Mô hình trường học VNEN

Cần cách làm linh hoạt

09:35 - Thứ Năm, 10/11/2016 Lượt xem: 4844 In bài viết
ĐBP - Dự án Mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) đưa vào triển khai tại Điện Biên từ năm học 2012 - 2013 đối với khối tiểu học, từ năm học 2015 - 2016 với khối trung học cơ sở. Dự án đã kết thúc từ tháng 5/2016, tuy nhiên, trong năm học 2016 – 2017 Điện Biên vẫn tiếp tục duy trì và mở rộng mô hình giáo dục này tại 154/180 trường tiểu học, 66 trường trung học cơ sở. Sau 5 năm, mô hình giáo dục mới này đã đạt được những kết quả nhất định. Song, bên cạnh đó quá trình triển khai cũng còn nhiều bất cập.

Năm 2012, khi tỉnh ta triển khai mô hình giáo dục theo Dự án VNEN tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, cũng gặp phải không ít khó khăn. Theo đánh giá của một số giáo viên đang dạy theo chương trình VNEN thì khi áp dụng mô hình dạy học này ở vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, kết quả rõ nét nhất là khả năng nói tiếng Việt của các em học sinh được cải thiện nhanh chóng. Trong 1 lớp học có nhiều thành phần dân tộc, có nơi học sinh nói tiếng Việt chưa thành thạo nên việc diễn đạt, trình bày, hợp tác theo nhóm rất hạn chế. Nhưng sang những năm sau đó, các em đã quen dần và tham gia thảo luận nhiều hơn, mạnh dạn hơn khi giao tiếp với người lạ. Vì khi các em muốn phát biểu, thảo luận bắt buộc phải dùng ngôn ngữ chung để trao đổi. Dạy và học theo phương pháp này học sinh được tự khám phá kiến thức, rèn luyện khả năng tự tin khi giao tiếp và tính chủ động, sáng tạo trong công việc.

 

Học sinh Trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ học theo nhóm trong một tiết học của chương trình VNEN.

Năm học 2015-2016, toàn tỉnh có 123/175 trường tiểu học và 61 trường THCS áp dụng mô hình trường học mới. Năm học 2016 - 2017 đã mở rộng 154/180 trường tiểu học và 66 trường trung học cơ sở áp dụng dạy và học theo VNEN. Đối với các trường tiếp tục triển khai mở rộng thì thực hiện theo hình thức tự nguyện do ban giám hiệu các trường và phòng giáo dục - đào tạo đăng ký thực hiện.

Năm học 2012-2013, thành phố Điện Biên Phủ, có 2 trường đã thực hiện mô hình dự án là Trường Tiểu học Hoàng Văn Nô (xã Tà Lèng) và Trường Tiểu học Thanh Minh (xã Thanh Minh). Đến năm học 2013-2014, tiếp tục triển khai mở rộng thêm mô hình này đối với Trường Tiểu học Thanh Trường và Trường Tiểu học Noong Bua. Và  từ năm học 2016-2017, Phòng Giáo dục - Đào tạo thành phố đã định hướng cho các trường còn lại ở khu vực trung tâm thành phố lựa chọn những thành tố tích cực của VNEN để áp dụng vào thực hiện ở đơn vị của mình, căn cứ vào điều kiện thực tế của nhà trường để xây dựng chương trình dạy học phù hợp. Tuy vậy, mới qua hơn 2 tháng triển khai đã nảy sinh một số bất cập từ cơ sở. Một giáo viên lớp 4 Trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ cho biết: Khi kiểm tra kiến thức đầu vào thì một số trường hợp học sinh lớp 4 không làm được những phép toán đơn giản của lớp 3, vì vậy khi dạy theo chương trình VNEN sẽ rất khó khăn trong việc bồi dưỡng và giám sát. Với cách thức xếp chỗ ngồi theo nhóm, thì việc các em thảo luận hay nói chuyện riêng giáo viên cũng khó phát hiện, khi kiểm tra các em cũng dễ nhìn bài làm của bạn hơn nên chất lượng nhiều khi không phản ánh đúng năng lực của từng em. Sắp xếp chỗ ngồi làm sao để các cháu không bị cong vẹo cột sống, không bị các tật về mắt cũng là một vấn đề giáo viên phải tốn nhiều thời gian.

Mô hình này cũng còn một số bất cập, hạn chế so với phương pháp dạy học truyền thống. Trước đây, giáo viên chỉ quản lý học sinh theo các nội quy, giờ chuyển sang giao quyền quản lý cho Hội đồng tự quản, học sinh tự bầu, tự quản. Nếu học sinh có ý thức tự giác thì cách làm này rất hay, góp phần nâng cao tính chủ động cho học sinh. Song những em còn rụt rè, nhút nhát thì sẽ bị hạn chế phần nào.

Để có cái nhìn khách quan về chương trình VNEN, chúng tôi (PV) đã tham khảo, hỏi ý kiến nhiều phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, điều ngạc nhiên là phần lớn phụ huynh học sinh không hiểu chương trình VNEN là gì, vì không được các nhà trường tuyên truyền, giới thiệu. Trong khi đó dư luận lại có nhiều ý kiến không đồng tình, thậm chí tẩy chay mô hình giáo dục này ở một số tỉnh. Vì vậy, hiện nay đã có phụ huynh vì quá lo lắng nên đã phải nhờ đến các giáo viên phụ đạo thêm cho con em mình theo phương pháp truyền thống. Một số cô giáo cũng rất băn khoăn, nhận lời giúp đỡ không phải vì mục đích có thêm thu nhập mà vì thương các cháu và thông cảm với sự lo lắng của phụ huynh...

Trao đổi về vấn đề này, Nhà giáo ưu tú Đào Hoài Nam, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Điện Biên Phủ cho biết: Khi áp dụng mô hình trường học mới, quan điểm chỉ đạo của chúng tôi là các đơn vị trường áp dụng một cách linh hoạt trong phương pháp tổ chức dạy học, lựa chọn nội dung kiến thức sao cho phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện của nhà trường. Trong quá trình triển khai, Phòng cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các đơn vị; tổ chức các cuộc hội thảo chuyên đề để rút kinh nghiệm và kịp thời điều chỉnh những bất cập nảy sinh trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, một số trường còn cứng nhắc trong quản lý chuyên môn, định hướng xây dựng chương trình máy móc, dập khuôn; các giải pháp phối hợp chưa tốt dẫn đến tình trạng giáo viên lúng túng khi thực hiện. Mặt khác, một số giáo viên chuyên môn, nghiệp vụ chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới, thậm chí chưa hiểu rõ về mô hình trường học mới nên có tâm lý ngại thay đổi. Để khắc phục tình trạng trên, trong thời gian tới Phòng sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, nắm bắt tình hình để có chỉ đạo kịp thời, yêu cầu các nhà trường chủ động và chủ đạo về chương trình dạy học của đơn vị mình. Đặc biệt chú ý bổ sung một số tiết ôn tập, củng cố cho học sinh yếu và nâng cao kiến thức cho học sinh khá, giỏi; linh hoạt hơn trong công tác chỉ đạo, phân công giảng dạy hợp lý để tạo điều kiện cho giáo viên có thời gian đầu tư chuyên môn. Mặt khác, tiếp tục bồi dưỡng đội ngũ giáo viên

Thiết nghĩ, đổi mới giáo dục là việc làm cần thiết và đang được cả xã hội quan tâm. Do vậy, để áp dụng một mô hình mới thành công và hiệu quả, trước hết người trong cuộc phải thực sự có cái nhìn thông suốt và có lập trường kiên định. Có như vậy mới tạo được sự tin tưởng, đồng thuận của cha mẹ học sinh và của toàn xã hội. Sự gắn kết chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội sẽ là cơ sở để tạo nên một nền giáo dục toàn diện, hiệu quả và bền vững.

Bài, ảnh: Văn Thành Chương
Bình luận
Back To Top