Khó khăn rồi sẽ qua

08:45 - Thứ Sáu, 20/01/2017 Lượt xem: 4570 In bài viết
ĐBP - Bao gian nan, thử thách không chỉ của ngành Giáo dục và Đào tạo mà của cả hệ thống chính trị trong tỉnh đã được đáp đền là “trái ngọt” Điện Biên vinh dự được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 vào cuối năm 2015. Thành quả ấy là sự khổ công bao ngày “mài sắt” và cũng là động lực để Điện Biên tiếp tục giành được nhiều thành tựu hơn trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo…

Chúng tôi còn nhớ như in buổi lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất, công bố Quyết định tỉnh Điện Biên đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 và tôn vinh các nhà giáo, học sinh có thành tích xuất sắc cấp quốc gia, đó là vào trung tuần tháng 7/2016. Hôm ấy, hội trường của Trung tâm Hội nghị - Văn hóa tỉnh được trang hoàng lộng lẫy với nhiều cờ hoa, băng rôn… Và hơn hết là nụ cười rạng rỡ của những thầy cô giáo, đại biểu đại diện các sở, ban, ngành cùng các em học sinh tham dự làm cho buổi lễ càng trở nên rộn ràng, long trọng hơn. Suốt buổi lễ gương mặt ai cũng rạng ngời, phấn khởi. Bởi với một tỉnh còn muôn vàn khó khăn như Điện Biên thì việc phẩn đấu đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 là cả một quá trình nỗ lực bền bỉ của ngành. Đặc biệt hơn và tự hào hơn nữa Điện Biên là tỉnh thứ 23/63 trong toàn quốc “cán đích”. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Sỹ Quân chia sẻ với chúng tôi: Để đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 ngoài nỗ lực của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành, còn có sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương, nhất là Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong việc ban hành các văn bản về chế độ chính sách cho học sinh và giáo viên, đặc biệt là học sinh bán trú, học sinh vùng đặc biệt khó khăn… Từ đó, góp phần tích cực cho việc tăng tỷ lệ huy động học sinh ra lớp, duy trì số lượng và nâng cao chất lượng giáo dục.

 

Giờ học của thầy và trò Trường THPT Tủa Chùa.

Để có được thành quả đó, công tác phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 đã trải qua nhiều khó khăn: giao thông cách trở; dân cư phân bố không đồng đều, nhiều học sinh ở xa trung tâm xã, xa trường học; tỷ lệ hộ nghèo cao. Một số nơi tồn tại phong tục, tập quán lạc hậu ảnh hưởng đến việc huy động học sinh ra lớp, đi học chuyên cần. Bên cạnh đó, đối với các xã đặc biệt khó khăn, mặc dù cơ sở vật chất, phòng học, thiết bị dạy học, nhà công vụ cho giáo viên, nhà ở cho học sinh nội trú được các cấp đầu tư xây dựng nhưng chưa đáp ứng nhu cầu. Hầu hết các trường học vùng đặc biệt khó khăn, phòng học tạm còn nhiều chưa có đủ phòng chức năng, phòng công vụ, phòng nội trú và các hạng mục phụ trợ khác để phục vụ công tác dạy và học… Dẫu vậy, vượt lên mọi khó khăn ngành Giáo dục và Đào tạo tích cực, chủ động phối hợp với chính quyền các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, huy động tối đa trẻ trong độ tuổi ra lớp. Trong đó, tập trung rà soát số liệu và các tiêu chí phổ cập, huy động học sinh bỏ học, học sinh khuyết tật học hòa nhập; ưu tiên nâng cao chất lượng cho học sinh học yếu, học sinh lớp 1, học sinh lớp 5…

Kiên trì và nỗ lực không mệt mỏi, sau 5 năm triển khai thực hiện đến cuối năm 2015 toàn tỉnh đã có 124/130 xã, phường, thị trấn và 10/10 huyện, thị xã, thành phố được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2. Đến nay, toàn tỉnh có 175 trường tiểu học với 3.151 lớp, 64.342 học sinh; tỉ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,9%; tỉ lệ trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt 96,2%. Huy động trẻ khuyết tật trong độ tuổi 6 - 10 tuổi học hòa nhập ở cấp tiểu học đạt 771/1.011 học sinh (chiếm tỷ lệ 76,3%). Nhiều trường đã trở thành những “điểm sáng” trong công tác giáo dục và đào tạo vùng cao, như: Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Tân Phong (huyện Nậm Pồ), PTDTBT Hừa Ngài (huyện Mường Chà), Tiểu học Thanh Xương (huyện Điện Biên)… Cũng trong giai đoạn 2010 - 2015, mỗi năm có khoảng 250 - 300 giáo viên tiểu học được tuyển dụng để đáp ứng việc tăng quy mô, đảm bảo yêu cầu dạy học 2 buổi/ngày. Năm 2015, tỉ lệ giáo viên/lớp là 1,48 giáo viên/lớp (tăng 0,28%); số lượng giáo viên tiểu học có trình độ đại học và cao đẳng đạt 77,8% (tăng 11,7% so với năm 2010).

Hoàn thành kế hoạch đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 năm 2015 - thêm một mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đã về đích đúng thời điểm, là thành quả to lớn, dấu son trong quá trình phát triển giáo dục của tỉnh nhà. Song sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo là chặng đường dài, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của cán bộ quản lý, công chức, viên chức ngành giáo dục. Dù còn nhiều gian khó, song tin rằng với sự quyết tâm và nỗ lực của ngành, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, khó khăn nào rồi cũng qua, sự nghiệp giáo dục và đào tạo toàn tỉnh sẽ phát triển toàn diện, vươn lên tầm cao mới.

Bài, ảnh: Văn Quyết
Bình luận
Back To Top