Siết chặt việc đào tạo trình độ tiến sĩ

09:00 - Thứ Ba, 07/02/2017 Lượt xem: 3480 In bài viết
Nhằm chấn chỉnh và nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ (TS), Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo thông tư ban hành quy chế đào tạo trình độ TS để lấy ý kiến góp ý. Đáng chú ý, dự thảo đã siết chặt điều kiện đào tạo trình độ TS.

Dự thảo đưa ra quy định mới, để dự tuyển TS, học viên phải là tác giả hoặc đồng tác giả tối thiểu một bài báo liên quan đến lĩnh vực hoặc đề tài nghiên cứu dự kiến đăng trên các tạp chí thuộc danh mục các tạp chí khoa học chuyên ngành hoặc một báo cáo đăng tại kỷ yếu của các hội nghị, hội thảo khoa học trong hoặc ngoài nước trong thời hạn 3 năm tính đến ngày đăng ký dự tuyển. Với điều kiện về ngoại ngữ, ứng viên phải có một trong số các văn bằng, chứng chỉ sau: bằng tốt nghiệp đại học hoặc bằng thạc sĩ do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp cho người học toàn thời gian ở nước ngoài mà ngôn ngữ sử dụng trong quá trình học tập là tiếng Anh hoặc tiếng nước ngoài khác; bằng tốt nghiệp đại học ngôn ngữ nước ngoài trong thời hạn 5 năm tính đến ngày đăng ký dự tuyển; chứng chỉ tiếng Anh TOEFL iBT từ 45 trở lên hoặc chứng chỉ IELTS (Academic Test) từ 5.0 trở lên hoặc chứng chỉ TOEIC từ 500 điểm trở lên do một tổ chức khảo thí được quốc tế và Việt Nam công nhận cấp trong thời hạn 2 năm kể từ ngày cấp đến ngày đăng ký dự tuyển; chứng chỉ tiếng nước ngoài khác ở trình độ tương đương do một tổ chức khảo thí được quốc tế và Việt Nam công nhận cấp trong thời hạn 2 năm kể từ ngày cấp đến ngày đăng ký dự tuyển.

Dự thảo cũng nêu rõ, thời gian đào tạo trình độ TS từ 3 - 4 năm kể từ khi có quyết định công nhận nghiên cứu sinh trên cơ sở đảm bảo hoàn thành khối lượng học tập tối thiểu theo quy định. Đào tạo trình độ TS được tổ chức theo hình thức giáo dục chính quy; nghiên cứu sinh phải dành toàn bộ thời gian quy định để học tập và nghiên cứu tại cơ sở đào tạo. Nghiên cứu khoa học là bắt buộc trong quá trình hoàn thành luận án TS và thời gian nghiên cứu khoa học được bố trí trong thời gian nghiên cứu sinh học tập tại cơ sở đào tạo.

Đối với điều kiện của người hướng dẫn nghiên cứu sinh, dự thảo nêu rõ phải có chức danh giáo sư hoặc phó giáo sư, hoặc có bằng TS khoa học hoặc TS, chuyên môn phù hợp với đề tài luận án hoặc lĩnh vực nghiên cứu của nghiên cứu sinh. Đối với người chưa có chức danh giáo sư, phó giáo sư thì phải có tối thiểu 5 năm (60 tháng) nghiên cứu hoặc giảng dạy kể từ khi được cấp bằng TS khoa học hoặc TS. Bên cạnh đó, phải chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ và tương đương trở lên.

Đáng chú ý, dự thảo đã nhấn mạnh tới việc thẩm định quá trình đào tạo và chất lượng luận án. Cơ sở đào tạo có từ 20% trở lên số hồ sơ quá trình đào tạo hoặc luận án không đạt yêu cầu thẩm định trong năm sẽ bị dừng tuyển sinh tối thiểu trong 1 năm tiếp theo; có từ 20% trở lên số luận án không đạt yêu cầu thẩm định trong 2 năm liên tiếp sẽ bị dừng việc thành lập Hội đồng đánh giá luận án cấp trường/viện và cấp bằng TS tối thiểu trong 1 năm tiếp theo. Với trường hợp phát hiện có vi phạm, sai sót trong quá trình tuyển sinh, đào tạo, gửi phản biện độc lập, đánh giá luận án và cấp bằng TS, Bộ GD-ĐT sẽ có văn bản đề nghị cơ sở đào tạo xử lý hoặc trực tiếp xử lý theo thẩm quyền. Bên cạnh đó, sẽ thu hồi bằng TS theo quy định hiện hành và trong những trường hợp bị phát hiện gian lận trong hồ sơ dự tuyển khiến người được cấp bằng không còn đảm bảo điều kiện dự tuyển và điều kiện công nhận nghiên cứu sinh…

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top