Vườn rau của học trò vùng cao

09:22 - Thứ Năm, 09/03/2017 Lượt xem: 4761 In bài viết
ĐBP - Đến Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nà Hỳ số 2 vào cuối giờ chiều, bước qua cổng trường, trước mắt chúng tôi là không khí lao động rất nhộn nhịp, thầy và trò đang cùng nhau làm cỏ, bắt sâu, tưới nước cho những luống rau đã lên xanh tốt. 

Vừa làm vừa trò chuyện, cười đùa vui vẻ mà vẫn chủ động hoàn thành tốt phần việc được giao, không để thầy cô phải nhắc nhở, dường như mỗi đứa trẻ nơi đây đều được rèn luyện tính tự lập và yêu lao động, hiểu được ý nghĩa của việc mình làm. Không chỉ 248 học sinh bán trú mà tất cả 530 học sinh của trường đều tham gia trồng rau. Cả trường hiện có gần 1.000m2 rau, mỗi lớp được chia 2 luống. Nhà trường ra chỉ tiêu mỗi lớp bán ít nhất 10kg rau/tháng cho bếp ăn của trường nhưng các lớp đều thi đua chăm sóc rau tốt, thu hoạch được từ 20 - 30kg rau/tháng, trường không phải nhập rau từ bên ngoài. Số tiền thu được, các lớp giữ làm quỹ để mua sắm đồ dùng chung, thăm hỏi bạn bè lúc ốm đau, hỗ trợ bạn nghèo thiếu đồ dùng học tập, liên hoan dịp đặc biệt. Ngoài ra các em còn được tổ chức sinh nhật - điều mà những đứa trẻ vùng cao chưa từng biết tới. Vì vậy các em đều rất phấn khởi, hết giờ học lại chịu khó chăm chút luống rau.

 
Em Lầu Thị Ly A, lớp 5A3, ở bán trú tại trường, cuối tuần em mới về nhà, chiều chủ nhật lại háo hức rủ bạn bè trở lại trường. Ly A chia sẻ: “Em rất thích trồng rau vì vừa có rau ăn lại có tiền để cả lớp tổ chức các hoạt động chung”. “Việc để học sinh tham gia trồng, chăm sóc rau còn tạo cho các em tình yêu lao động, có thêm niềm vui tại trường, yêu trường lớp và việc học tập hơn. Nhờ vậy mà tỷ lệ học sinh chuyên cần của trường đạt trên 97%” - cô Lò Thị Thùy, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nà Hỳ số 2 đánh giá.

 

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nà Hỳ số 2 chăm sóc vườn rau.

Không chỉ 1 mà cả 21 trường phổ thông dân tộc bán trú (cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) trên địa bàn huyện Nậm Pồ đều có vườn rau xanh do học sinh trực tiếp trồng, chăm sóc dưới sự hướng dẫn của giáo viên chủ nhiệm. Nếu như trước đây, những khoảnh đất trống, bỏ không sau nhà lớp học, nhà bán trú hay ven sân trường chỉ là cỏ dại thì giờ đây là những luống rau mơn mởn, tạo không gian xanh cho các trường học. Sau giờ học, vào mỗi buổi chiều, các em học sinh lại tập trung tại vườn rau thực hiện các công việc đã được phân công như làm cỏ, bắt sâu, tưới hoặc hái rau. Nhiều trường có diện tích rộng, đủ cung cấp rau cho bữa ăn hàng ngày của học sinh trong cả năm học, như: Tiểu học Pa Tần, Na Cô Sa, THCS Nà Khoa, Nà Bủng, Tân Phong… Trường có diện tích hẹp thì mượn đất trống của người dân xung quanh để cải tạo, chăm bón trồng rau, như Trường Tiểu học Nà Hỳ số 1. Nhờ vậy, không những việc vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học luôn được đảm bảo mà còn thu hút ngày càng nhiều trẻ đến trường bởi các hoạt động ý nghĩa, lạ lẫm đối với vùng cao, như: Tổ chức sinh nhật, tặng quà, liên hoan kẹo ngọt những dịp đặc biệt… được tổ chức bằng tiền quỹ lớp bán rau cho nhà trường - số tiền do chính các em chăm chỉ làm mà có được. Từ đó học sinh càng thêm hứng thú với việc trồng rau và yêu lao động chân chính, tạo cho các em môi trường gần gũi, gắn kết bạn bè, sống có trách nhiệm, kỷ luật hơn và biết tự lập, tự phục vụ bản thân. Bà Hoàng Thị Bích, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ, còn cho biết: Phụ huynh học sinh cũng rất phấn khởi, yên tâm khi thấy các trường đều có vườn rau xanh an toàn, con cháu mình vừa được ăn uống đầy đủ, lại trở nên hoạt bát, bạo dạn và chăm chỉ hơn. Vì vậy, họ đã quan tâm hơn đến việc học của con trẻ, việc huy động trẻ đến trường ở Nậm Pồ vì thế đã bớt khó khăn, đặc biệt là sau kỳ nghỉ tết, học sinh đến trường đầy đủ, chủ động trong việc học tập, tỷ lệ chuyên cần đạt trên 80%.

Học đi đôi với hành, học sinh được vận dụng kiến thức Khoa học tự nhiên, Sinh học vào chọn cây phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và thực hành trồng, chăm sóc cây. Bà Hoàng Thị Bích cũng cho biết thêm: “Từ vườn rau xanh, nhiều trường như Trường THCS Na Cô Sa, THCS Nà Bủng… còn xây dựng vườn cây dược liệu, thuốc nam để học sinh có thêm kiến thức thực tế cho môn học và kỹ năng trồng trọt nhiều loại cây khác nhau. Các mô hình này đang ngày càng được nhân rộng, thi đua xây dựng trong toàn huyện để các em được sống, học tập trong không gian xanh, thân thiện và có những bữa ăn ngon, sạch, đảm bảo sức khỏe học tập và phát triển”.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top