Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho học sinh

14:04 - Thứ Hai, 10/04/2017 Lượt xem: 5556 In bài viết
ĐBP - Có mặt tại bếp ăn của Trường Tiểu học Nặm Lịch, xã Nặm Lịch, huyện Mường Ảng vào giờ ăn trưa của học sinh bán trú, chúng tôi thấy bếp ăn được sắp xếp ngăn nắp, sạch sẽ thoáng mát; dụng cụ chế biến, đồ dùng để thức ăn đều được lau rửa sạch sẽ, sắp xếp gọn gàng, khô thoáng trên các kệ, tủ theo quy định... Chị Lò Thị Thỏa, nhân viên phục vụ, chia sẻ: Để các cháu có bữa ăn ngon, đảm bảo dinh dưỡng và VSATTP, mỗi khi nấu ăn tôi đều kiểm tra kỹ thực phẩm, dụng cụ nấu ăn và rửa tay sạch trước khi chế biến đảm bảo sạch sẽ, gọn gàng và an toàn. Đồng thời, chủ động đậy kín thức ăn không bị bụi, ruồi, muỗi bay vào gây mất vệ sinh trước khi học sinh dùng bữa.

Thầy Nguyễn Văn Tuyển, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Hiện Trường có 72/384 học sinh ăn bán trú, chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Nhận thức rõ VSATTP có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của học sinh, do đó Trường chú trọng sửa sang nhà bếp, khu vực nhà ăn, các công trình phụ hợp vệ sinh... Với khu vực bếp ăn được xây dựng theo quy trình một chiều và được chia thành các khu riêng biệt (khu chứa đựng nguyên liệu, chế biến thực phẩm tươi sống, nấu ăn và để các thức ăn đã nấu chín, khu xử lý rác thải); trang thiết bị bảo quản thức ăn được trang bị đầy đủ (tủ lạnh, tủ lưu trữ mẫu thức ăn, tủ bảo quản thức ăn đã nấu chín...). Đặc biệt, để có nguồn thực phẩm sạch, nguyên chất, Trường kí hợp đồng nhập thực phẩm từ một số cơ sở có uy tín, giấy chứng nhận VSATTP, tuyệt đối không mua các thực phẩm không rõ nguồn gốc; thành lập tổ VSATTP, phân công các tổ viên giám sát chặt chẽ quy trình nấu ăn cũng như chất lượng bữa ăn cho học sinh; chủ động thay đổi khẩu phần ăn cho học sinh theo từng bữa, đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng trong từng bữa ăn.

 

Tiết học của học sinh điểm trường Pá Khôm, Trường Tiểu học Nặm Lịch.

Đối với nhân viên nấu ăn, Trường đảm bảo có giấy chứng nhận VSATTP do Phòng Y tế cấp, kiểm tra sức khỏe định kỳ; được tập huấn kỹ năng nấu ăn theo quy trình một chiều... Trước khi chế biến thực phẩm, nhân viên cấp dưỡng phải rửa sạch dụng cụ đun nấu tránh tình trạng dụng cụ chế biến bị mốc, nhiễm khuẩn; không để thực phẩm chín tiếp xúc với thực phẩm sống; kiểm tra thực phẩm nhập vào để phát hiện những thực phẩm không đảm bảo chất lượng. Đặc biệt, bếp ăn phải đảm bảo ánh sáng, thoáng mát, lau dọn sạch sẽ, gọn gàng hợp vệ sinh... Nếu phát hiện không an toàn, báo cáo lên Ban Giám hiệu nhà trường để kịp thời xử lý.

Cùng với đó, nhà trường cũng đẩy mạnh việc tuyên truyền tới đội ngũ giáo viên và học sinh thông qua các buổi ngoại khóa để lựa chọn cho mình những thực phẩm tốt nhất. Cụ thể là, hướng dẫn học sinh cách ăn uống khoa học, hợp vệ sinh; đối với học sinh cần rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi vệ sinh. Đồng thời, Trường cũng phân công các thầy, cô quản lý học sinh chặt chẽ, tránh tình trạng trong giờ ra chơi các em tự ra ngoài mua phải thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc. Với cách làm đó, nhiều năm nay Trường không có trường hợp ngộ độc thực phẩm nào xảy ra.

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top