Để trường đại học được tự chủ: Nên xóa bỏ bộ, ngành chủ quản

14:17 - Thứ Năm, 06/10/2016 Lượt xem: 4693 In bài viết
Tại một hội nghị bàn về vấn đề tự chủ đại học (ĐH) mới đây, Bộ GD-ĐT đã khẳng định, thời gian tới, việc tự chủ trong các trường không còn khuyến khích thực hiện nữa mà là bắt buộc. Để làm được điều này, các cơ quan chức năng đang khẩn trương hoàn thiện các văn bản pháp quy cần thiết, trong đó phải sửa đổi Luật Giáo dục ĐH, xóa bỏ bộ, ngành chủ quản.

Những hạn chế, vướng mắc từ luật

Từ năm 2005, quyền tự chủ của cơ sở giáo dục ĐH và nghề nghiệp đã được Luật Giáo dục ghi nhận với nội dung tương tự quan điểm của các nước phát triển, tuy nhiên vẫn có những quy định hạn chế quyền của các cơ sở giáo dục. Ví dụ, về học thuật, các trường không được tự quyết định chương trình đào tạo mà phải theo chương trình khung do Bộ GD-ĐT quy định. Về tổ chức, người đứng đầu cơ sở giáo dục ĐH không phải do tập thể giảng viên, viên chức hoặc hội đồng của cơ sở đó bầu ra mà do cơ quan nhà nước có thẩm quyền bổ nhiệm hoặc công nhận. Về chế độ đãi ngộ, nhà giáo và viên chức được trả lương theo quy định về ngạch bậc và lương, phụ cấp của Chính phủ. Về tài chính, cơ sở giáo dục ĐH công lập nhận kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước theo chỉ tiêu đào tạo, tức là số lượng người học được Nhà nước đài thọ và có trách nhiệm quản lý, sử dụng nguồn kinh phí đó theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

 

Phòng thí nghiệm công nghệ Nano tại Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Đối với các cơ sở giáo dục ĐH, việc xác định sứ mạng mang ý nghĩa quyết định hướng phát triển và khả năng cạnh tranh của mỗi trường. Tuy nhiên, việc định hướng này cũng do các nhân tố ngoài trường quyết định. Bởi theo quy định của Luật, các trường được phân tầng thành: Trường định hướng nghiên cứu, trường định hướng ứng dụng, trường định hướng thực hành. Các tầng có quyền lợi khác nhau nên việc định hướng phát triển dễ bị chi phối vì lợi ích. Hầu hết các cơ sở giáo dục ĐH, kể cả những trường còn đi thuê giảng đường, có chưa đầy 50 giảng viên cơ hữu, đều xác định theo định hướng nghiên cứu. Tuy nhiên, tiêu chuẩn phân tầng lại do Chính phủ quy định chứ không phụ thuộc nguyện vọng của trường nữa. Ngoài ra, Luật Giáo dục ĐH quy định trường ĐH phải có hội đồng trường. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa tổ chức Đảng với hội đồng trường chưa được quy định rõ nên hội đồng trường chỉ mang tính hình thức, không có thực quyền. 

Lãnh đạo nhiều trường ĐH thừa nhận các trường khó có thể tự chủ bởi trong các điều khoản của Luật Giáo dục ĐH có quá nhiều điểm hoàn toàn trái với tinh thần tự chủ ĐH hoặc quá mơ hồ để có thể thực hiện.

Sẽ thay đổi nhiều cơ chế quan trọng

Để thực hiện tự chủ ĐH, làm đòn bẩy nâng cao chất lượng đào tạo và năng lực sáng tạo KH-CN của các trường, việc sửa đổi Luật Giáo dục ĐH cũng như các văn bản quy phạm pháp luật đang được đặt ra. Trong đó có ý kiến cho rằng cần bỏ quy định phân tầng ĐH, để cơ sở giáo dục ĐH có quyền tự xác định hướng phát triển của mình và thay đổi hướng phát triển phù hợp với điều kiện và nhu cầu của mỗi giai đoạn. Cần bỏ quy định cơ quan quản lý nhà nước xếp hạng cơ sở giáo dục ĐH, bãi bỏ cơ chế “Bộ chủ quản”, chấm dứt việc giao cho UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước đối với cơ sở giáo dục ĐH. Thay vào đó, các trường chỉ chịu sự quản lý nhà nước của Bộ GD-ĐT. 

Về tài chính, nhiều đại biểu đã đồng tình với TS Nguyễn Trường Giang, Phó Vụ trưởng Vụ ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính khi ông cho rằng: Việc phân bổ ngân sách không có sự ưu tiên, cào bằng giữa các ngành học có chi phí đầu tư khác nhau khiến cho cơ cấu đào tạo ngành các trường ĐH không hợp lý, không phù hợp với nhu cầu và điều kiện phát triển cụ thể của đất nước. Cơ chế phân bổ cần chuyển từ phân bổ theo tiêu chí đầu vào sang phân bổ theo tiêu chí đầu ra, gắn với kết quả kiểm định chất lượng đào tạo và xếp hạng; từ cơ chế ưu tiên đầu tư cho trường theo thứ hạng cố định sang cơ chế ưu tiên đầu tư theo kết quả 5 năm gần nhất. Thay vì phân bổ ngân sách đồng đều đối với tất cả các ngành học, Nhà nước đặt hàng đối với một số ngành nghề đặc thù, mũi nhọn. Nhà nước cần chuyển từ cơ chế hỗ trợ thông qua học phí thấp đại trà sang cơ chế cấp học bổng tương xứng với chi phí đào tạo đối với sinh viên thuộc diện được hưởng chính sách xã hội, sinh viên giỏi, sinh viên theo học một số ngành nghề đặc biệt theo yêu cầu của Nhà nước. Ngoài ra, Luật Giáo dục ĐH cũng cần quy định cụ thể hơn về trách nhiệm giải trình của các trường, bao gồm các nghĩa vụ cung cấp thông tin, lý giải và chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của nhà trường…

Chia sẻ về vấn đề tự chủ ĐH, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã giải tỏa một số băn khoăn liên quan tới các nội dung được đề xuất ở trên. Theo Phó Thủ tướng, quyền tự chủ của nhà trường không thể trao cho một cá nhân (hiệu trưởng) mà phải trao cho một hội đồng trường. Hội đồng trường phải có thực quyền, quyết định mọi chính sách của nhà trường, có quyền chọn lựa hiệu trưởng và có cơ chế kiểm soát độc lập đối với mọi hoạt động của nhà trường. Chính phủ đang soạn Dự thảo Nghị định theo hướng về cơ bản các trường ĐH tự chủ toàn quyền nhưng thay đổi mô hình quản trị, giảm sự can thiệp từ cơ quan chủ quản.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cũng khẳng định, Nghị định về tự chủ ĐH đang được xây dựng sẽ có quy định tự chủ trong nhiều lĩnh vực, từ đào tạo, mở ngành, hợp tác quốc tế, nhân sự cho tới nghiên cứu khoa học và mức thu học phí bảo đảm chất lượng đào tạo đã cam kết…

Theo Hanoimoi
Bình luận
Back To Top