Vấn đề hôm nay

Đầu tư xứng tầm cho giáo dục

09:03 - Thứ Hai, 05/09/2016 Lượt xem: 4744 In bài viết
ĐBP - Điện Biên - tỉnh đất rộng, người thưa, trình độ dân trí trong đồng bào các dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế. Vậy nhưng, bằng những giải pháp hợp lý, chính sách hợp lòng dân, việc huy động trẻ mầm non, học sinh các cấp trong độ tuổi đến lớp, đến trường ngày càng tăng. Đội ngũ thầy, cô giáo bám lớp, bám trường, say sưa bên trang giáo án để truyền thụ kiến thức cho các em, nhờ đó chất lượng dạy và học được nâng lên một bước. Thể hiện rõ nhất, đó là đầu tháng 8 vừa qua, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất cho giai đoạn 2011 - 2015; được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 đúng kế hoạch UBND tỉnh giao.

Năm học 2016 - 2017 đã bắt đầu. Phát huy mặt được, khắc phục những hạn chế, thiếu sót của các năm học trước, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh cần chú trọng phát triển mạng lưới trường mầm non, phổ thông. Vì hiện nay toàn ngành mới có 491 trường mầm non, phổ thông; toàn tỉnh có 126/130 xã có trường mầm non; 127/130 xã có trường tiểu học, 118/130 xã có trường trung học cơ sở; trung tâm cụm xã và trung tâm huyện, thị, thành phố có trường trung học phổ thông. So với chỉ tiêu kế hoạch được giao trong năm học 2015 - 2016 là 520 trường mầm non, phổ thông (còn thiếu 29 trường). Thiếu cơ sở vật chất, học sinh ngồi học chen chúc nhau, có lớp lên đến 45 học sinh, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Nhiều nơi, do trường, lớp quá xa, giao thông cách trở nên nhiều phụ huynh không muốn cho con em đến trường. Cũng do thiếu cơ sở vật chất; chính sách hỗ trợ học sinh hộ nghèo, con em đồng bào các dân tộc thiểu số chậm, là rào cản bước chân đến trường của các em.

Để nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện, thực hiện tốt Chương trình hành động về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo theo Nghị quyết 44/NQ-CP của Chính phủ và Kế hoạch hành động theo Quyết định 94/QĐ-UBND tỉnh ngày 5/2/2015 của UBND tỉnh Điện Biên, bên cạnh đầu tư cho cơ sở vật chất, cần huy động dân số trong độ tuổi 0 - 2 tuổi học nhà trẻ đạt 18,3%. Và để đạt được mục tiêu đến năm 2020 huy động 50% trẻ nhà trẻ theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII thì năm học mới này cần huy động 25% trẻ nhà trẻ ra lớp. Với trẻ 3 - 5 tuổi học mẫu giáo cần huy động đạt 96,2%; 5 tuổi ra lớp mẫu giáo đạt 99,2%; 6 tuổi học lớp 1 đạt 99,7%; 6 - 10 tuổi học tiểu học đạt 99,3%; 11 tuổi học lớp 6 đạt 92%; 11 - 14 tuổi học trung học cơ sở đạt 90,8%; 15 tuổi học lớp 10 đạt 55,2%; 15 - 18 tuổi học trung học phổ thông đạt 56,0%.

Một mặt, tập trung xóa mù chữ cho khoảng 2.000 người dân trong độ tuổi từ 15 - 60, nâng tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi này lên 92,3%; duy trì 130 đơn vị hành chính cấp xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2; 98 đơn vị hành chính cấp xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2; 41 đơn vị hành chính cấp xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; 16 đơn vị hành chính cấp xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3.

Hiện nay, chúng ta đang triển khai mô hình trường học mới (VNEN) tại 123 điểm trường tiểu học; tổ chức thực hiện thí điểm mô hình trường học mới lớp 6 tại 60 trường trung học cơ sở với 190 lớp và 6.033 học sinh. Sau mấy năm triển khai ở cấp tiểu học, bên cạnh kết quả đạt được, cũng bộc lộ nhiều bất cập, rất cần ngành Giáo dục và Đào tạo của tỉnh có đánh giá chính xác, khách quan. Thực tế cho thấy, với mô hình trường học kiểu mới này chưa phù hợp với học sinh vùng cao, trong đó có Điện Biên. Cụ thể, thay vì phát huy khả năng tự học của học sinh (học theo nhóm, thảo luận nhóm), thì nhiều nơi học sinh chỉ ngồi nói chuyện, không tập trung học nên không nắm được bài. Với chương trình học thì theo nhiều giáo viên phản ánh là cắt xén, chắp vá dựa trên sách giáo khoa hiện hành, không bảo đảm chất lượng. Nhiều trường có số học sinh quá đông. Thường 20 - 30 em/lớp, nhưng của chúng ta có lớp lên đến 45 em, nên không đảm bảo điều kiện, ảnh hưởng chất lượng là điều tất yếu.

Mục đích của trường học kiểu mới VNEN là để nâng cao chất lượng giáo dục. Nhưng trong quá trình triển khai thí điểm, thấy chưa phù hợp, còn nhiều bất cập cần thay đổi, điều chỉnh kịp thời, nếu không chúng ta càng cải cách, càng thí điểm thì chất lượng giáo dục càng đi xuống. Thực tế tại một số tỉnh đã chấm dứt mô hình VNEN, do không đảm bảo chất lượng.

Tùng Lĩnh
Bình luận
Back To Top