Nâng cao kiến thức pháp luật cho học sinh các trường trung học

00:00 - Thứ Hai, 14/03/2016 Lượt xem: 2615 In bài viết
ĐBP -Những năm gần đây, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp tích cực để đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) vào chương trình giảng dạy chính khóa, ngoại khóa nhằm nâng cao kiến thức pháp luật, giúp học sinh chủ động phòng ngừa những hành vi vi phạm pháp luật, nhất là đối với học sinh trung học trong độ tuổi từ 12 – 18.

Ông Đoàn Trần Hiệp, Phòng Trung học Phổ thông, Sở GD&ĐT cho biết: năm học 2015 – 2016, toàn tỉnh có khoảng 50.000 học sinh  THPT và THCS. Đây là những đối tượng chính yếu của công tác PBGDPL trong nhà trường vì ở lứa tuổi này các em rất dễ bị tác động, lôi kéo bởi những hành vi xấu. Do đó, nhà trường cần phải giáo dục ý thức pháp luật cho các em nhằm định hướng, điều chỉnh hành vi và nâng cao nhận thức, thói quen tự nguyện, tự giác chấp hành pháp luật.

Tiết Giáo dục công dân của lớp 11A, Trường THPT TP. Điện Biện Phủ.

Hiện nay, hoạt động PBGDPL trong nhà trường nói chung và với các trường THCS, THPT nói riêng được thực hiện ở 2 nội dung là giáo dục pháp luật và phổ biến pháp luật. Môn Giáo dục công dân được chọn là môn học chính để truyền tải nội dung giáo dục pháp luật trong chương trình chính khóa của học sinh từ lớp 6 - 12. Ngoài ra, PBGDPL còn được lồng ghép tích hợp vào các môn: Ngữ văn, Lịch Sử, Địa lý, Sinh học. Đơn cử như trong chương trình Ngữ văn lớp 12, khi giảng dạy bài “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu, giáo viên có thể lồng ghép những kiến thức pháp luật về nạn bạo hành gia đình. Trong môn Sinh học lớp 9, khi giảng dạy bài “Tác động của con người đối với môi trường”, giáo viên sẽ lồng ghép những kiến thức về tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay, từ đó, trang bị cho học sinh những kỹ năng như lên án, phê phán, đấu tranh, ngăn chặn các biểu hiện, hành vi phá hoại làm ô nhiễm môi trường…

Một trong những yếu tố quyết định hiệu quả của công tác PBGDPL trong nhà trường chính là làm sao để học sinh nhận thức được tầm quan trọng cũng như lợi ích thiết thực của việc hiểu biết pháp luật. Do đó, song song với việc đưa nội dung pháp luật vào chương trình giáo dục chính khóa, công tác PBGDPL còn được thông qua các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt đoàn thể, hoạt động ngoài giờ lên lớp của các trường. Cô Phạm Thị Hà, Phó Hiệu trưởng Trường THPT TP. Điện Biên Phủ, cho biết: bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thông qua các hoạt động ngoại khóa do nhà trường tổ chức, các kiến thức pháp luật về giao thông, phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy, HIV/AIDS, giáo dục giới tính… được học sinh tiếp thu một cách “dễ nhớ, khó quên” hơn, tạo nên sân chơi lành mạnh thỏa mãn nhu cầu “vừa học vừa chơi” của lứa tuổi học sinh. Cụ thể, trong tháng 9/2015, nhà trường đã mời cán bộ Phòng Cảnh sát Giao thông tới tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ cho các em học sinh. Ngoài tiếp thu kiến thức, các em còn được xem các đoạn video về các tình huống gặp phải khi tham gia giao thông và tham gia trả lời câu hỏi... Với những cách tiếp cận kiến thức pháp luật như vậy, các em rất hào hứng khi tham gia. Ngoài ra, nhà trường còn phát động toàn thể học sinh tham gia các cuộc thi như: “Giao thông thông minh trên internet”, “An toàn cùng xe đạp điện, xe máy điện”… để từ đó nâng cao ý thức khi tham gia giao thông cho học sinh. Ngay từ đầu năm, nhà trường cũng đã thành lập Ban Tuyên truyền PBGDPL gồm 18 thành viên, xây dựng kế hoạch tuyên truyền PBGDPL một cách bài bản, chi tiết, cụ thể, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền PBGDPL của nhà trường. Nhờ vậy, nhiều năm nay, nhà trường không có cán bộ, giáo viên, học sinh vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội.  

Theo ông Đoàn Trần Hiệp, hiện nay toàn tỉnh có trên 750 giáo viên ở 2 cấp THPT và THCS tham gia giảng dạy môn Giáo dục công dân, trong đó, có cả giáo viên được đào tạo liên môn và giáo viên được đào tạo đúng chuyên môn. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền PBGDPL trong các nhà trường vẫn còn những hạn chế nhất định như: nội dung, hình thức tuyên truyền còn đơn điệu, nặng về hình thức; đội ngũ cán bộ chưa được chuyên môn hóa; nguồn kinh phí cho công tác tuyên truyền PBGDPL còn hạn chế. Vì vậy, để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền PBGDPL trong các nhà trường, ngành giáo dục tiếp tục củng cố, kiện toàn và nâng cao kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác giảng dạy, tuyên truyền PBGDPL; coi công tác tuyên truyền PBGDPL trong nhà trường là việc làm thường xuyên, liên tục, đồng thời, đổi mới, đa dạng các hình thức tuyên truyền. Quan trọng nhất, phải coi đây là nhiệm vụ chung, cần sự vào cuộc của cả nhà trường, gia đình và xã hội, có như vậy thì công tác tuyên truyền PBGDPL đối với lứa tuổi học sinh mới thực sự phát huy hiệu quả.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận
Back To Top