Góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

13:54 - Thứ Năm, 06/10/2016 Lượt xem: 3846 In bài viết
ĐBP - Ban Dân tộc (HĐND tỉnh) vừa thực hiện cuộc giám sát về Đề án “Củng cố và phát triển hệ thống Trường Phổ thông Dân tộc nội trú” giai đoạn 2011 - 2015 tại 3 trường PTDTNT THPT trên địa bàn tỉnh. Chương trình giám sát đã hoàn thành tốt mục tiêu: Làm rõ khó khăn, vướng mắc; kiến nghị đề xuất những vấn đề cần quan tâm, các biện pháp giải quyết trong quá trình thực hiện Đề án; từ đó góp phần thực hiện tốt các chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh…

Chương trình giám sát chuyên đề của Ban Dân tộc (HĐND tỉnh) về thực hiện Đề án “Củng cố và phát triển hệ thống Trường Phổ thông Dân tộc nội trú” giai đoạn 2011 - 2015 tại 3 trường: PTDTNT THPT huyện Mường Nhé, Mường Chà và Trường PTDTNT tỉnh. Đoàn giám sát làm việc từ ngày 20 - 23/9/2016. Mục tiêu đề ra của đoàn nhằm kiến nghị những vấn đề cần quan tâm, làm rõ khó khăn, vường mắc, đề xuất các biện pháp giải quyết trong quá trình thực hiện Đề án; từ đó góp phần thực hiện tốt các chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh.

 

Giờ học văn của cô và trò Trường PTDTNT THPT huyện Mường Nhé.

Các thầy cô giáo ở Trường PTDTNT THPT Mường Nhé - điểm giám sát đầu tiên đón chúng tôi bằng tình cảm nồng ấm. Cô Lò Thị Thời, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) bảo: “Nghề giáo rất đỗi thiêng liêng nhưng cũng thật nhọc nhằn, đặc biệt là ở những trường vùng cao càng khó khăn gấp bội, nếu không có ý chí và nghị lực phi thường thì giáo viên khó có thể kiên trì bám lớp, bám trường...”. Trực tiếp kiểm tra từng hạng mục, cơ sở vật chất, phòng học, trang thiết bị dạy và học, đặc biệt là nơi ăn, chỗ ở của học sinh nội trú, được xây dựng nằm trong kinh phí của Đề án. Đoàn đã ghi nhận những nỗ lực của ngành giáo dục nói chung và đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm mang lại môi trường sư phạm, tạo cơ hội học tập bình đẳng cho học sinh dân tộc thiểu số. Là ngôi trường mới được đầu tư, xây dựng, Trường PTDTNT THPT huyện Mường Nhé có khuôn viên thoáng đãng, khang trang với quy mô 10 phòng học và 300 học sinh nội trú. Trường được xếp vào tốp đầu trong những trường PTDTNT trên địa bàn tỉnh, đáp ứng sự mong mỏi cũng như nhu cầu học tập, sinh sống, rèn luyện toàn diện “văn - thể - mỹ” của học sinh vùng cao, dân tộc thiểu số.

Báo cáo đoàn giám sát, thầy Cà Văn Minh, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Triển khai Đề án, năm 2013, trường tiếp tục được đầu tư giai đoạn 2 bổ sung một số hạng mục công trình, như: 1 nhà đa năng, khu ký túc xá nữ gồm 12 phòng, dãy nhà công vụ gồm 14 phòng khép kín, mở rộng thêm nhà bếp và các khu vệ sinh, xây dựng lại toàn bộ khuôn viên trường học khang trang, sạch sẽ. Hàng năm nhà trường đều được bổ sung thiết bị dạy học, giáo dục, nuôi dưỡng học sinh nội trú; trang bị hệ thống máy tính và kết nối mạng phục vụ cho việc dạy học; tập huấn sử dụng phần mềm quản lý học sinh, nhân sự PEMIS, xây dựng Website riêng và có hệ thống email nội bộ kết nối với Sở GD-ĐT. Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên được tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn về công tác quản lý, đổi mới phương pháp dạy, kiểm tra và đánh giá về các nội dung giáo dục đặc thù; tập huấn giáo viên cốt cán các trường PTDTNT cấp THPT... mở ra cơ hội học tập trong môi trường giáo dục hiện đại.

Giám sát tại Trường PTDTNT THPT huyện Mường Chà và Trường PTDTNT tỉnh; đoàn đã kiểm tra việc quản lý, sử dụng công trình; nghe các đơn vị báo cáo cụ thể. Trong đó, một số khó khăn, tồn tại cũng đã được các trường nêu rõ. Hiệu trưởng Trường PTDTNT THPT huyện Mường Chà, cho biết: Hiện nay, một số hạng mục công trình đã xuống cấp, như: Khu nhà hiệu bộ, lớp học, ký túc xá học sinh đã được xây dựng từ năm 2000, sân ký túc xá vẫn còn là sân đất. Đặc biệt, trường có đường đi qua sang Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện nên rất khó khăn trong công tác quản lý và đảm bảo an ninh trật tự cho học sinh…

 

Đoàn giám sát kiểm tra thực tế tại Trường PTDTNT THPT huyện Mường Nhé.

Đối với Trường PTDTNT tỉnh, cơ bản hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị, sách giáo khoa… đảm bảo đáp ứng nhu cầu học tập và sinh hoạt tối thiểu của học sinh. Vướng mắc hiện nay của trường là khuôn viên đã được đầu tư xây dựng lâu năm, việc quy hoạch bố trí các phòng chuyên môn chưa hợp lý; công tác phối hợp giáo dục học sinh giữa nhà trường và phụ huynh gặp rất nhiều khó khăn do gia đình các em ở vùng sâu, vùng xa; bất đồng ngôn ngữ.

Phát biểu tại buổi làm việc với đoàn giám sát ngày 23/9, đồng chí Nguyễn Sỹ Quân, Giám đốc Sở GD-ĐT cũng khẳng định: Việc thừa hưởng các chính sách hỗ trợ từ Đề án “Củng cố và phát triển hệ thống Trường PTDTNT” trên địa bàn tỉnh đã và đang từng bước hiện thực hóa ước mơ, nâng bước học trò vùng cao tới trường. Đề án đã góp phần củng cố, phát triển các trường PTDTNT THPT đạt chuẩn quốc gia (hiện 8/8 trường PTDTNT THPT của tỉnh đã đạt chuẩn quốc gia) và đảm bảo các điều kiện giáo dục đặc thù; nâng cao chất lượng giáo dục và hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, năng lực chuyên môn và kỹ năng sư phạm cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên... Tăng cường các điều kiện hỗ trợ hoạt động giáo dục và công tác quản lý trường PTDTNT đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.

Thực hiện Đề án, tỉnh ta đã phê duyệt kế hoạch đầu tư 9 công trình tại 8 trường PTDTNT với tổng mức đầu tư là 145.257 triệu đồng. Trong đó, 145.173 triệu đồng từ ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về GD-ĐT; 84 triệu đồng từ ngân sách địa phương. Toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng 19 phòng học thông thường, đạt 71,17% kế hoạch; các phòng học bộ môn (7 phòng học tin, 7 phòng ngoại ngữ, 6 phòng sinh học...), phòng hoạt động chung, phòng phục vụ giáo viên và các công trình phục vụ giáo viên, học sinh... Trong 9 công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng thì 8 công trình đã được phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành, 1 công trình đang chờ kết quả kiểm toán độc lập để trình Sở Tài chính thẩm định phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành (Trường PTDTNT THPT huyện Mường Nhé). Tổng giá trị khối lượng đã hoàn thành đạt 139.614 triệu đồng, tương đương 96,1% tổng mức đầu tư của 9 công trình. Cùng với đó, trong 5 năm toàn tỉnh đã có 2.118 lượt cán bộ quản lý, giáo viên trong các trường PTDTNT được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; thực hiện nghiêm túc, sáng tạo chương trình, kế hoạch giáo dục theo chuẩn kiến thức, tổ chức có hiệu quả việc dạy học 2 buổi/ngày; chú trọng chất lượng nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh, giáo dục văn hóa đặc thù... Đặc biệt, là việc rèn luyện kỹ năng sống, hình thành cho học sinh những kỹ năng và nề nếp nội trú; tổ chức nấu ăn, tăng gia sản xuất theo mô hình “vườn - ao - chuồng” nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng bữa ăn cho học sinh...

Tại các buổi làm việc, đánh giá thực tế tại các trường và làm việc với Sở GD-ĐT, đoàn giám sát đã đánh giá khách quan và chỉ ra những tồn tại hạn chế trong việc triển khai Đề án, như: Quy hoạch, mở rộng quy mô hệ thống các trường PTDTNT; vấn đề chậm thanh quyết toán tại Trường PTDTNT THPT huyện Mường Nhé; vấn đề đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên của các trường… Đồng chí Vừ Thị Liên, Trưởng ban Dân tộc đánh giá cao tính khả thi cũng như tác động mạnh mẽ của Đề án đối với học sinh dân tộc thiểu số, mở ra cơ hội học tập bình đẳng, nối gần hơn khoảng cách giữa miền núi và thành thị. Đồng chí cũng đề nghị Sở cần đẩy nhanh hơn nữa việc thanh, quyết toán các hạng mục đã hoàn thành và đưa vào sử dụng; đối với các trường cần quan tâm, bảo dưỡng sử dụng đúng mục đích các công trình đã được Nhà nước đầu tư…

Có thể thấy rằng, cuộc giám sát của Ban Dân tộc về việc thực hiện Đề án “Củng cố và phát triển hệ thống Trường Phổ thông Dân tộc nội trú” đã hoàn thành tốt các nội dung, kế hoạch đề ra. Cuộc kiểm tra, giám sát đã không chỉ đánh giá toàn diện về chất lượng thực hiện Đề án mà qua đó còn giúp ngành GD-ĐT nói chung, các trường được thụ hưởng Đề án đưa ra nhiều giải pháp nhằm củng cố, nâng cao chất lượng giáo dục, thu dung nhiều nhân tài theo học tại trường; tiếp tục phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, đóng góp trí tuệ vào việc xây dựng và kiến thiết ở những huyện vùng cao.

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top