Xây trường đón em

08:55 - Thứ Năm, 13/10/2016 Lượt xem: 4476 In bài viết
ĐBP - Đến các bản làng vùng cao của huyện Tuần Giáo, nghe tiếng học sinh ê a đọc bài trong những lớp học kiên cố, khang trang; nhìn các em vô tư vui chơi, đùa nghịch trên sân trường láng xi măng sạch sẽ khiến chúng tôi thật ấm lòng. Những năm gần đây có nhiều trường, lớp học mới mọc lên, thay thế những gian nhà nắng chiếu, mưa dột, gió lùa, giúp các em và gia đình thêm yên tâm theo đuổi con chữ. Chúng tôi gọi đó là những lớp học yêu thương bởi được dựng lên từ tình yêu, sự tận tâm, nhiệt huyết kêu gọi, vận động xã hội hóa và trực tiếp xắn tay làm thợ của các cán bộ giáo dục huyện Tuần Giáo.

 

Học sinh điểm bản Phiêng Pẻn vui chơi trong lớp học mới.

Chúng tôi đến Trường Mầm non An Bình (xã Mường Mùn) trong giờ làm việc nhưng không gặp được lãnh đạo nhà trường. Hỏi ra mới biết, Hiệu trưởng cùng một số giáo viên đang san đất, làm hàng rào cho điểm trường Huổi Lốt. Nhiều ngày nay, ngoài làm tốt nhiệm vụ chuyên môn, các cô tranh thủ san gạt nền đất, tự tay khiêng chuyển vật liệu, đảo vữa, tham gia làm sân trường, nhà vệ sinh, cổng trường tại điểm bản Huổi Lốt. Cô Bùi Thị Lĩnh, Hiệu trưởng nhà trường, nói vui rằng: “Giáo viên Trường Mầm non An Bình giờ đều có nghề tay trái đó là thợ hồ”. Đa số cán bộ nhà trường là nữ nhưng việc nhỏ to, nặng nhọc gì các cô cũng đều hăng hái, nhiệt tình tham gia. Sau bao công sức, điểm trường Huổi Lốt giờ đã khang trang, sạch đẹp đón các em lên lớp. Điểm trường này được du học sinh Việt Nam hỗ trợ kinh phí làm 2 phòng học và nhà vệ sinh từ tháng 8 vừa rồi. Tranh thủ sự ủng hộ, nhà trường xin hỗ trợ làm đường nước và sân chơi cho các cháu. Các hạng mục này do nhà hảo tâm ủng hộ tiền mặt, nhà trường triển khai làm nhưng do kinh phí có hạn nên ngoài thuê thợ chính thì công việc còn lại do giáo viên nhà trường huy động phụ huynh học sinh tự tay thực hiện. Có trường lớp kiên cố, cả giáo viên và phụ huynh học sinh đều vui mừng khôn xiết bởi không còn cảnh chạy mưa dưới những gian nhà gỗ xiêu vẹo, gió thổi bốn bề, không còn cảnh sân chơi lầy lội, lép nhép bùn đất.

Còn tại điểm trường Phiêng Pẻn (Trường Mầm non Mùn Chung), diện mạo trường bây giờ khác rất nhiều so với thời điểm cuối năm 2015. Trước đây, 3 gian lớp học tại điểm bản Phiêng Pẻn đều là nhà gỗ, lụp xụp; nhiều cột, ván gỗ đã bị mối mọt. Khi trời mưa gió, gian nhà học không bị tốc mái thì đồ chơi, đồ dùng học tập cũng ướt nhẹp vì mưa tạt nên cứ thấy trời nổi cơn giông là cô trò phải sơ tán sang trú nhờ điểm trường tiểu học bên cạnh. Cũng vì thế mà việc vận động học sinh ra lớp, duy trì sỹ số gặp rất nhiều khó khăn. “Nhưng sau khi 2/3 gian nhà học được Nhóm từ thiện Bàn tay nhỏ (Hà Nội) hỗ trợ kinh phí làm mới theo phương án nhà lắp ghép, học sinh đã lên lớp đầy đủ, phụ huynh yên tâm đưa con đến trường. Các em không chỉ đi học đều mà thích đến trường bởi lớp học vững chãi, thoáng mát, sạch sẽ và có nhiều đồ chơi mà đứa trẻ nào cũng ao ước. Ở lớp mới này, giờ đây, mưa gió không còn làm gián đoạn được việc dạy và học của cô trò” - cô Cà Thị Thu, giáo viên điểm bản Phiêng Pẻn, chia sẻ.

Trong hơn 3 năm qua, hàng chục lớp học trên địa bàn huyện Tuần Giáo đã được làm mới, hàng chục điểm trường được đầu tư các hạng mục công trình khác nhau từ sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài địa bàn, thông qua sự kêu gọi, kết nối của giáo viên, cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện. Phòng còn thành lập nhóm thiện nguyện “Xây trường đón em” với nhiệm vụ vận động, kêu gọi nguồn xã hội hóa xây dựng cơ sở vật chất, ủng hộ, giúp đỡ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn và trực tiếp tham gia trong quá trình thi công. Khi mới thành lập năm 2013, các thành viên trong nhóm tích cực đi xin tài trợ, xin vật liệu làm lớp học; cuối tuần hay dịp hè, họ không nghỉ ngơi mà đến từng điểm trường khó khăn giúp gia cố, sửa chữa các phòng học xuống cấp, xây nhà lớp học mới cho học sinh. Chị em thì khiêng chuyển vật liệu, các thành viên nam thì hàn xì, lắp ghép… Ai nấy mỗi người một việc, cần mẫn và nhiệt huyết. Là cán bộ giáo viên nhưng khi bắt tay vào làm thì họ như những người thợ thực thụ. Nhờ sự tận tâm ấy, nhiều tổ chức từ thiện khác đồng cảm, tin tưởng mà lên khảo sát, xây trường theo những lời giới thiệu, kết nối. Đến nay, hàng nghìn học sinh vùng cao huyện Tuần Giáo đã có lớp học kiên cố, có nhà bán trú, công trình phụ trợ, góp phần thu hút thêm nhiều trẻ em đến trường, nuôi dưỡng ước mơ theo đuổi con chữ. Nói về hoạt động này, bà Lê Thị Hồng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tuần Giáo, cười hạnh phúc và tự hào bởi nỗ lực gõ cửa từng đơn vị, kết nối khắp các tổ chức từ thiện để vận động xây trường, tạo điều kiện học tập tốt nhất có thể cho học sinh của giáo viên, cán bộ Phòng đã có những trái ngọt. Tiếp tục hành trình ấy, từ đầu năm đến nay, Phòng đã kêu gọi đầu tư xây dựng, lắp ghép 9 điểm trường tại những địa bàn xa xôi, khó khăn nhất. Bà Hồng chia sẻ thêm: “Hiện trên địa bàn huyện còn gần 200 phòng học tạm 3 cứng. Trong thời gian tới, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, cụ thể là nhóm “Xây trường đón em” phấn đấu vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ làm mới 40 phòng học (tại 20 – 30 điểm trường) mỗi năm, dần xóa nhà lớp học tạm, đảm bảo an toàn cho học sinh”.

Rời Tuần Giáo nhưng hình ảnh những đứa trẻ vùng cao rạng rỡ hát múa trong phòng học đẹp đẽ, khang trang; những ánh mắt lấp lánh niềm vui, rải đồ chơi ra sàn nhà sạch mới rồi cùng nhau say mê lắp ráp, thỏa sức sáng tạo vẫn hiển hiện trong tâm trí tôi. Mong rằng dự định về việc huy động xây thêm nhiều trường, lớp học của những người làm công tác giáo dục ở Tuần Giáo sẽ thực hiện được; sớm có thêm nhiều ngôi trường mới mọc lên, đón các em vào gieo mầm tri thức.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top