Tâm huyết người thầy

09:40 - Thứ Sáu, 18/11/2016 Lượt xem: 5158 In bài viết
ĐBP - Mường Mùn - xã vùng cao của huyện Tuần Giáo còn nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ đói nghèo cao. Cũng vì lẽ đó nên người dân không mấy mặn mà với việc cho con em tới trường mà chỉ tập trung phát triển kinh tế. Song với sự vào cuộc của hệ thống chính trị, đặc biệt là tinh thần trách nhiệm của những người làm trong ngành Giáo dục và Đào tạo nơi đây, những đứa trẻ vốn chỉ quen các việc trông em, theo cha mẹ lên nương đã bắt đầu biết đọc, biết viết; nhiều trẻ thường xuyên bỏ học nay đã đi học chuyên cần.

Về thăm Trường THCS Mường Mùn, chúng tôi cảm nhận rõ trách nhiệm, nhiệt huyết của các thầy, cô giáo nơi đây. Trò chuyện với chúng tôi, thầy Lò Văn Chính - giáo viên môn hóa, sinh của Trường kể nhiều kỷ niệm về quãng thời gian nhận quyết định công tác tại Trường năm 2002. Vui có, buồn có song nghe chuyện của thầy Chính chúng tôi rất ấn tượng với chuyện vận động 1 học sinh người Mông ở bản Tàng Áng, xã Pú Xi đến trường. Học sinh trong câu chuyện là em Vừ Thị Lỳ đã học hết lớp 5, song do điều kiện gia đình khó khăn nên Lỳ phải nghỉ học ở nhà trông em, chăn trâu cho bố mẹ đi làm. Để vận động được em Lỳ đến trường, thầy Chính cùng một số giáo viên nhiều lần đến tận nhà, thuyết phục bố mẹ em; nhưng không thành. Khi bố mẹ Lỳ lên nương, thầy Chính cũng lên nương làm cùng, vừa làm thầy vừa nói chuyện về lợi ích của việc học tập. Cuối cùng bố Lỳ cũng đồng ý cho em đi học. Thầy Chính tâm sự: Cái khó nhất của giáo viên vùng cao là việc vận động học sinh đến trường; thế nhưng, đó cũng là niềm vui, động lực để chúng tôi càng thêm cố gắng, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.

 

Giáo viên Trường Tiểu học Thanh Xương, huyện Điện Biên hướng dẫn học sinh chơi trò chơi trong tiết học ngoại khóa.

Từ sự nỗ lực của cán bộ giáo viên nhà trường, vài năm trở lại đây, tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần ở Trường THCS Mường Mùn, đạt 100%; tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi đến trường cũng đạt gần 100%.

Với Điện Biên, sự nghiệp giáo dục và đào tạo ở bất kể huyện, thị nào cũng đều có gian truân, vất vả. Tôi còn nhớ, trong chuyến công tác về xã Huổi Mí của huyện Mường Chà thời gian đầu năm 2016, khi ấy trời mưa to khiến tuyến đường vào trung tâm xã trở nên lầy lội, trơn trượt. Tôi và bạn đồng nghiệp phải xuống xe người dắt, người đẩy vất vả lắm mới đến được trung tâm xã. Đi cùng chúng tôi là thầy, cô giáo công tác ở Huổi Mí vẫn vững tay lái, chậm rãi “bò” qua nhiều đoạn đường khó đi mà không hề bị ngắt quãng giữa chừng. Hôm đó, chúng tôi nghỉ ở Trường Tiểu học Huổi Mí để sẻ chia với thầy cô về công việc “gieo chữ” nơi đây. Trong cuộc trò chuyện với thầy Trần Trung Nhân, Hiệu trưởng nhà trường, chúng tôi hiểu rằng, chỉ có lòng nhiệt huyết, yêu nghề và lòng quyết tâm mới nhào nặn nên được ý chí không ngại khó, ngại khổ của những nhà giáo nơi đây. Dù cho cơ sở vật chất còn thiếu thốn, trường, lớp học chật hẹp với những mái nhà tranh vách nứa, song bằng nỗ lực và tình yêu nghề, hơn 50 cán bộ giáo viên của Trường vẫn bám trụ để mang “con chữ” đến gần hơn với người dân Huổi Mí. Và cũng vì lẽ đó, chúng tôi hiểu dù là thầy Chính ở Trường THCS Mường Mùn hay các thầy, cô ở Huổi Mí cho đến các nhà giáo đang công tác trong ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh nhà, dù công tác nơi đâu các thầy, cô cũng cũng đang dành cả tâm huyết cho nghề mình đã chọn.

Bài, ảnh: Văn Quyết
Bình luận
Back To Top