Tạm dừng VNEN làm nức lòng giáo viên, phụ huynh

10:28 - Thứ Sáu, 22/07/2016 Lượt xem: 4003 In bài viết
Mới đây, quyết định tạm dừng nhân rộng mô hình trường học mới VNEN trên địa bàn tỉnh của Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh đã khiến giáo viên nức lòng, phụ huynh phấn khởi. Tương tự, quyết định của tỉnh Hà Giang tạm dừng chương trình này trong năm học mới 2016-2017 cũng nhận được sự ủng hộ cao của giáo viên.

Tại Trường THCS Đất Đỏ tại Bà Rịa - Vũng Tàu, nhiều phụ huynh nhất quyết xin rút con khỏi các lớp học theo mô hình VNEN. Trong năm học trước, một số trường THCS ở tỉnh Đắk Lắk và địa phương khác cũng xảy ra tình trạng phản đối dự án này. Câu hỏi được đặt ra ở đây là tại sao VNEN từng được Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) và nhiều trường khen ngợi lên tận “mây xanh” giờ lại gặp phản ứng gay gắt như nêu trên? Thậm chí, giáo viên ở nhiều tỉnh, thành khác cũng mong mỏi lãnh đạo địa phương mình có quyết sách “sáng suốt” như hai tỉnh trên và đề nghị ngành GD-ĐT nên dừng hoàn toàn mô hình này. Còn nếu áp dụng thì phải chọn lọc, đầu tư bài bản từ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đến giáo trình, đội ngũ giáo viên…

 

Ở một lớp học theo mô hình VNEN.

Sở dĩ giáo viên ở tỉnh Hà Tĩnh mừng vui là do họ cảm thấy “thoát nạn”, không bị “vòng kim cô” VNEN trói buộc và nỗi ấm ức bấy lâu được giải tỏa. Bị ép buộc phải dạy học theo mô hình trường học mới này trong khi các  điều kiện cần và đủ chưa đáp ứng, nhiều giáo viên vừa thương, vừa xót cho học trò nhỏ bé của mình. Việc tổ chức lớp học theo nhóm khiến học sinh phải quay lưng, quay đầu nhiều hơn và các em dễ bị các bệnh vẹo cột sống, đốt cổ; về lâu dài có thể ảnh hưởng đến phát triển thể chất, tinh thần học trò. Hơn nữa, mô hình này đặt ra mục đích cao siêu về vai trò tự quản lớp học và bắt các bé chỉ mới có suy nghĩ non nớt phải đứng ra tổ chức lớp học theo cặp đôi, thảo luận nhóm… cũng chưa phù hợp. Chính việc chạy theo phong trào, làm vội vàng trong khi trường học chưa đầu tư bài bản về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thiếu giáo trình và giáo viên chưa được tập huấn kỹ… đã khiến VNEN trở thành nỗi ám ảnh đối với người dạy lẫn phụ huynh. Không chỉ tính chuyện “chạy trốn” - gửi con đến những nơi chưa ép buộc học VNEN để học lớp 1, nhiều phụ huynh có con học bậc THCS cũng phản ứng và quyết xin con ra khỏi chương trình này.

Không thể phủ nhận tính tích cực, những mặt được của VNEN khi lấy học sinh làm trung tâm, phát huy năng lực cá thể. Nhờ được rèn luyện kỹ năng học nhóm, tổ chức lớp học tự quản, nhiều em trở nên năng động, mạnh dạn phát biểu, tự tin trong giao tiếp, dám nói chính kiến của riêng mình… Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, mô hình này triển khai ở miền núi phù hợp hơn so với thành thị và khu vực nông thôn phát triển. Ở bậc THCS, hình thức tổ chức lớp học theo nhóm cũng bộc lộ nhiều bất cập chưa phù hợp với chương trình hiện hành, nhất là cách đánh giá kiểu cũ - bằng điểm số, kiểm tra liên tục… Sau 3 năm triển khai mô hình VNEN đến nay, Việt Nam đã có 54 tỉnh, thành thực hiện ở 2.365 trường tiểu học và hơn 1.000 trường THCS. Riêng TPHCM có 61 trường tiểu học ở các huyện ngoại thành và quận 2 thực hiện toàn phần, còn lại 223 trường áp dụng một phần.

Trước hiện tượng mô hình VNEN đang có triệu chứng bị “chết lâm sàng” như nêu trên, Bộ GD-ĐT cần đúc kết, đánh giá đúng hiệu quả của dự án. Vấn đề đặt ra là có nên triển khai đại trà trong cả nước hay phải tiến hành chọn lọc và đầu tư bài bản, khoa học hơn để nhận được sự ủng hộ thay vì “tẩy chay” như hiện nay?

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top