Giáo dục mầm non

Nhiều trường ngoài công lập “hút” trẻ

08:53 - Thứ Năm, 05/01/2017 Lượt xem: 3563 In bài viết
ĐBP - Thành phố Điện Biên Phủ hiện có 18 trường mầm non (trong đó 2 trường ngoài công lập) và 3 nhóm trẻ gia đình ở các phường: Him Lam, Tân Thanh và Mường Thanh. Dù số lượng trường mầm non khá nhiều, nhưng nhìn chung quy mô đầu tư và hệ thống cơ sở hạ tầng của các trường chưa đồng đều. Trừ một số trường được đầu tư tương đối quy mô như: Trường Mầm non 20/10, Trường Mầm non Hoa Ban, Trường Mầm non 7/5… thì vẫn còn nhiều trường vì đã xây dựng quá lâu, quy mô trường, lớp nhỏ, do vấn đề kinh phí và quỹ đất hạn chế nên việc mở rộng rất khó khăn, nên dẫn tới tình trạng quá tải. Thời gian đưa đón trẻ ở các trường công lập thường cố định (từ 6 giờ 30 phút sáng đến 17 giờ) và không giữ trẻ vào ngày thứ bảy, chủ nhật, vậy nên nhiều phụ huynh gặp khó khăn trong việc đón trẻ vì trẻ ra sớm hơn so với giờ tan sở của mình. Đây cũng là hạn chế lớn nhất của trường công lập được hầu hết phụ huynh nhận định. Nhằm giảm bớt gánh nặng cho hệ thống trường công, những năm gần đây trên địa bàn thành phố cũng phát triển khá mạnh mô hình trường ngoài công lập với 2 trường tư thục và 3 nhóm trẻ gia đình.

Trường Mầm non Rainbow thuộc tổ 20, phường Mường Thanh là cơ sở giáo dục ngoài công lập có số lượng trẻ khá đông. Trường thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2009, vừa xây mới với quy mô 7 phòng học, 1 phòng chức năng tổng hợp, 1 văn phòng nhà trường, công trình nước sạch, 4 nhà vệ sinh trên diện tích 600m2. Các phòng học đều rộng rãi, thoáng mát, đảm bảo ánh sáng; có hệ thống quạt, máy điều hòa nhiệt độ và công trình vệ sinh khép kín, đảm bảo sức khỏe cho các em và được trang bị đồ chơi an toàn, đa dạng, phong phú. Nhà trường cũng đầu tư kinh phí lắp đặt hệ thống camera giám sát 24/24 giờ từ sân chơi cho đến các phòng học…  Năm học 2016 – 2017, trường tuyển sinh được 7 lớp với 148 cháu (3 lớp nhà trẻ, 4 lớp mẫu giáo), chủ yếu ở phường: Thanh Bình, Tân Thanh, Thanh Trường... Các cô giáo đều có trình độ đạt chuẩn theo quy định với 10/15 giáo viên đạt giáo viên giỏi cấp trường. Theo bà Lương Thị Minh Châu, cán bộ quản lý Trường Mầm non Rainbow: Để nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, hằng năm nhà trường đều tổ chức rà soát, mua bổ sung đồ dùng dạy học, đồ chơi. Vào cuối giờ các ngày thứ 3, thứ 5 hàng tuần, cán bộ giáo viên nhà trường được bồi dưỡng, nâng cao trình độ kiến thức ngoại ngữ và tin học. Đặc biệt, năm học 2016 - 2017, trường thí điểm cho trẻ làm quen với ngoại ngữ; áp dụng phương pháp giáo dục sớm Glenn Doman để kích thích, tăng cường phát triển trí não cho trẻ trong giai đoạn từ 0 - 3 tuổi, từ 3 - 6 tuổi, đồng thời có sử dụng phương pháp Montessori nhằm trang bị kỹ năng sống, giúp trẻ hình thành nhân cách tốt, rèn luyện tính tự lập và tự do sáng tạo. Tính đến thời điểm cuối tháng 12/2016, quy mô, sỹ số học sinh tăng 22 trẻ so với đầu năm học. Đặc biệt nhà trường vẫn thường xuyên nhận học sinh từ 0 – 2 tuổi, tỷ lệ trẻ đi học chuyên cần tương đối ổn định, luôn đạt từ 88 – 90%. Ngoài ra, chất lượng giáo dục còn thể hiện qua 5 lĩnh vực về thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, thẩm mỹ và phát triển tổ chức, kỹ năng xã hội luôn đạt trên 86%.

 

Cô và trò Trường Mầm non Rainbow trong giờ hoạt động ngoại khóa.

Có thể thấy rõ những ưu điểm của các trường mầm non ngoài công lập, đó là: Số lượng trẻ ở mỗi lớp khá ít vì vậy các cô có thời gian chăm sóc và vui chơi cùng các bé. Cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp do chuẩn bị phí đầu tư xây dựng cao gấp nhiều lần trường công lập. Thời gian đưa đón trẻ cũng linh hoạt, từ 4 – 5 giờ 30 phút chiều, có trường còn nhận giữ trẻ thêm thời gian theo yêu cầu của phụ huynh và trông trẻ cả ngày thứ bảy. Học phí trường thu hiện nay tùy từng độ tuổi của trẻ, dao động từ 1,5 – 2,5 triệu đồng/cháu/tháng. Tuy học phí cao so với các trường công lập song nhiều gia đình có điều kiện vẫn cho con em vào học. Ông Đào Hoài Nam, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Điện Biên Phủ, khẳng định: Do thiếu quỹ đất, thiếu kinh phí, việc mở rộng quy mô trường, lớp cho hệ thống trường mầm non công lập gần như là không thể. Bởi vậy, hầu hết các trường mầm non công lập hiện nay trên địa bàn thành phố đều có số lượng trẻ khá đông so với quy định. Có lớp số học sinh trên dưới 40 trẻ. Vì vậy, việc phát triển các trường mầm non ngoài công lập trên địa bàn thành phố cũng là tất yếu. Tuy nhiên, các cơ sở này cũng có hạn chế đó là: học phí khá cao so với các trường mầm non công lập. Chất lượng giáo viên không đồng đều, đa số là giáo viện trẻ mới ra trường chưa có kinh nghiệm giảng dạy. Chương trình học không được bài bản như các trường công lập, giáo án thường do trường tự biên soạn. Công tác kiểm tra về chất lượng học sinh tiếp thu bài cũng như chất lượng lên lớp không thường xuyên vì không được đề cao tính thi đua giữa các lớp, các giáo viên.

Các trường mầm non ngoài công lập được thành lập trong những năm gần đây đều nằm trong quy hoạch phát triển giáo dục của địa phương về mở rộng các loại hình trường, lớp, góp phần giảm tải số trẻ tại một số trường công lập. Tuy nhiên, để giúp cho hệ thống này phát triển ổn định, bền vững hơn, thời gian tới Phòng Giáo dục – Đào tạo TP. Điện Biên Phủ quan tâm đến việc tổ chức bồi dưỡng thường xuyên cho các giáo viên về chuyên môn, nghiệp vụ. Cũng như chỉ đạo các trường tham gia cuộc thi như giáo viên dạy giỏi, làm đồ dùng dạy học, tham dự chuyên đề giống như các trường mầm non công lập. Bên cạnh đó cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các nhà trường trong việc thực hiện quy chế chuyên môn, thực hiện các chế độ cho giáo viên, tăng cường quản lý cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập theo đúng quy định của Nhà nước.

Bài, ảnh: Đỗ Quyên
Bình luận
Back To Top