ tăng từ 12 lên thành 13 triệu đồng/năm đối với hệ ĐH, hệ CĐ tăng từ 11 lên thành 12 triệu đồng/năm. 

Nhiều trường tự chủ tài chính hạ học phí

Thực tế cho thấy, Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các trường công khai thông tin tuyển sinh và trong đó có thông tin học phí để thí sinh nắm rõ. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều trường lại né việc công khai thông tin học phí vì “sợ” thí sinh bị sốc. Ngoài ra, một nghịch lý đang diễn ra đó là các trường công được tự chủ tài chính lẽ ra học phí phải tăng theo đúng lộ trình hàng năm của đề án mà Chính phủ đã duyệt lại không dám tăng.

Ông Phạm Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh và dịch vụ đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM, cho biết theo đề án tự chủ học phí hệ ĐH năm 2015 là 15,5 triệu đồng/năm, năm 2016 là 16,5 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan nên năm 2015, trường chỉ thu học phí 13,5 triệu đồng/năm. Trong năm 2016, khóa mới trường sẽ dự kiến thu ở mức 14,5 hoặc 15,5 triệu đồng. Tuy nhiên, mức học phí cuối cùng phải chờ ban giám hiệu quyết định rồi trường mới công bố.

Tương tự, Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM cũng được Chính phủ duyệt tự chủ tài chính và năm 2015 học phí là 13 triệu đồng/năm (tăng gấp đôi so với trước khi được duyệt). Theo lộ trình của đề án đã được duyệt, học phí năm học 2016 của trường sẽ tăng lên thành 16,5 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, theo thạc sĩ Hứa Minh Tuấn, Phó Hiệu trưởng nhà trường: “Hiện nay, trường chưa công bố mức học phí cho năm 2016. Nếu tăng theo đúng lộ trình thì có thể khó tuyển sinh. Nhà trường sẽ tính kỹ trước khi công bố mức học phí cho năm học mới”.

Theo PGS-TS Nguyễn Đức Minh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TPHCM: “Trong năm 2016, khóa mới trường không dám tăng học phí theo đúng lộ trình của đề án tự chủ được Chính phủ duyệt, vì sợ khó khăn cho sinh viên. Theo tôi được biết, ban giám hiệu sẽ quyết định mức học phí cho khóa mới là 13,8 triệu đồng/năm”. Sau khi có quyết định chính thức, trường sẽ công bố học phí trên website của trường ở mục “ba công khai” để thí sinh nắm rõ”.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top