Điện Biên đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2

Niềm vui chung của mọi cấp, ngành

10:32 - Thứ Hai, 25/07/2016 Lượt xem: 4109 In bài viết
ĐBP - Trung tuần tháng 7, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Điện Biên đã vinh dự được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2. Thành quả này sẽ tiếp thêm động lực để Điện Biên đạt thành tích cao hơn nữa trong sự nghiệp GD&ĐT tương lai…

Tại lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước và công bố quyết định tỉnh Điện Biên đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 vào ngày 15/7, đồng chí Nguyễn Sỹ Quân, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD&ĐT đã chia sẻ: Để đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2, ngoài nỗ lực của cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong ngành GD&ĐT tỉnh, còn có sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương, nhất là Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thông qua việc ban hành các văn bản về chế độ chính sách cho học sinh và giáo viên, đặc biệt là học sinh bán trú, học sinh vùng đặc biệt khó khăn… từ đó, góp phần tích cực cho việc tăng tỷ lệ huy động học sinh ra lớp, duy trì số lượng và nâng cao chất lượng giáo dục.

 

Tiết học ngoài giờ của thầy, trò Trường Tiểu học số 1, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên.

Niềm vui về đích là thế, song để có được thành quả đó, công tác phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 đã gặp không ít khó khăn, như: Điều kiện địa lý, giao thông đi lại; dân cư phân bố không đồng đều, ở xa trung tâm xã, xa trường học; tỷ lệ hộ nghèo cao, một số nơi còn tồn tại phong tục, tập quán lạc hậu ảnh hưởng đến việc huy động học sinh ra lớp, đi học chuyên cần và nâng cao chất lượng giáo dục. Bên cạnh đó, đối với các xã đặc biệt khó khăn, mặc dù cơ sở vật chất, phòng học, thiết bị dạy học, nhà công vụ cho giáo viên, nhà ở cho học sinh nội trú được đầu tư xây dựng nhưng chưa đáp ứng nhu cầu. Hầu hết các trường học vùng đặc biệt khó khăn chưa có đủ phòng chức năng phục vụ công tác dạy và học... Để khắc phục những khó khăn đó, bằng nhiều hoạt động cụ thể, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo phòng GD&ĐT các huyện, thị, thành phố giao chỉ tiêu tuyển sinh; phối hợp các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền, huy động tối đa trẻ trong độ tuổi ra lớp. Trong đó, tập trung rà soát số liệu và các tiêu chí phổ cập huy động học sinh bỏ học, học sinh khuyết tật hòa nhập; ưu tiên nâng cao chất lượng cho học sinh yếu, học sinh lớp 1, lớp 5.

Sau 5 năm triển khai thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2, đến cuối tháng 12/2015, Điện Biên có 100% xã, phường, thị trấn có trường tiểu học đủ điều kiện đảm bảo phục vụ công tác dạy và học. Riêng phòng học kiên cố đạt 47,2%; phòng học bán kiên cố 32,6%; phòng học cấp 4 và phòng học tạm chỉ 20,2%. Cũng trong giai đoạn 2010 - 2015, mỗi năm có khoảng 250 - 300 giáo viên tiểu học được tuyển dụng để đảm bảo yêu cầu dạy học 2 buổi/ngày. Nâng tổng số giáo viên tiểu học hiện nay lên 4.655 người (đại học và cao đẳng chiếm 77,8%).

Lễ công nhận tỉnh Điện Biên đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 kết thúc; các thầy cô giáo lại trở về với bục giảng, với bụi phấn và những học sinh thân yêu, nhưng tất cả đều chung cảm xúc vui mừng, hạnh phúc. “Không chỉ riêng tôi mà tất cả giáo viên huyện Tuần Giáo, hôm nay là ngày thật ý nghĩa. Và niềm vui này được nhân lên khi trong buổi lễ, ngành GD&ĐT huyện Tuần Giáo được nhận Bằng khen của Bộ GD&ĐT đã có thành tích xuất sắc trong công tác phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2” – Bà Lê Thị Hồng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tuần Giáo chia sẻ. Tại buổi lễ, còn nhiều cảm xúc, tâm sự của thầy, cô và các em học sinh tiểu học mà chúng tôi chưa kể hết. Song chúng tôi cũng như chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên sẽ âm thầm dõi theo sự cống hiến, hy sinh thầm lặng của thầy, cô với sự nghiệp GD&ĐT tỉnh nhà.

Bài, ảnh: Văn Quyết
Bình luận
Back To Top