Sinh viên ra trường không có việc làm

Chưa chọn đúng nghề xã hội cần?

08:49 - Thứ Sáu, 07/04/2017 Lượt xem: 4795 In bài viết
Sinh viên ra trường không có việc làm hoặc làm không đúng ngành nghề đào tạo là tình trạng chung ở các tỉnh, thành trong cả nước và là chuyện không mới đối với tỉnh ta. Điều này cho thấy, lựa chọn ngành nghề học tập sao cho phù hợp, gắn với nhu cầu thực tế xã hội hơn lúc nào hết là vấn đề cần được quan tâm, tư vấn định hướng kịp thời…

Khó tìm việc làm

Tốt nghiệp hệ cao đẳng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã gần 3 năm vẫn chưa tìm được việc làm ổn định, anh Nguyễn Ngọc Tú (SN 1992), đội 15, xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên) viết đơn tình nguyện xin giúp việc tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Thanh Hưng. Và cuối tháng 3 vừa qua, anh được tín nhiệm bầu vào ban chấp hành Hợp tác xã, giữ chức phó chủ nhiệm. Nói về sự lựa chọn của mình, anh Tú chia sẻ, tìm việc làm đúng nghề được đào tạo quá khó, mình gửi hồ sơ đến vài cơ quan, đơn vị nhưng đều bị từ chối vì không có chỉ tiêu biên chế. Đi làm theo các công trình xây dựng vài ba đợt nhưng hết công trình là hết việc, lại phải xa gia đình nên cuối cùng mình chọn về làm ở hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Thanh Hưng. Dù phụ cấp không nhiều (hơn 800.000 đồng/tháng), nhưng thời gian rảnh mình có thể phụ giúp gia đình mở rộng và phát triển nghề trồng hoa, tăng thu nhập. Trước đây, mình rất buồn vì ra trường rồi không tìm được việc làm đúng ngành nghề đào tạo, nhưng giờ quan điểm về việc làm của mình đã khác, có việc làm đã là may mắn so với nhiều người, chứ không thể cầu toàn được làm việc đúng nghề đào tạo.

 

Học viên học nghề xúc ủi ở Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên.

Không may mắn như anh Nguyễn Ngọc Tú, chị Nguyễn Thị Ánh (SN 1992, xã Thanh Hưng) học hệ cao đẳng chuyên ngành Kế toán, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên ra trường cũng gần 3 năm mà vẫn chưa có việc làm. Tất tả nộp hồ sơ cả chục nơi nhưng chỉ nhận được lời hứa “Khi nào có kết quả sẽ liên lạc lại” và rồi vẫn là ngồi nhà chờ việc. Nản vì chờ đợi, chị Ánh lại ra TP. Điện Biên Phủ tìm việc, khi thì bán hàng thuê tại cửa hàng tạp hóa rồi bán hàng quần áo thời trang… nhưng công việc chẳng ổn định được mấy bữa. Chưa tìm được việc làm ổn định, chị Ánh ở nhà phụ giúp gia đình việc đồng áng, trồng rau, cấy lúa và khi có thông tin chị lại đi… tìm việc. Cũng tại xã Thanh Hưng, anh Nguyễn Tiến Quyết học Trường Cao đẳng Y tế Điện Biên ra trường đã hơn 2 năm vẫn chưa tìm được việc làm. Gửi hồ sơ đến vài ba nơi nhưng chưa nhận được hồi âm, anh Quyết nói: Ngành y đặc thù tìm việc trái ngành không dễ như các ngành xã hội khác. Trong khi biên chế ngành y hàng năm rất ít, cơ hội làm việc ở các cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập không dễ dàng vừa do số lượng ít và họ đều yêu cầu có kinh nghiệm làm việc ít nhất từ 1 năm trở lên. Trong khi chả có nơi nhận thì mình lấy đâu kinh nghiệm làm việc…

Theo thống kê của UBND xã Thanh Hưng, tính đến cuối năm 2016 toàn xã có 230 sinh viên tốt nghiệp có trình độ từ trung cấp trở lên chưa tìm được việc làm. Bà Hà Thị Bích Nhung, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hưng cho biết: Tạo việc làm cho sinh viên có bằng cấp, xã có chủ trương nhận các em tâm huyết, có năng lực vào làm việc tại các ban, ngành, đoàn thể (phó chủ nhiệm hợp tác xã, phó bí thư đoàn, phó chủ tịch hội phụ nữ, phó chủ tịch hội nông dân…) đưa vào chuẩn bị nguồn cán bộ kế cận trong nhiệm kỳ tới để thay thế đội ngũ cán bộ chưa được chuẩn hóa về trình độ chuyên môn. Dù đã rất nỗ lực trong vấn đề giải quyết việc làm, nhưng cách làm này cũng chỉ giải quyết được phần rất nhỏ so với số sinh viên đã tốt nghiệp và hàng năm số sinh viên trên địa bàn đi học tại các trường trong và ngoài tỉnh tốt nghiệp vẫn tiếp tục ra… “lò”!

Thất nghiệp vì nhiều lẽ

Trong số 5.838 sinh viên tốt nghiệp có trình độ từ trung cấp trở lên trong toàn tỉnh chưa tìm được việc làm đúng ngành nghề đào tạo (thống kê đến cuối năm 2016); phân chia theo ngành đào tạo thì có tới 2.099 người học ngành sư phạm (chiếm 36%); 1.351 người học ngành y (chiếm trên 23%); 501 người học ngành kinh tế (kế toán, tài chính, ngân hàng) chiếm hơn 8,5%; còn lại là học ngành nông - lâm nghiệp, điện tử, điện tử viễn thông, công nghệ thông tin; văn hóa - xã hội, văn phòng... Qua đó để thấy rằng, nhóm ngành học “hot”, như: Sư phạm, y tế, kế toán, tài chính, ngân hàng lại là ngành khó tìm việc làm nhất bởi nhu cầu tuyển dụng đã “bão hòa”. Nhất là ngành sư phạm khi Nhà nước áp dụng chế độ miễn giảm học phí từ nhiều năm trước cho sinh viên ngành này, thì tình trạng đua nhau học nghề sư phạm mà thiếu sự tư vấn, định hướng dẫn đến chỉ tiêu xét tuyển hàng năm chỉ đếm trên đầu ngón tay mà hồ sơ dự tuyển cao gấp vài chục lần! Việc thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39 - NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị định số 108/NĐ - CP của Chính phủ về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức viên chức là khó khăn trong việc bố trí việc làm cho sinh viên tốt nghiệp.

Trở lại với việc sinh viên không tìm được việc làm đúng ngành đào tạo thì nguyên nhân chủ yếu là do thiếu định hướng hoặc định hướng không phù hợp dẫn đến quyết định sai ngành học và người học chính là người chịu thiệt thòi. Bởi thực tế quyết định học ngành gì, thị trường nào phần lớn vào quyết định của các bậc phụ huynh. Với tâm lý che chở, mong cho con làm những việc nhàn hạ, có “danh” như: Sư phạm, kỹ sư, bác sỹ khiến cha mẹ thường thiên về những ngành học “an toàn”. Mặt khác, bộ phận không nhỏ các bạn trẻ học theo phong trào, học các ngành “hot” để theo kịp bạn bè chưa cân nhắc, tính đến sau khi tốt nghiệp sẽ ra sao, cơ hội việc làm như thế nào cũng đang khá phổ biến. Chính vì vậy, khi hỏi khá nhiều sinh viên khi lựa chọn học nghề y hay nghề kế toán, ngân hàng thì chúng tôi đều nhận được câu trả lời kiểu, ngày đó rủ nhau đi… thi mà quên mất một điều rằng, trong số ấy không phải ai ra trường cũng có cơ hội xin được việc làm.

Trong khi các trường chuyên nghiệp vẫn đào tạo theo cơ chế thị trường, thì cần tăng cường công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh trước mỗi kỳ tuyển sinh giúp các em nhận thức đúng đắn hơn việc học tập và cơ hội học tập, việc làm; nhu cầu lao động của xã hội để chọn ngành nghề học phù hợp... Đó cũng được xem là một trong những giải pháp nhằm giảm tình trạng sinh viên tốt nghiệp các chuyên nghiệp không tìm được việc làm đúng ngành nghề đào tạo, cơ cấu lại chất lượng nguồn nhân lực phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bài, ảnh: Minh Thùy
Bình luận
Back To Top