Nỗi lo hội nhập

15:19 - Thứ Sáu, 29/07/2016 Lượt xem: 3300 In bài viết
Dù nằm trong dự đoán, nhưng phổ điểm môn thi tiếng Anh trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 vừa được công bố với điểm trung bình là 3,48; trung vị là 3,0 và điểm thấp nhiều nhất rơi vào điểm 2,4 lại khiến chúng ta lo lắng.

Môn thi này cũng có điểm tuyệt đối nhưng chỉ 10 bài đạt điểm 10 điểm, còn số bài thi đạt 9 - 10 điểm cũng là con số nhỏ nhoi với 0,52%. Mặc dù đề thi có độ phân hóa cao dành để xét tuyển CĐ, ĐH nhưng với 50% câu hỏi được đánh giá là dễ, độ khó ở mức trung bình thì kết quả 90% thí sinh không đạt điểm trung bình phải lý giải thế nào? Phân tích, mổ xẻ ở các góc độ khác nhau, nhiều ý kiến cho rằng một là đề thi quá khó và dài, hai là cách dạy lẫn thi có “vấn đề”.

 

Một tiết học theo chương trình Tiếng Anh tích hợp tại trường THCS Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình, TPHCM.

Theo Bộ GD-ĐT, hướng đến mục tiêu đổi mới cách dạy và học tiếng Anh trong trường phổ thông, không chỉ quy định môn thi này bắt buộc, đề thi năm nay tiếp tục ra theo phương pháp tiếp cận mới hơn. Thế nhưng, trình độ, năng lực của nhiều thí sinh ở các tỉnh, địa bàn khó khăn chưa theo kịp yêu cầu kiểm tra kiến thức, kỹ năng. Không chỉ đánh bừa ở phần trắc nghiệm vì không hiểu câu hỏi, gặp quá nhiều từ mới khó, ở phần tự luận hàng chục ngàn thí sinh cũng “đầu hàng” - bỏ trống bài làm vì thiếu, yếu kỹ năng viết.

Không phải đến khi nhìn thấy thước đo chính xác từ môn thi tiếng Anh thấp lè tè như nêu trên chúng ta mới động lòng, trăn trở trước thấy thực trạng đáng lo ngại về dạy và học môn tiếng Anh ở các cấp học hiện nay. Nó đã được lên tiếng kêu cứu và báo động đỏ từ nhiều năm qua bởi cách dạy lẫn học tiếng Anh ở Việt Nam chẳng giống ai, thậm chí phớt lờ chuẩn quốc tế với 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết. Vì xa rời thực tiễn, thiếu môi trường thực hành và trường học chỉ chú trọng dạy từ vựng, văn phạm, mẫu câu xa rời đời thường… nên nhiều học trò ở các tỉnh, địa bàn khó khăn học xong 12 năm phổ thông nhưng không thể giao tiếp hoặc viết được một bài viết ngắn (tự luận) như yêu cầu của đề thi năm nay.

Dù đã xới lên với quyết tâm mạnh mẽ và mục tiêu đề ra rất lớn nhưng nhìn lại việc thực hiện Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 chưa tạo ra sự đột phá về nâng cao chất lượng dạy - học tiếng Anh theo chuẩn quốc tế. Không chỉ loay hoay với chương trình, sách giáo khoa môn tiếng Anh, ngành GD-ĐT các địa phương còn đau đầu với bài toán bồi dưỡng nâng cao trình độ giáo viên tiếng Anh theo chuẩn. Với thực tế chỉ có trên 10% giáo viên đạt chuẩn theo khung tham chiếu châu Âu thì đến bao giờ các trường học mới có đủ giáo viên giỏi, dạy tiếng Anh đúng chuẩn cho học sinh?

Mặc dù Bộ GD-ĐT và các địa phương đã tốn hàng chục ngàn tỷ đồng đầu tư cho bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh, trang thiết bị hiện đại để dạy ngoại ngữ theo 4 kỹ năng nhưng nhìn lại Đề án 2020 vẫn còn thiếu tầm nhìn, thiếu bài bản, thiếu đồng bộ. Trong khi Bộ GD-ĐT hô hào phải đổi mới phương pháp dạy và học tiếng Anh theo chuẩn quốc tế thì nội dung, chương trình giảng dạy vẫn như cũ, cách tổ chức đánh giá, kiểm tra, thi cử vẫn theo lối mòn, nghiêng về kiểm tra từ vựng, văn phạm là chính. Vì thế, có nhiều học sinh học giỏi tiếng Anh, lấy được chứng chỉ quốc tế với điểm thi IELTS, TOEFL khá cao nhưng điểm kiểm tra tại trường, điểm thi môn tiếng Anh tại kỳ thi THPT quốc gia chỉ đạt tầm trên dưới 7 điểm. Tại sao Bộ GD-ĐT không đổi mới tư duy, có chính sách khuyến khích, cộng điểm cho những học sinh đã lấy được chứng chỉ tiếng Anh quốc tế và không bắt buộc các em phải học chương trình tiếng Anh thụt lùi, lạc hậu tại trường?

Không ít chuyên gia ngoại ngữ đặt vấn đề: Với thực tế đáng buồn này, chúng ta có cần tổ chức thi môn tiếng Anh trong các kỳ thi tuyển vào lớp 10, tốt nghiệp THPT quốc gia hay tuyển sinh CĐ, ĐH nữa hay không? Bởi lẽ, nó tốn kém, lãng phí công sức dạy và học của thầy lẫn trò nhưng hiệu quả thấp, giá trị sử dụng không cao.

Để học sinh ở các bậc học học tiếng Anh hiệu quả và sau khi tốt nghiệp THPT có thể tự tin giao tiếp, ứng dụng vào thực tế thì dạy và học tiếng Anh phải thực chất, bài bản theo chuẩn quốc tế. Đây là đòi hỏi cấp bách và không thể chậm trễ trước yêu cầu hội nhập khu vực và quốc tế. Trong xu thế hội nhập giáo dục, nhiều trường ĐH đang mở rộng chương trình liên kết, đào tạo quốc tế với các trường ĐH trên thế giới. Thế nhưng với thực trạng phổ điểm thi môn tiếng Anh thấp như thế, nhiều trường đang lo sốt vó vì không tuyển đủ sinh viên đạt chuẩn trình độ tiếng Anh. Hơn nữa, với hành trang ngoại ngữ tiếng Anh quá mỏng và yếu như hiện nay, làm sao giới trẻ Việt Nam có thể nắm bắt cơ hội giao lưu, học tập và cạnh tranh về việc làm thời toàn cầu hóa?

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top