Thắt chặt quan hệ nhà trường và gia đình

00:00 - Thứ Sáu, 08/04/2016 Lượt xem: 2197 In bài viết
Mấy ngày qua, một đoạn video clip kéo dài hơn 3 phút ghi lại cảnh một học sinh nam bị bạn học cùng lớp dồn vào góc tường đánh hội đồng khiến em này chỉ biết ngồi thụp xuống ôm mặt, kháng cự yếu ớt đã được cộng đồng mạng chia sẻ với tốc độ chóng mặt.

Theo đó, người trực tiếp ném ghế vào mặt bạn và kêu gọi nhiều thành viên khác trong lớp dùng tay, thước kẻ đánh vào đầu bạn là một nữ sinh với lời lẽ và cử chỉ rất ra dáng “dân anh chị”.

Hình ảnh cắt ra từ clip.

Qua xác minh, đại diện Phòng GD-ĐT thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp đã xác định đoạn clip xảy ra vào tiết chào cờ đầu tuần tại lớp 4C, Trường Tiểu học An Thạnh. Lúc đó, giáo viên chủ nhiệm có việc ra ngoài nên dặn lớp nghe tiếng trống thì tập trung xuống sân cờ sinh hoạt đầu tuần. Do mải chơi không chú ý, học sinh nam - nạn nhân trong đoạn clip đã va trúng người một bạn nữ cùng lớp nên bị bạn này đánh lại. Sau đó, các em tự phân công người đánh, kẻ reo hò và quay clip như một hình thức đùa giỡn. Ngay sau khi đoạn clip phát tán, nhà trường đã cử người đến tận nhà thăm hỏi nam sinh bị đánh, đồng thời phê bình giáo viên chủ nhiệm và chuyển lớp cả hai học sinh để các em không bị ảnh hưởng tâm lý.

Sự việc đã khép lại. Tuy nhiên, điều mà dư luận đặt câu hỏi là liệu với cách quản lý và tổ chức lớp học hiện tại, nhà trường đã làm tốt trách nhiệm giáo dục học sinh, đặc biệt trong việc giúp các em phân biệt tốt, xấu, biết giải quyết mâu thuẫn phù hợp độ tuổi? Một giáo viên mầm non ở quận Gò Vấp bày tỏ: “Với sĩ số 40-50 học sinh/lớp, mỗi ngày các em tham gia rất nhiều hoạt động trên lớp. Chuyện em này không thích chơi với em kia hoặc méc tội bạn học cùng lớp xảy ra nhiều như cơm bữa, giáo viên không thể quản hết. Vì vậy, cách tốt nhất là phụ huynh nên phối hợp với nhà trường giáo dục các em kỹ năng tự bảo vệ, biết cách kêu cứu trong những trường hợp cần thiết”. Ngoài ra, khi học sinh có mâu thuẫn bạn học cùng lớp, cha mẹ nên kịp thời trao đổi với giáo viên tìm ra nguyên nhân chứ không nên vội vàng tìm gặp cha mẹ bạn kia méc tội con họ hoặc xin cho con chuyển lớp để tránh học với bạn xấu. Những cách làm đó đều không giúp con tạo ra “sức đề kháng” và vô tình tạo cơ hội khiến con bị bạn ức hiếp nhiều hơn.

Qua đó cho thấy vai trò quan trọng của gia đình trong việc kết hợp với nhà trường giáo dục nhân cách và rèn luyện một số kỹ năng thiết yếu cho học sinh như tự bảo vệ, phòng tránh xâm hại… Tiếc là sợi dây liên kết đó hiện nay chưa đồng đều, nên mới xảy ra nhiều vụ việc đáng tiếc như thời gian qua.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top