Bộ GD-ĐT lưu ý thí sinh khi đăng ký và làm bài thi THPT Quốc gia 2017

08:55 - Thứ Sáu, 03/02/2017 Lượt xem: 4725 In bài viết
Ngày 2/2, Bộ GD-ĐT tiếp tục công bố những thông tin giúp thí sinh nắm được những điểm cần lưu ý khi đăng ký dự thi và làm các bài thi tổ hợp trong Kỳ thi THPT Quốc gia 2017.

Theo đó, việc đăng ký dự thi nhằm để xây dựng cơ sở dữ liệu của Kỳ thi. Dữ liệu này được sử dụng để xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Do vậy, các thí sinh cần lưu ý và hiểu rõ Quy chế thi để đăng ký dự thi (ĐKDT) kịp thời, chính xác.

 

Ảnh minh họa.

Việc ĐKDT sẽ do các Sở GDĐT tổ chức triển khai tại các trường THPT/Trung tâm GDTX và tại các địa điểm do Sở quy định.

Khi ĐKDT, thí sinh cần chú khai báo đầy đủ các thông tin trong Phiếu ĐKDT, trong đó đặc biệt chú ý các thông tin về: (i) Các thông tin cá nhân; (ii) Đối tượng dự thi; (iii) Đăng ký thi các bài thi/môn thi thành phần (các bài thi bắt buộc và các bài thi tự chọn); (iv) Các chế độ ưu tiên (nếu có); (v) Các bài thi sử dụng để xét tốt nghiệp THPT; (vi) Các thông tin liên quan khác…

Đặc biệt, điểm khác biệt khi đăng ký dự thi năm nay so với năm 2016 là thí sinh sẽ đăng ký xét tuyển cùng với đăng ký dự thi. Để có thể đăng ký xét tuyển đúng, thí sinh cần tham khảo thông tin tuyển sinh của các trường trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ và trang thông tin điện tử của các trường; ngoài ra, thí sinh cũng cần lưu ý các quy định: được đăng ký không hạn chế số ngành, số trường và các nguyện vọng được xếp thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới.

Những chú ý khi làm bài thi tổ hợp

Hướng dẫn thực hiện Quy chế sẽ chỉ rõ cách thức tổ chức thi các bài thi tổ hợp. Bài thi tổ hợp gồm các môn thi thành phần, cụ thể là: Bài KHTN gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học; Bài KHXH gồm Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân (đối với thí sinh học chương trình Giáo dục THPT); tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí (đối với thí sinh học chương trình GDTX cấp THPT). 

Khi ĐKDT, thí sinh cần đăng ký môn thi tự chọn KHTN hay KHXH dùng để xét tốt nghiệp THPT. Quy chế cho phép các thí sinh thi cả 2 bài thi tự chọn này. Trong trường hợp này, bài thi nào có kết quả cao hơn sẽ được lấy để xét công nhận tốt nghiệp THPT (do phần mềm máy tính thực hiện).

Trong mỗi buổi thi bài thi tổ hợp, thí sinh sẽ làm bài thi theo từng môn thành phần với thứ tự xác định. Bài thi KHTN theo trình tự các môn thành phần: Vật lí → Hóa học → Sinh học; Bài thi KHXH theo trình tự các môn thành phần: Lịch sử → Địa lí → Giáo dục công dân (đối với thí sinh THPT); Lịch sử → Địa lí (đối với thí sinh học chương trình GDTX). Thí sinh làm các bài thi KHTX/KHXH trên cùng một phiếu trả lời trắc nghiệm (TLTN);

Khi dự thi môn thành phần đầu tiên, thí sinh cần lưu ý ghi đủ thông tin trên phiếu TLTN, đặc biệt là các thông tin về số báo danh, mã đề thi. Thí sinh cần lưu ý, các môn thi thành phần trong một bài thi tổ hợp phải có cùng một mã đề thi. Do đó, thí sinh cần kiểm tra mã đề thi trước khi làm bài;

Thí sinh sẽ phải nộp lại đề thi, giấy nháp khi hết thời gian làm bài đối với môn thi thành phần để sau đó thi môn thành phần tiếp theo (ví dụ thí sinh phải nộp lại đề thi, giấy nháp môn Vật lý trước khi nhận đề thi môn Hóa học; nộp lại đề thi, giấy nháp môn Hóa học trước khi nhận đề thi môn Sinh học). Như vậy, thí sinh không phải nộp lại đề thi, giấy nháp đối với môn thi thành phần cuối cùng của mình (ví dụ thí sinh không phải nộp lại đề thi, giấy nháp môn thành phần cuối cùng là Sinh học). Thí sinh cũng không phải nộp đề thi, giấy nháp đối với các bài thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ.

"Đề thi THPT quốc gia năm 2017 nằm trong chương trình lớp 12. Đề thi có các câu hỏi ở mức độ cơ bản, phục vụ mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và các câu hỏi nhằm phân hóa kết quả thi, phục vụ mục tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ. Các thí sinh cần chú ý học tập, ôn luyện trong chương trình quy định ở lớp 12, không học tủ, học lệch, không học thêm tràn lan. Thí sinh cần tham khảo đề thi minh họa, đề thi thử nghiệm Bộ đã công bố để có định hướng ôn tập đạt kết quả cao" - Bộ GD-ĐT đưa ra những lưu ý với thí sinh trong quá trình ôn thi.

Theo HNM
Bình luận
Back To Top