Lo xét tuyển đại học sẽ phức tạp

15:30 - Thứ Hai, 19/09/2016 Lượt xem: 3373 In bài viết
Sau khi dự thảo phương án thi THPT quốc gia 2017 được Bộ GD-ĐT công bố, có rất nhiều ý kiến trong đó đồng thuận cũng có, trái chiều cũng có.

Cách thi trắc nghiệm và bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh - KHTN), Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân - KHXH) được đánh giá là phù hợp với thế giới. Song, vấn đề mà các trường THPT và ĐH băn khoăn chính là thời điểm áp dụng trong năm 2017 liệu có quá đột ngột so với học sinh và cả các trường ĐH, CĐ?

 

Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2016 tại cụm thi tỉnh Kiên Giang.

Phù hợp với thế giới  

Theo dự thảo của Bộ GD-ĐT, phương án thi THPT quốc gia 2017 có 5 bài thi gồm Toán, Văn, Ngoại ngữ, KHTN, KHXH. Duy nhất có bài thi môn Văn là thi theo hình thức tự luận. 

TS Trần Thế Hoàng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TPHCM cho biết: “Bộ GD-ĐT nên sớm công khai quy chế thi và xét tuyển vì lòng dân đang rất xao động, rất nhiều thông tin bàn luận. Tôi hoàn toàn ủng hộ trắc nghiệm (trừ môn Văn) vì độ lệch về nhận xét người chấm thi với bài thi trắc nghiệm không nhiều như ở môn tự luận mà đạt được mục tiêu nhanh, chính xác, công bằng và đỡ tốn kém. Đây là năm đầu tiên học sinh tiếp cận với hình thức này nên có nhiều ý kiến, nhưng ảnh hưởng đồng loạt tới tất cả học sinh nên tôi ủng hộ phương án này. Nếu phải tổ chức thêm một kỳ thi đánh giá, tôi mong muốn có ngân hàng đề chung theo từng lĩnh vực để tạo sự khách quan và giảm thiểu rủi ro cho các trường, tránh cảnh tiêu cực luyện thi như trước đây.

Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, một kỳ thi chung với hai mục tiêu (xét tốt nghiệp THPT và dùng để xét tuyển ĐH, CĐ) là đúng với tinh thần Nghị quyết 29 về đổi mới giáo dục. Tuy nhiên, có một số nội dung trong dự thảo mà bộ chưa làm rõ, đó là môn Ngoại ngữ sẽ thi trắc nghiệm 100% hay vừa có trắc nghiệm vừa có tự luận? Cấu trúc bài thi môn KHTN và KHXH cũng chưa nói rõ sẽ tính điểm từng môn hay tính điểm chung để các trường ĐH, CĐ có cơ sở điều chỉnh tổ hợp xét tuyển, điểm liệt sẽ tính như thế nào? Hơn nữa bài thi tổ hợp có 3 môn thi mà chỉ có 60 câu và thời gian làm bài 90 phút liệu có hợp lý và khoa học?

ThS Nguyễn Ngọc Trung, Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho rằng: “Việc chuyển đổi nhiều môn sang phương án thi trắc nghiệm là phù hợp với thế giới và đảm bảo hơn sự khách quan khi giao về cho các sở. Tuy nhiên, những năm trước sự thay đổi chỉ diễn ra với hình thức thi còn năm nay thay đổi tới cách đánh giá năng lực thí sinh, điều này sẽ tạo nhiều khó khăn cho thí sinh. Nếu bộ thực hiện đúng phương án thi này thì Trường ĐH Sư phạm TPHCM sẽ chọn kết quả kỳ thi để làm dữ liệu xét tuyển cho trường. Riêng với sinh viên ngành Sư phạm trường có thể tổ chức thêm bài kiểm tra với thí sinh. Tuy nhiên trường phải công bố trước 2 năm để thí sinh chuẩn bị”. 

Băn khoăn đề thi tổ hợp, xét tuyển

Dưới góc nhìn của người làm công tác hướng nghiệp, TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng ban Công tác sinh viên ĐH Quốc gia TPHCM, cho rằng: “Tôi hơi băn khoăn về tổ hợp môn KHTN và KHXH vì học sinh có quá ít thời gian để làm quen với cách học. Hơn nữa bài thi tổ hợp sẽ chấm điểm như thế nào, chấm chung hay riêng lẻ từng môn cũng chưa được làm rõ. Cách thi này sẽ kéo theo các trường ĐH xét tuyển phải thay đổi tổ hợp. Tuy nhiên, trước đó Bộ GD-ĐT lại quy định các trường thay đổi tổ hợp xét tuyển mới phải công bố ít nhất là 3 năm. Như vậy liệu có hợp lý?”. TS Mai cho biêt thêm: Bài thi KHTN và KHXH có 60 câu là quá ít và khó có thể đánh giá hết kiến thức, năng lực của học sinh. Nếu Bộ GD-ĐT chứng minh được bài thi tổ hợp có đầy đủ cơ sở để đánh giá năng lực của học sinh thì các trường ĐH tổ chức thêm một bài thi đánh giá năng lực nữa là không nên.

 

Thí sinh, phụ huynh tìm hiểu và đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Y dược TPHCM.

Theo quan điểm cá nhân, ThS Lê Văn Hiển, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Luật TPHCM chia sẻ: “Bài thi tổ hợp năm 2017 nếu các trường xét tuyển từng môn trong bài thi này sẽ rất khó. Do đó, bộ nên cân nhắc kỹ hơn để đánh giá thí sinh trong từng môn thi trong bài thi tổ hợp. Riêng bài thi KHXH, đa phần thí sinh sẽ chỉ tập trung cho tổ hợp Sử, Địa mà ít quan tâm tới Giáo dục công dân nên việc đánh giá bài thi có thể bị vênh”.

Dưới cái nhìn là người dạy phổ thông và dạy ở trường ĐH, ThS Phạm Thái Sơn, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, chia sẻ: “Tôi rất trăn trở về bài thi tổ hợp. Nếu xem là kết quả bài thi sẽ hay hơn tách ra kết quả từng phần các môn thi. Nếu tính theo từng môn thì vẫn nên giữ nguyên 3 môn như cũ để tránh tình trạng thí sinh tập trung môn này mà bỏ môn kia. Với cấu trúc đề thi này thì khung năng lực sẽ như thế nào? Nếu dùng năng lực không cũng rất khó hiểu vì không biết năng lực gì”. 

Trong khi đó, các trường THPT đều mong muốn trước hết Bộ GD-ĐT phải có quyết định chính thức để các trường có phương án và chuẩn bị. Ông Nguyễn Hùng Khương, Phó hiệu trưởng THPT Bùi Thị Xuân (TPHCM) tỏ ra lo lắng: “Chúng tôi đã có khảo sát sau khi bộ đưa ra dự thảo, kết quả trong 614 học sinh lớp 12 có 543 học sinh chọn bài thi KHTN, 41 học sinh chọn bài thi KHXH. Do đó, điều tôi mong nhất là bộ công bố phương án thi chính thức càng sớm càng tốt để thay đổi chương trình phù hợp.

Nhiều trường ĐH cho rằng, sau khi Bộ GD-ĐT công bố dự thảo, rất nhiều trường THPT và học sinh gọi điện hỏi về cách xét tuyển trong năm 2017, nhưng  các trường cũng không thể trả lời. Các trường ĐH cũng đang trong tâm thế chờ đợi và lo lắng vì tất cả đều chưa rõ ràng. Khi nào Bộ GD-ĐT có quy chế chính thức thì các trường mới xây dựng phương án xét tuyển. Nếu quy chế quá trễ thì e rằng việc xét tuyển không thể tránh khỏi phức tạp như hai năm qua.
Theo SGGP
Bình luận
Back To Top