Hai thách thức lớn của trường chuyên

14:37 - Thứ Năm, 27/10/2016 Lượt xem: 3697 In bài viết
Đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 24-6-2010 đã đi được nửa chặng đường, song vẫn đang đứng trước những thách thức không nhỏ trong việc thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Trong đó, có hai thách thức là nhiều trường chuyên ở trong tình trạng thiếu thốn về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; việc dạy và học môn ngoại ngữ vẫn lắm chông gai.

37% số trường chuyên chưa đạt chuẩn

Việc đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống trường phổ thông chuyên được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong định hướng phát triển GD-ĐT nhằm tạo ra những ngôi trường có đầy đủ điều kiện cần thiết, đồng bộ và hiện đại, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, một trong sáu nhiệm vụ, cũng là mục tiêu trọng tâm được đề cập trong Đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020 là ưu tiên mở rộng diện tích, đầu tư cho cơ sở vật chất, phương tiện dạy học, nâng cấp các trường chuyên theo tiêu chí trường chuẩn quốc gia.

 

Giờ học tiếng Anh tại Trường THPT chuyên Chu Văn An, Hà Nội.

Theo Bộ GD-ĐT, năm học 2015-2016, cả nước có 86 trường chuyên, tăng 11 trường so với năm học 2009-2010. Tuy nhiên, cũng như nhiều trường THPT đại trà khác, các trường THPT chuyên cũng đứng trước những thách thức về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, cho biết: Trong giai đoạn 2010-2015, có 14 trường chuyên được xây mới và đưa vào sử dụng, góp phần nâng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia lên 63% vào năm học 2015-2016. Tuy nhiên, còn nhiều trường chuyên vẫn chưa đủ các điều kiện tối thiểu như phòng học bộ môn, nhà đa năng…

Tại hội nghị sơ kết việc thực hiện đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2016, diễn ra vào cuối tháng 9, các địa phương đều có chung nhận định rằng, so với 5 năm trước, tỷ lệ trường chuyên đạt chuẩn quốc gia đã tăng lên gấp đôi, nhưng so với yêu cầu nhiệm vụ, tốc độ này còn quá chậm. Cả nước còn 28 trường chuyên chưa đạt chuẩn quốc gia (37%). Ở nhiều nơi, cả tỉnh chỉ có một trường chuyên mà vẫn không thể đạt chuẩn quốc gia, như Hải Phòng, Thái Bình, Thái Nguyên… Đáng chú ý là cả 2 trường chuyên của TP Hồ Chí Minh hiện nay vẫn chưa đạt đủ tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia khi còn thiếu nhiều hạng mục quan trọng như nhà đa năng, ký túc xá…

Kỹ năng tiếng Anh vẫn đuối

Trong giai đoạn hội nhập, mục tiêu quan trọng của các trường THPT là nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, coi đây là hành trang không thể thiếu đối với học sinh. Tuy nhiên, theo số liệu của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD-ĐT), được công bố vào cuối năm 2015, cả nước mới chỉ có khoảng 32% giáo viên tiếng Anh cấp phổ thông đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ. 

 

Một giờ học tại Trường THPT Chuyên ngoại ngữ Hà Nội.

Ông Vũ Đình Chuẩn thẳng thắn thừa nhận: Việc dạy học tiếng Anh ở các trường chuyên có chuyển biến so với 5 năm trước, nhưng nhìn chung, năng lực tiếng Anh của cả đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên vẫn chưa đạt yêu cầu, làm hạn chế khả năng triển khai một số chương trình giáo dục tiên tiến của quốc tế vào giảng dạy cũng như hiệu quả trao đổi hợp tác với các cơ sở giáo dục có đào tạo học sinh năng khiếu ở nước ngoài. Đây được coi là một trong những hạn chế lớn nhất của hệ thống trường chuyên trong giai đoạn 2010-2015.

Rõ ràng, thầy cô không đạt chuẩn thì chất lượng học tiếng Anh của trò cũng chịu tác động không nhỏ. Trừ một số trường ở thành phố lớn, còn lại, hầu hết học sinh chuyên ở các tỉnh đều gặp khó khăn với môn học này. Câu chuyện kể về hành trình dài vật lộn với việc dạy - học tiếng Anh ở trường của thầy giáo Nguyễn Trường Giang, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lào Cai, tỉnh Lào Cai, tại dịp sơ kết đề án trường chuyên vừa qua được nhiều đồng nghiệp cảm thông, chia sẻ. Theo thầy Nguyễn Trường Giang, dù đã nỗ lực nhiều nhưng kỹ năng nghe, nói vẫn là một điểm yếu của học sinh, nhiều em chỉ chú trọng học từ vựng và ngữ pháp để phục vụ việc kiểm tra, thi cử. Đội ngũ giáo viên, dù đã được "bồi dưỡng lại" song hiệu quả giảng dạy còn thấp; hạn chế là vậy nhưng rất khó thay thế trong ngày một ngày hai.

GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, người từng dẫn dắt nhiều đội tuyển học sinh Việt Nam tham dự các cuộc thi Olympic quốc tế cũng thẳng thắn thừa nhận: Học sinh Việt Nam vẫn ngại giao tiếp với các bạn quốc tế, một phần do thiếu kỹ năng, hiểu biết về văn hóa thế giới, phần khác là do hạn chế về trình độ ngoại ngữ. Việc học ngoại ngữ trong nhà trường hiện nay mới chỉ đáp ứng được cho việc thi cử.

Để xây dựng, phát triển các trường chuyên thực sự là hình mẫu về mọi mặt, góp phần đào tạo nguồn nhân lực có đầy đủ đức - trí - thể - mỹ, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ CNH-HĐH và hội nhập quốc tế, sẽ có nhiều việc cần được triển khai trong 5 năm tới, trong đó, không thể không tập trung giải quyết những hạn chế đã được đề cập trong bài viết này.

Giai đoạn 2016-2020, cần tập trung ưu tiên mở rộng quỹ đất xây dựng trường chuyên, bảo đảm diện tích mặt bằng tối thiểu đạt 15m2/học sinh; 100% các trường chuyên đạt chuẩn quốc gia; đẩy mạnh việc dạy học môn toán và một số môn khoa học bằng tiếng Anh; rà soát, bổ sung, hoàn thiện đội ngũ giáo viên, bảo đảm đủ về cơ cấu, định mức và đáp ứng yêu cầu chuyên môn, năng lực làm việc. 

(Nguồn: Bộ GD-ĐT)

Theo HNM
Bình luận
Back To Top