Thực hiện Đề án Sáp nhập các trung tâm công lập ở Mường Chà

Liệu có thừa thầy, thiếu trò?

08:56 - Thứ Tư, 15/02/2017 Lượt xem: 3759 In bài viết
ĐBP - Chủ trương sáp nhập các trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp cấp huyện được triển khai từ năm 2015. Đến nay, các huyện, thị xã trên địa bàn đã xây dựng xong đề án sáp nhập. Đối với huyện Mường Chà, theo đề án gửi Sở Nội vụ để trình UBND tỉnh thẩm định, sau khi tổ chức sáp nhập, huyện sẽ đổi tên thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện. Mặc dù chưa chính thức thực hiện sáp nhập, song cũng đã bộc lộ một số vấn đề cần quan tâm, nhất là việc bố trí, sắp xếp cán bộ, giáo viên.

Thời gian qua, công tác giáo dục thường xuyên và dạy nghề trên địa bàn huyện Mường Chà luôn giữ vị trí quan trọng trong việc nâng cao trình độ dân trí và tạo cơ hội việc làm cho người dân. Tuy nhiên, thực tế hoạt động của 2 đơn vị: Trung tâm Dạy nghề và Trung tâm Giáo dục thường xuyên chưa thực sự mang lại hiệu quả. Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị ở các trung tâm công lập huyện còn dàn trải, gây tốn kém, lãng phí, không tận dụng được cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ yêu cầu đào tạo. Mặt khác, đội ngũ viên chức quản lý và giáo viên, nhân viên bố trí chưa hợp lý, có nơi thừa, nơi thiếu, phân tán nguồn lực. Bên cạnh đó, mức đầu tư trang thiết bị dạy học giữa các trung tâm cũng có sự khác biệt. Đối với Trung tâm Giáo dục thường xuyên thì trang thiết bị khiêm tốn, không đáp ứng yêu cầu hoạt động. Còn Trung tâm Dạy nghề được trang bị khá đầy đủ song chưa khai thác hết công năng hoặc không phù hợp với các ngành nghề đào tạo. Tuy nhiên, bất cập nhất vẫn là cả 2 trung tâm đều có chức năng liên kết đào tạo, hoạt động trên cùng địa bàn dẫn đến chồng chéo nhau.

Với những hạn chế đó, huyện cũng đã thẳng thắn nhìn nhận và cho rằng, việc sáp nhập 2 trung tâm là cần thiết và cấp bách. Vừa tạo điều kiện nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, vừa đẩy mạnh lĩnh vực giáo dục thường xuyên, tiến đến xây dựng xã hội học tập… Song một câu hỏi đặt ra là, sau khi hoàn thành việc sáp nhập, huyện Mường Chà sẽ bố trí, sắp xếp cán bộ, giáo viên như thế nào cho hợp lý. Được biết, thời gian qua, Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện đang khó khăn trong việc tuyển sinh. Có mặt vào buổi chiều, ngày mùng 9/2 vừa qua, tuy trong giờ hành chính song Trung tâm không có lớp học nào. Trao đổi với ông Nguyễn Văn Lương, Giám đốc Trung tâm, được biết: “Trung tâm vắng do các lớp bổ túc THPT học buổi sáng, còn lớp cán bộ cấp xã thì thường học vào cuối tuần”. Theo ông Lương thì hầu như năm nào cũng thiếu học viên. Điển hình như năm nay, Trung tâm đang đào tạo 148 học viên, đạt 90% so với chỉ tiêu của Sở Giáo dục và Đào tạo giao. Thiếu học viên nhưng số lượng cán bộ, giáo viên bấy lâu vẫn duy trì từ 15 - 16 người. Còn đối với Trung tâm Dạy nghề huyện, hoạt động chủ yếu vẫn là mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, công tác dạy nghề cũng gặp không ít khó khăn. Nhất là năm 2016, Trung tâm không tổ chức được lớp đào tạo nghề nào cho lao động nông thôn, trong khi cơ cấu tổ chức bộ máy vẫn không có gì thay đổi; các chế độ vẫn hưởng theo quy định của Nhà nước.

Theo Đề án Sáp nhập các trung tâm công lập của UBND huyện Mường Chà, thì dự kiến số người làm việc (biên chế) của 2 trung tâm sau khi sáp nhập là 24 người. Các chỉ tiêu, như: Số lượng học viên, các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn đều không đạt kế hoạch đề ra. Vậy sau khi sáp nhập, liệu có xảy ra tình trạng thừa thầy, thiếu trò gây lãng phí nhân lực, tiền của của Nhà nước?

Việc sáp nhập 2 trung tâm là phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước nhằm thực hiện chức năng giáo dục thường xuyên, dạy nghề, tư vấn hướng nghiệp phù hợp với nhu cầu đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tại các địa phương... góp phần giảm đầu mối về đơn vị sự nghiệp. Tuy nhiên thiết nghĩ, việc xem xét, bố trí hợp lý con người cũng là việc nên được lưu tâm...

Văn Quyết
Bình luận
Back To Top