Người phụ nữ truyền cảm hứng

14:23 - Thứ Ba, 07/03/2017 Lượt xem: 5618 In bài viết
ĐBP - Chị nói “Mỗi lần nhắc đến cuộc đời mình là chị có thể khóc ngay được. Vì thế chồng chị không bao giờ cho chị nhắc lại”. Thế nhưng, thật lạ là chị vẫn làm như thế mỗi lần đồng nghiệp, người thân bên cạnh gặp điều bất hạnh, hay mất niềm tin vào cuộc sống. Nghịch lý thay, chính giọt nước mắt của chị lại thổi bùng lên khát vọng sống và niềm tin cho những phận đời khác. Đó cũng là lý do tôi gọi chị là “Người phụ nữ truyền cảm hứng”!

Người nữ giáo viên đầu tiên đến Nà Hỳ

Tôi gặp cô giáo Lò Thị Thùy trong một chuyến công tác mới đây tại Nậm Pồ - một huyện đặc biệt khó khăn được chia tách, thành lập chưa đầy 4 năm của tỉnh Điện Biên. Chị hiện đang là Hiệu trưởng Trường PTDTBT – Tiểu học số 2 Nà Hỳ. Ở vị thế như bây giờ, ít ai có thể tưởng tượng được chị đã từng có những tháng ngày đen tối, đau khổ đến nhường nào...

 

Là hiệu trưởng, cô giáo Lò Thị Thùy luôn gần gũi, chia sẻ với học sinh.

Cô giáo Lò Thị Thùy sinh năm 1971, trong một gia đình nghèo ở xã Nậm Hàng, huyện Mường Lay (nay thuộc huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu), nhưng sớm rơi vào cảnh mồ côi mẹ khi vừa lên 4 tuổi. Đó là dấu mốc quan trọng đầu tiên đánh dấu cuộc đời đầy đau khổ và nước mắt của chị. Ngay sau đó, bố bỏ đi, chị phải bế con thuê cho các gia đình có điều kiện trong vùng để đổi lại miếng cơm duy trì cuộc sống. Không tiền, không cha mẹ, song khát vọng học chữ thôi thúc chị nỗ lực không ngừng để được đến lớp mỗi ngày. Trong khi bạn bè cùng trang lứa có đầy đủ điều kiện đều đã bỏ học dở chừng, thì chị vẫn miệt mài đi bế trẻ thuê, lấy củi, kiếm sản vật rừng đem bán... để có tiền theo đuổi con đường tri thức. Bằng sự kiên trì, nỗ lực gấp 5, gấp 10 những đứa trẻ khác, ở thời ấy, nhiều người phải nể phục khi chị là 1 trong 2 người con duy nhất của bản theo học hết lớp 7.

Không dừng lại ở đó, chị còn ước mơ “xa xỉ” hơn khi nuôi khát vọng trở thành cô giáo. Để biến ước mơ thành hiện thực, chị lao động không biết mệt mỏi kiếm tiền, làm hồ sơ xin theo học tại Trường Trung học Sư phạm Tuần Giáo (nay là Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên). Thế rồi, những ngày tháng tự hào biết mấy khi chính thức được ngồi trên giảng đường của ngôi trường chuyên nghiệp. Không có tiền, chị phải nhảy nhờ xe than xuống trường, nhưng không được ngồi trên cabin mà phải bám thùng. Vì thế, mỗi lần đến trường là người nhem nhuốc, nhếch nhác. Những lúc ấy, chị không xấu hổ khi bị bạn bè chế nhạo mà lấy làm tự hào vì mấy ai làm được như chị?! Sự mạnh mẽ, kiên cường chính là tất cả tài sản chị có khi đó, và nó đã giúp chị vượt qua những năm tháng học tập đầy khó khăn, cực khổ với không chỉ bài học mà còn là nỗi nhớ cha mẹ, nỗi lo về miếng cơm, manh áo... dù không mấy dễ dàng. Chính vì thế chị trân trọng biết bao tấm bằng khi được cầm trên tay, và hạnh phúc vô vàn với ngày đầu đứng trên bục giảng lại chính tại mảnh đất quê hương mà chị từng khao khát.

Tưởng rằng cứ thế về sau chỉ có hạnh phúc, nào ngờ cuộc đời thật trớ trêu khi lại thách thức chị thêm lần nữa. Có lẽ vì thiếu vắng tình thương yêu và sự chỉ đường, dẫn lối của bậc sinh thành từ khi còn quá nhỏ, mà chị đã sớm xiêu lòng và quyết định gửi gắm cuộc đời cho một người đàn ông khi mới bước vào tuổi 18. Những năm sau đó là chuỗi ngày đau khổ khi phải sống chung với sự hành hạ của người chồng từng “thề non hẹn biển”. Không lâu sau đó, chị đau khổ tột cùng khi phát hiện người đàn ông tệ bạc đó nghiện ma túy, rồi bị công an bắt khi chị vừa mang thai đứa con đầu lòng. Năm 1993, chị một mình với nỗi đau vượt cạn, một bé gái xinh xắn chào đời mà thiếu vắng sự có mặt của người cha.

Tránh tai tiếng và sự miệt thị của người đời, năm 1997, khi con gái vừa lên 4, chị quyết định chuyển đến Nà Hỳ để bắt đầu cuộc sống mới. Chị tiếp tục xin giảng dạy tại Trường Tiểu học Nà Hỳ và trở thành nữ giáo viên đầu tiên ở nơi khác đến Nà Hỳ công tác.

Với sự giúp đỡ từ đồng nghiệp, cùng nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân, chỉ 2 năm sau (năm 1999) chị là đại diện cho giáo viên của cả khu vực “Ba Chà” đi thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Năm 2000, chị được bổ nhiệm làm Hiệu phó Trường Tiểu học Nà Hỳ. Năm 2004, với chủ trương tách trường, chị được lãnh đạo ngành tin tưởng, cân nhắc lên làm Hiệu trưởng Tiểu học Nậm Chua (tiền thân của Trường PTDTBT – Tiểu học số 2 Nà Hỳ) và gắn bó cho đến nay.

Truyền cảm hứng bằng sự cho đi...

Có lẽ, chính cuộc đời nhiều cay đắng, thăng trầm đã không chỉ tôi luyện cho chị một ý chí kiên cường mạnh mẽ hơn bất kỳ người phụ nữ nào, mà còn vun đắp trong chị, tình yêu thương với đồng nghiệp, mọi người xung quanh và các thế hệ học trò. Để huy động học sinh ra lớp, chị đã có lần không chỉ bỏ công mà còn bỏ của để chuộc lại học sinh. Chuyện là cách đây chừng 2 năm, có một học sinh nhà trường phải bỏ học vì mẹ mất, bố bắt em đi bế con thuê để lấy tiền trang trải cuộc sống. Đồng cảm với hoàn cảnh người học trò nghèo, chị trích đồng lương ít ỏi, rồi vận động giáo viên, phụ huynh nhà trường quyên góp đủ số tiền trả cho nhà chủ, chuộc học sinh về để em tiếp tục theo học.

Là hiệu trưởng, chị càng gần gũi với học sinh. Nhiều học trò khi gặp chuyện rắc rối đều tìm đến chị, thậm chí có em học trò câm, mỗi lần bị bạn bắt nạt đều tìm đến chị để được bênh vực, bảo vệ. Năm học 2016 – 2017 này, ngoài số học sinh được ở nội trú theo đúng quy định, thì nhà trường còn hơn 20 học sinh không đủ điều kiện ở nội trú, nhưng thấy hoàn cảnh các em quá khó khăn, chị đã vận động giáo viên và phụ huynh, học sinh khác san sẻ một phần cơm, cùng thức ăn để các em có đều đặn 2 bữa cơm mỗi ngày. Thương học sinh bán trú vất vả khi phải xuống suối giặt quần áo, nhất là mùa đông, chị huy động nguồn xã hội hóa đầu tư mua chiếc máy giặt giặt giũ cho toàn bộ học sinh nhà trường.

Không chỉ với học sinh, mỗi đồng nghiệp, giáo viên nhà trường đều ít nhất một lần nhận từ chị sự sẻ chia, giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhất là những ngày đầu xây dựng nhà trường, chỗ ở cho giáo viên còn thiếu thốn, nhiều thầy cô ở miền khác lên với đất Nà Hỳ đều phải ở nhờ nhà chị, người ít là 3 tháng, nhiều lên tới vài năm. Người mang nặng ân tình nhất là cô giáo Bùi Thị Quý (quê Hòa Bình). Cũng bởi cô giáo Quý gặp hoàn cảnh éo le tương tự (chồng mắc tệ nạn xã hội), nên chị Thùy lại càng dễ thấu hiểu, sẻ chia.

Sau những gì đã trải qua, giờ đây cô giáo Thùy đã có thể tự hào và ngẩng cao đầu. Trong xã hội, chị đang giữ một vị thế nhất định; với cuộc sống riêng, chị có một mái ấm hạnh phúc với những đứa con ngoan ngoãn. Hàng đêm, sau những vất vả với vai trò gánh vác một ngôi trường điểm của huyện, chị đã có người chồng mới hết mực yêu thương để tâm sự, sẻ chia. Với con gái lớn (con riêng của chị và chồng cũ) giờ đã tốt nghiệp Đại học Quốc gia Hà Nội và được tuyển dụng vào công tác tại Phòng Nội vụ huyện Nậm Pồ. Cậu con trai chung của anh chị năm nay học lớp 8, rất nghe lời bố mẹ, luôn chăm ngoan, học giỏi. Với chị, thật chẳng dám mơ hạnh phúc nào hơn thế.

Trong câu chuyện, chị Thùy nhiều lần nhắc đến câu nói: “Không có điều gì là bất khả thi nếu ta có niềm tin”. Đúng vậy, cuộc đời này có muôn vàn cánh cửa, cánh cửa này khép lại sẽ có cánh cửa khác mở ra. Nhiệm vụ của mỗi chúng ta là giữ vững niềm tin để bước qua những cánh cửa đó!

Bài, ảnh: Hà Linh
Bình luận
Back To Top