Hướng tới xây dựng cộng đồng học tập

08:56 - Thứ Năm, 05/01/2017 Lượt xem: 6108 In bài viết
ĐBP - Theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2016, tỉnh ta triển khai đánh giá, xếp loại điểm cộng đồng học tập cấp xã tại 13 xã ở các huyện, thị xã, thành phố. Kết quả, 4/13 xã đạt cộng đồng học tập loại tốt, 7 xã đạt loại khá, 1 đơn vị trung bình và 1 xã không đạt. Qua thực tế triển khai cho thấy, một số tiêu chí chưa thật sự phù hợp điều kiện đặc thù như tỉnh ta, nhưng qua đó cũng thấy còn nhiều vấn đề, nhiều hạn chế cần khắc phục để hướng tới xây dựng cộng đồng học tập, xã hội học tập.

Mô hình cộng đồng học tập cấp xã xây dựng dựa trên Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020” của Thủ tướng Chính phủ với mục đích động viên, khuyến khích phong trào học tập; tạo điều kiện, cơ hội cho mọi người được học tập suốt đời. Việc đánh giá thực trạng xây dựng cộng đồng học tập cấp xã là căn cứ để đề ra các biện pháp chỉ đạo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Có 15 tiêu chí để đánh giá, xếp loại cộng đồng học tập cấp xã với tầm bao quát rộng và đa chiều, bao gồm: Mạng lưới và hoạt động của các cơ sở giáo dục; kết quả phổ cập giáo dục; công bằng xã hội trong giáo dục; kết quả học tập, bồi dưỡng thường xuyên của cán bộ, công chức cấp xã; kết quả học tập thường xuyên của người lao động; xây dựng gia đình học tập, cộng đồng học tập cấp thôn, bản; xây dựng “khu dân cư văn hóa”, sự tham gia phối hợp của các ban, ngành đoàn thể, tổ chức trên địa bàn trong vận động, triển khai các phong trào học tập; đảm bảo vệ sinh môi trường, chăm sóc sức khỏe cộng đồng…

 

Trẻ em xã Noong U, huyện Điện Biên Đông ôn bài ngoài giờ lên lớp.

Trong 13 xã, thị trấn được đánh giá, xếp loại điểm, xã Thanh Minh, TP. Điện Biên Phủ đạt số điểm cao nhất, 92/100 điểm. Những năm qua, Thanh Minh đã có nhiều nỗ lực góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Các tổ dân phố, bản đều thành lập hội khuyến học, trong đó có trên 78% tổ dân phố, bản được công nhận cộng đồng học tập. Năm 2016, có 400 hộ gia đình đăng ký gia đình hiếu học, trong đó trên 75% hộ được công nhận. Tổng kết năm học 2015 – 2016, Hội Khuyến học xã đã khen thưởng hơn 40 học sinh giỏi các cấp, đỗ đại học và học sinh đạt giải trong các kỳ thi thể dục thể thao của thành phố, tỉnh. Bà Nguyễn Thị The, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học xã, cho biết: “Năm nào, Hội cũng phát động và đẩy mạnh phong trào học tập tới từng tổ dân phố, bản trong xã; tăng cường tuyên truyền cho người dân về ý nghĩa của việc học hỏi, tiếp thu tri thức mới. Hội cũng huy động sự tham gia ủng hộ, vận động của các đoàn thể khác trong xã, nhờ vậy, phong trào học tập ngày càng sôi nổi, học sinh đến trường đầy đủ, thi đua nhau học tập tốt”. Một số tiêu chí khác như: Số cán bộ, công chức xã được tập huấn nghiệp vụ; người lao động được học tập, chuyển giao khoa học, kỹ thuật chăn nuôi trồng trọt… cũng đạt kết quả tích cực. Dù cả 15 tiêu chí đánh giá đạt chuẩn nhưng vẫn còn tiêu chí đạt điểm không cao. Đó là tiêu chí mạng lưới và hoạt động của các cơ sở giáo dục. Xã Thanh Minh hiện có 3 nhà trường thuộc 3 cấp học nhưng chưa trường nào đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Đây là mục tiêu xã phấn đấu trong năm nay.

Không chỉ riêng xã Thanh Minh mà tiêu chí các cấp trường đạt chuẩn quốc gia là tiêu chí khó đối với địa bàn vùng cao. Xã Noong U, huyện Điện Biên Đông là xã duy nhất không đạt trong đánh giá cộng động học tập. Noong U chưa có trường mầm non, chưa có trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Với điều kiện giao thông xa xôi, cách trở, hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn khó khăn nên sự quan tâm và ưu tiên cho học tập của người dân Noong U còn hạn chế. Đặc biệt là nhiều phụ nữ không biết chữ nên khó đảm bảo cân bằng tỷ lệ nam - nữ tham gia hoạt động xã hội và học tập cộng đồng; tỷ lệ công chức cấp xã được bồi dưỡng, tập huấn; hộ gia đình được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia của Noong U đều không đạt, chỉ được chấm 0 điểm.

Bà Nguyễn Thị Thúy, Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên và chuyên nghiệp (Sở Giáo dục và Đào tạo) thẳng thắn nhận xét: “Một số tiêu chí chưa thực sự phù hợp với địa bàn tỉnh ta, như: Mỗi xã có ít nhất 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; trên 40% trẻ ở độ tuổi nhà trẻ ra lớp; 80% trở lên các cấp lãnh đạo của chính quyền, tổ chức, đoàn thể xã có nữ tham gia quản lý; tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh theo chuẩn quốc gia đạt 85% trở lên; chất thải, nước thải được thu gom và xử lý đúng quy định. Những yêu cầu này quá cao so với thực tế vùng sâu, vùng xa, miền núi còn nhiều khó khăn”. Nói vậy để hiểu hơn về tiêu chí cộng đồng học tập cấp xã. Để sau đánh giá là có hướng chỉ đạo, xây dựng các phong trào phù hợp; tạo thêm động lực, mục tiêu phấn đấu để có sự công bằng trong học tập, điều kiện sống tốt hơn cho người dân. Dù mục tiêu ấy còn xa nhưng có hướng đi thì tin tưởng có thể hoàn thành tốt. Theo kế hoạch, năm 2017 sẽ tiếp tục triển khai đánh giá, xếp loại đại trà trong tỉnh, nên cần nhiều hơn nữa sự quan tâm, ủng hộ của các cấp, ngành, đoàn thể đến sự nghiệp giáo dục địa phương, để mục tiêu xây dựng cộng đồng học tập, xã hội học tập không còn xa vời.

Bài, ảnh: Bảo Anh
Bình luận
Back To Top