Phát triển nguồn nhân lực

Thành bại từ chuyện "trồng người", dùng người

00:00 - Thứ Ba, 15/03/2016 Lượt xem: 2188 In bài viết
Nếu như cách đây mấy thập kỷ, tài nguyên khoáng sản và sức lao động rẻ, dồi dào là nhân tố quan trọng thu hút vốn đầu tư, và trên một phương diện nào đó là lợi thế cạnh tranh quốc tế, thì giờ đây, những nhân tố đó không còn nhiều ý nghĩa. Trong bối cảnh hiện nay, nguồn lực chất lượng cao sẽ quyết định sự thành bại trong cạnh tranh quốc tế.

Cơ hội và thách thức

Nguồn nhân lực chất lượng cao là nhân tố giúp các nước đi sau có thể rút ngắn khoảng cách, thậm chí vượt qua các nước phát triển. Điều này đã được khẳng định qua thực tế ở một số nước, mà điển hình là Hàn Quốc. Vào những năm 60 của thế kỷ trước, Hàn Quốc là nước kém phát triển với bình quân GDP chỉ ở mức xấp xỉ 100 USD, tương đương các nước nghèo ở châu Phi. Nhưng với những chính sách mạnh mẽ, trong đó giáo dục và đào tạo (GD và ĐT) đóng vai trò then chốt, chỉ sau ba thập kỷ, nước này đã vươn lên đứng vào tốp các nước phát triển, có thu nhập cao (OECD).

Trung tâm học liệu đại học Thái Nguyên đầu tư hiện đại cơ sở vật chất góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

Sau 30 năm đổi mới, nước ta đã vượt qua những thử thách hiểm nghèo để từ một nước nông nghiệp, thiếu đói, trở thành quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Những thành tựu bước đầu hết sức cơ bản đã tạo nên tiền đề vật chất và tinh thần cho giai đoạn phát triển tiếp theo - thời kỳ cất cánh. Cơ hội còn được tạo ra khi chúng ta đã xây dựng được quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và quan hệ đặc biệt với gần 30 nước, bao gồm hầu hết các nước thuộc nhóm quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất thế giới (G20). Việt Nam cũng đã hội nhập sâu và trở thành thành viên của hơn 60 tổ chức quốc tế và gần đây là tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Cùng với những cơ hội hợp tác quốc tế ngày càng rộng mở, vị thế quốc tế của đất nước cũng không ngừng được tăng lên. Sự kiện Tổng thống Ô-ba-ma đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nghi thức dành cho nguyên thủ quốc gia không chỉ là biểu hiện sự trọng thị của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ với nước ta, mà còn là minh chứng về sự chấp nhận tính khác biệt trong hệ thống chính trị hai nước.

Có thể nói, nước ta đang có rất nhiều thuận lợi và ưu thế để đón bắt cơ hội. Tuy nhiên, trong khi phần lớn cơ hội đều ở dạng tiềm năng thì những thách thức không hề nhỏ lại là hiện hữu. Đó là, tình hình thế giới vô cùng phức tạp nên mỗi động thái, mỗi quyết định đều phải hết sức cân nhắc, thận trọng. Độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ, trải qua những cuộc kháng chiến lâu dài với bao mất mát hy sinh mới giành lại được, tưởng chừng không kẻ nào dám nhòm ngó, thì giờ đây nguy cơ bị xâm phạm đang trở nên thường trực. Chúng ta không thể dồn toàn bộ thời gian, tiền bạc và công sức cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Có tranh thủ được cơ hội và biến thách thức thành cơ hội hay không, giờ đây tất cả trông chờ vào chất lượng nguồn nhân lực. Chất lượng cao của nguồn nhân lực bao gồm cả lĩnh vực hoạch định chính sách, quản lý - quản trị và trình độ lao động kỹ thuật ở mọi môi trường, mọi ngành nghề.

Quyết tâm và giải pháp

Sau Đại hội XII của Đảng, đứng trước cơ hội và thách thức to lớn, để có thể hiện thực hóa những chủ trương của Đảng về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực trình độ cao, chất lượng cao, trước hết phải nhận diện đầy đủ các yếu tố. Người Việt Nam quen với nhận xét rằng dân tộc chúng ta thông minh. Dù chưa có những khảo sát toàn diện và nghiên cứu hệ thống để đưa ra cơ sở khoa học xác đáng, nhưng hầu như trong người Việt, không mấy ai nghĩ khác. Ngoài tâm lý tự tôn thì không khó tìm ra những thí dụ để minh họa cho nhận định trên. Những kỳ thi quốc tế, học sinh Việt Nam thường đoạt giải cao; những nhân vật nổi tiếng thế giới người Việt như Đặng Thái Sơn, Ngô Bảo Châu… sẽ luôn được nhắc tới như những minh chứng khó bác bỏ. Nhưng trong khi đề cao những trường hợp cá biệt, chúng ta dường như lại bỏ qua những điều thường gặp và là mặt nổi trội của đám đông. Đó là “thông minh” kiểu khôn vặt, ham lợi nhỏ, thiếu tầm nhìn, một căn tính trầm kha của cư dân tiểu nông. Sở trường của người Việt Nam là linh hoạt, mềm dẻo, giỏi xử lý tình huống và thích ứng hoàn cảnh, nhưng đi kèm với nó là thói quen tùy tiện, ăn bớt công đoạn, làm quấy quá cho xong. Và ngay cả trong truyền thống hiếu học, phẩm chất quan trọng giúp chúng ta bước vào thời đại tri thức, cũng chưa thấy hết mặt trái đi kèm là thói quen sính bằng cấp, không chú trọng thực học. Và ngay cả truyền thống liên kết cộng đồng, sức mạnh giúp dân tộc ta vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách hiểm nghèo, tưởng như sẽ là một nhân tố quan trọng tạo nên sự gắn kết trong công việc, thì xem ra cũng không phải như vậy.

Nêu lên mấy điều trên không phải là để chê bai, phê phán truyền thống mà chúng tôi muốn đưa ra một hệ luận quan trọng: Nguồn nhân lực cho dù được xây dựng, đào tạo theo bất kỳ phương thức nào vẫn có những căn cốt, gốc gác từ truyền thống. Phát huy thế mạnh của yếu tố con người, không thể làm một cách đơn giản theo kiểu gạn đục, khơi trong, hạn chế tiêu cực, phát huy tích cực mà phải có những quyết sách có tầm nhìn để biến tất cả những gì mình có thành lợi thế cạnh tranh quốc tế.

Từ giữa thế kỷ trước, khi đất nước còn non trẻ và gặp muôn vàn khó khăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã truyền vào thế hệ trẻ ý chí và khát vọng “sánh vai với các cường quốc năm châu”. Người đã có tầm nhìn “trăm năm trồng người” và đã để lại cho hậu thế bài học thực tiễn sâu sắc về cách dùng người. Biết bao trí thức, nhân tài đã bỏ danh vọng và cuộc sống cá nhân đủ đầy từ Pháp trở về tham gia sự nghiệp kháng chiến theo lời kêu gọi của Người. Những bài học này, cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Con người giữ vai trò trung tâm, là nhân tố quyết định, là chủ trương nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ lâu GD và ĐT cùng với khoa học và công nghệ cũng luôn được coi là quốc sách hàng đầu, được quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi. Đặc biệt, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao được ghi vào nghị quyết như một trong ba đột phá chiến lược.

Có thể nói, xét từ góc độ văn bản và sự chỉ đạo từ các cấp lãnh đạo cao nhất, nhận thức về tầm quan trọng của nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực, đã rất đầy đủ. Điều cần làm bây giờ, là sự quán triệt sâu sắc hơn nữa ở các bộ, ngành và địa phương. Phải coi đây là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, là nhân tố giữ vai trò sống còn của đất nước trong giai đoạn phát triển tới đây. Vì vậy, đối với GD và ĐT, lĩnh vực đảm đương trách nhiệm chính trong việc đào tạo nguồn nhân lực, thay vì triển khai dàn trải đầu tư khoản kinh phí khổng lồ vào những dự án mà chưa có đầy đủ căn cứ về tính hiệu quả (kiểu như tích hợp, bỏ môn sử…) thì nên tập trung vào việc đổi mới chương trình để chuyển căn bản từ một nền giáo dục tiếp cận nội dung, sang một nền giáo dục tiếp cận phương pháp, kỹ năng và dạy làm người. Trong thời đại tin học, khi việc tìm kiếm thông tin dễ dàng và khoa học, công nghệ phát triển như vũ bão, tri thức tăng theo cấp số nhân thì dạy nội dung là lạc hậu và không thể. Đối với khoa học và công nghệ, cần chuyển đổi nhanh từ phương thức quản lý công đoạn sang khoán sản phẩm, quản lý đầu ra. Thuyết minh về sản phẩm đầu ra phải trở thành căn cứ hình thành nhiệm vụ, xác định quy mô đầu tư và là tiêu chí để nghiệm thu. Có như vậy thì các kết quả nghiên cứu sau nghiệm thu mới không bị xếp ngăn kéo. Từ bài học dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giải pháp quan trọng hàng đầu cho xây dựng nguồn nhân lực, chưa hẳn đã là đầu tư tiền bạc, mà là chính sách dùng người tài. Nếu người tài được trọng dụng (không phải theo kiểu tăng đãi ngộ theo các tiêu chí hình thức) thì hiền tài sẽ nô nức ra sức giúp nước và các gia đình sẽ đua nhau đầu tư cho con cái học hành đến nơi đến chốn.

Đã đến lúc Đảng và Nhà nước, bên cạnh những chính sách biểu thị sự quan tâm đến GD và ĐT và phát triển khoa học công nghệ, cũng cần tính đến những biện pháp hóa giải những nhân tố ngăn cản sự phát triển của những lĩnh vực này. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng thành công rực rỡ đã thổi một luồng không khí phấn khởi vào toàn xã hội. Đại hội là mốc son lịch sử của chặng đường 30 năm đổi mới và là sự khởi đầu cho chặng đường 30 năm tiếp theo tới lễ kỷ niệm 100 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Những chính sách về dùng người và đào tạo nguồn nhân lực đúng đắn sẽ quyết định sự thành bại của đất nước ta trong thời kỳ cất cánh.

GS, TSKH Vũ Minh Giang

Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo ĐHQGHN

Theo Nhân dân
Bình luận
Back To Top