Tiếp tục chờ phương án thi và tuyển sinh 2017

14:51 - Thứ Năm, 08/09/2016 Lượt xem: 3467 In bài viết
Như tin đã đưa, năm 2017 Bộ GD-ĐT dự kiến đổi mới kỳ thi THPT quốc gia theo hướng: giao cho các sở GD-ĐT tổ chức kỳ thi. Thí sinh sẽ làm 5 bài thi: Văn, Toán, ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (tổ hợp 3 môn lý, hóa, sinh), khoa học xã hội (tổ hợp 3 môn sử, địa, giáo dục công dân).

Thí sinh, phụ huynh không yên tâm vì năm nào cũng thay đổi phương án thi và xét tuyển.

Như vậy, kiểu thi này tương tự kiểu thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội, chỉ khác là thi trên giấy và môn Văn vẫn thi tự luận. Kỳ thi sẽ chỉ diễn ra trong 2 ngày thay vì 4 ngày như trước đây.

 

Trong đó, duy nhất môn Văn thi tự luận, 4 bài thi còn lại đều thi trắc nghiệm trên giấy và được chấm trên máy tính.

Về xét tuyển ĐH, Bộ đưa ra 5 phương án xét tuyển để tùy các trường lựa chọn, trong đó có tự tổ chức thi hoặc sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia, xét tuyển học bạ..Tuy chưa công bố chính thức phương án thi nhưng hiện nay dư luận đã rất quan tâm.

Sáng 8-9, Cổng Thông tin Chính phủ tổ chức tọa đàm về dự thảo phương án thi và tuyển sinh  2017. 

Thi theo tổ hợp môn, không phải tích hợp

Tại đây, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, đề thi năm 2017 vẫn chủ yếu ở chương trình THPT, chủ yếu ở lớp 12, còn thi trắc nghiệm thì các em đã quen. Kiến thức, kỹ năng để thi không có gì khác biệt so với năm 2016, vì vậy không có gì khó khăn với các em, kể cả thí sinh vùng khó khăn.

“Vấn đề đặt ra là phải tổ chức kỳ thi này khách quan, trung thực để các trường sử dụng kết quả xét tuyển, còn nếu các trường không tin, tổ chức thi riêng thì chúng ta không đạt tới  mục tiêu ngày càng thi cử, xét tuyển nhẹ nhàng, hiệu quả”, ông Ga nói. 

Vẫn theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, lý tưởng nhất là cho thí sinh trên máy tính, nhưng trong bối cảnh hiện nay thì chưa đủ điều kiện, vì vậy 2017 các em thi trên giấy nhưng chấm bằng máy. Về lâu dài, chúng ta sẽ chuẩn bị hạ tầng đầy đủ để tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực trên máy tính như ĐHQG Hà Nội đang làm.

Trả lời băn khoăn thí sinh, phụ huynh không yên tâm vì năm nào cũng thay đổi phương án thi và xét tuyển, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng, không phải năm nào cũng thay đổi hoàn toàn mà năm sau hoàn thiện phương án thi năm trước, không đổi mới hoàn toàn gây sốc cho thí sinh. “Chúng ta chuẩn bị 3 năm nay rồi để có kỳ thi năm 2017.  Ví dụ 3 năm nay, Bộ đã hướng dẫn học tích hợp, sử dụng  các tổ hợp môn thi xét tuyển mới không hoàn toàn  giống các khối thi truyền thống.. Như vậy là đã dần dần có những bước chuẩn bị suốt 3 năm qua để các em không bị sốc”, ông Ga khẳng định.

Tham gia tọa đàm, ông Phái Công Hồng, Giám đốc Trung tâm khảo thí ĐHQG Hà Nội cũng cho rằng, thi bằng bài thi tổng hợp sẽ khắc phục được tình trạng học lệch, học tủ. Xu thế thế giới là sử dụng 5 bài thi tổng hợp, họ chỉ thi trong 1 ngày. “Chúng ta tới đây thi trong 2 ngày sẽ nhẹ nhàng hơn. Thời lượng bài thi cũng nhẹ nhàng hơn vì thi trắc nghiệm. ĐHQG Hà Nội đã qua mấy năm thi đánh giá năng lực trên máy tính, kết quả rất tốt. Nhưng triển khai trên bình diện cả nước thì chưa đủ hạ tầng, vì vậy Bộ GD-ĐT  tổ chức thi đánh giá năng lực trên giấy và chấm thi trên máy trong năm 2017 là phù hợp”, ông Hồng nêu.

Trấn an các thí sinh, ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐHSP kỹ thuật TPHCM cho rằng, kỳ thi năm nay sẽ nhẹ nhàng hơn các năm nên thí sinh hãy yên tâm. Vì nội dung thi chủ yếu lớp 12. Cách thi thì trắc nghiệm, ví dụ như môn toán thay vì thi tự luận thì các em thi trắc nghiệm, nhưng để ra kết quả điền vào phiếu trắc nghiệm thì các em vẫn phải giải ở giấy nháp, như vậy là không có gì khác biệt. Mọi năm lý, hóa, sinh, Anh các em trước đều đã thi trắc nghiệm. Năm nay chỉ khác  là Toán thi trắc nghiệm.

Thí sinh vẫn lo lắng bài thi tổng hợp thì lượng kiến thức ôn tập là quá nhiều, vì là kiến thức tổng hợp?. Nhưng Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết,  không phải là tổng hợp mà là tổ hợp môn thi. Ví dụ bài thi khoa học tự nhiên thì sẽ có 20 câu hóa, 20 câu sinh, 20 câu lý.  Nghĩa là không phải tích hợp, mà là tổ hợp các môn.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh, tới đây Bộ GD-ĐT sẽ công bố chính thức phương án thi, ban hành quy chế, có hướng dẫn cụ thể và công bố đề thi minh họa, khi có đề thi minh họa thì các em sẽ rõ hơn rất nhiều. Chậm nhất là cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10 Bộ sẽ công bố đề thi minh họa để các em biết cấu trúc đề mà ôn tập. Những trường thi riêng bằng cách đánh giá năng lực cũng phải công bố đề thi minh họa cho thí sinh biết.

Nhưng thí sinh vẫn lo là phải học tất cả các môn?. Bà Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trường THCS Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) khẳng định, đúng là sẽ có thay đổi trong việc dạy và học. Sẽ không còn môn chính môn phụ mà thầy cô phải dạy hết các môn, học sinh cũng phải học hết các môn. Ngay từ đầu năm học phải thay đổi cách dạy cách học. Nội dung thi chắc chắn tăng lên, thầy cô giáo phải chủ động điều chỉnh cách dạy để học sinh biết thêm nhiều kiến thức, học sinh cũng phải học vất vả hơn.  “Đúng là năm đầu cũng sẽ có bỡ ngỡ”, bà Thu Anh nêu.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh, trong mỗi phòng thi, mỗi thí sinh có một đề thi, vì vậy đòi hỏi ngân hàng thi phải hết sức phong phú. “Nếu các trường tự tổ chức thi riêng thì phải có quá trình chuẩn bị dài hơi, thông báo cho thí sinh biết”, ông Ga nói.

Thi năm 2017,  Bộ GD-ĐT tiếp tục các kinh nghiệm của ĐHQG Hà Nội, tiếp tục bổ sung ngân hàng thi của trường để bảo đảm có một ngân hàng thi phong phú, an toàn nhất. Theo ông Phái Công Hồng, Giám đốc Trung tâm khảo thí ĐHQG Hà Nội, với kinh nghiệm đã tổ chức 4 năm thi đánh giá năng lực, hiện nay ĐHQG Hà Nội đã có ngân hàng câu hỏi với hơn 17.000 câu hỏi. Trường sẽ tiếp tục bổ sung thêm nhiều câu hỏi phù hợp với trình độ học sinh với mục đích thi tốt nghiệp để bảo đảm mỗi em có một đề thi. Muộn nhất tháng 5 sẽ hoàn thiện ngân hàng đề thi. “Không lo thí sinh vùng khó khăn, chúng tôi đã từng thi thử ở huyện Đại Từ (Thái Nguyên) hay thi thử ở Huế thì đều thấy các em thi rất thuận lợi”, ông Hồng cho biết.

Xét tuyển ĐH: thí sinh được phép đăng ký nhiều nguyện vọng

Về xét tuyển ĐH, ông Bùi Văn Ga cho biết, xét tuyển ĐH năm 2017 có 5 cách xét tuyển.  Thí sinh sẽ đăng ký tối đa nguyện vọng, vì thế công nghệ lọc ảo sẽ phải được sử dụng tối đa (Bộ đã xây dựng từ năm 2014).

Theo đó, nếu năm 2016 đợt đầu thí sinh chỉ được đăng ký 4 nguyện vọng ở 2 trường thì năm trong 2017, thí sinh được phép đăng ký nhiều nguyện vọng. Như vậy, tỷ lệ ảo sẽ còn cao hơn năm 2016. 

Nhiều thí sinh lo lắng, đề nghị Bộ GD-ĐT lùi 2-3 năm sau, bắt đầu với những thí sinh vào lớp 10 năm nay. Ông Ga trấn an, các em cứ yên tâm học tập, không có gì quá khác biệt so với các năm. Như đã nói, 2-3 năm trở lại đây, Bộ đã hướng dẫn học tích hợp, sử dụng  các tổ hợp môn thi xét tuyển mới không hoàn toàn  giống các khối thi truyền thống.. Sẽ thi theo tổ hợp môn chứ không phải tích hợp các môn. Các em có điểm cao ở tổ hợp nào (KHTN hay KHXH) thì sử dụng kết quả đó để xét tuyển vì chắc chắc các trường ĐH sẽ thông báo các tổ hợp xét tuyển mới tương ứng với kết quả thi năm nay. 

“Bộ GD-ĐT đã tính toán rất kỹ phương án. Mục tiêu là thi ngày càng nhẹ nhàng, khách quan, thuận lợi. Để thí sinh đi thi phấn khởi, xã hội nhẹ nhàng”, ông Ga nhấn mạnh. Vấn đề là các em học tập, ôn tốt, khi đã có kiến thức thì dù thi với cách nào thì các em đều làm bài tốt, dù là thi ở Việt Nam hay thi ở nước ngoài.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top