Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

09:39 - Thứ Tư, 12/04/2017 Lượt xem: 5516 In bài viết
ĐBP - Xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt; thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tập trung nâng cao chất lượng dạy và học các cấp, từng bước đổi mới giáo dục theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực người học… Qua đó, góp phần không nhỏ vào quá trình nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài của tỉnh nhà.

Năm học 2016 - 2017, ngành GD&ĐT quản lý 522 trường, trung tâm với 7.312 lớp, 177.344 học sinh, sinh viên. Ông Nguyễn Sỹ Quân, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Để nâng cao chất lượng dạy và học, ngành xác định đội ngũ cán bộ giáo viên đóng vai trò then chốt. Ngành tổ chức rà soát, xây dựng đội ngũ theo hướng chuẩn hóa về trình độ đào tạo. Việc thực hiện các nhiệm vụ về đào tạo, bồi dưỡng được tiến hành bài bản, thống nhất từ cơ quan quản lý đến cơ sở dựa trên đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ, nhu cầu đào tạo và bố trí, sử dụng cán bộ. Nhờ đó mà đến nay, 100% giáo viên mầm non trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn; tỷ lệ này ở cấp tiểu học, THCS, THPT đều đạt trên 97%. Toàn ngành hiện có 303 cán bộ, quản lý, giáo viên có trình độ trên đại học (6 tiến sỹ, 297 thạc sỹ); 522 cán bộ quản lý có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên. Hiện tại, ngành đang phối hợp tổ chức mở 5 lớp đào tạo trình độ thạc sĩ cho 130 cán bộ quản lý, giáo viên; mở 1 lớp trung cấp lý luận chính trị cho 57 cán bộ quản lý, giáo viên trong diện quy hoạch.

 

Giờ học môn tiếng Anh của cô và trò Trường PTDTBT THCS Ma Thì Hồ, huyện Mường Chà. Ảnh: Mai Giáp

Đồng thời, ngành GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo, thực hiện hiệu quả các hình thức và phương pháp dạy học, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn tiện cho học sinh. Toàn tỉnh đã xây dựng được 272/509 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia, tăng 8 trường so với năm học trước. Tỷ lệ trường chuẩn quốc gia của tỉnh đứng thứ 1/7 tỉnh biên giới phía Bắc thuộc cụm thi đua số 1 (gồm các tỉnh: Lạng Sơn, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng). Ngoài ra, đối với giáo dục mầm non, ngành chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt công tác bán trú cho trẻ tại trường với nhiều hình thức sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế để tổ chức ăn trưa và nâng cao chất lượng bữa ăn cho trẻ tại trường. Hiện nay, 100% trường mầm non tổ chức bán trú cho trẻ, số trẻ bán trú tại trường đạt 96,4%. Nhờ đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở các độ tuổi giảm; suy dinh dưỡng thể nhẹ cân còn 5,4%, suy dinh dưỡng thể thấp còi 6,4%, thấp hơn 2 - 3% so với các tỉnh trong cùng khu vực. Đối với giáo dục phổ thông, ngành tăng cường các hình thức, phương pháp giáo dục toàn diện trong và ngoài nhà trường; đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo hướng tích cực hóa hoạt động của người học nhằm phát huy khả năng sáng tạo, hứng thú học tập. Bên cạnh đó, ngành chú trọng bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo kiến thức cho học sinh yếu kém; vận động học sinh ra lớp, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, đi học không chuyên cần (trẻ 11 - 14 tuổi học THCS đạt 94,8%; trẻ 15 tuổi vào lớp 10 đạt 57,4%...). Chất lượng giáo dục phổ thông cũng được ngành đánh giá thực chất. Năm 2016, học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 98,7%; tốt nghiệp THCS đạt 99,7%; tốt nghiệp THPT quốc gia đạt 92,57%.

Một trong những điểm mạnh của ngành GD&ĐT đó là phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT); mở rộng hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT). Từ năm 2009, Điện Biên là tỉnh đầu tiên trong cả nước xây dựng Đề án và tổ chức thành công việc nâng cấp các trường PTDTNT huyện từ cấp THCS lên cấp THPT. Đến nay, toàn tỉnh có 9 trường PTDTNT; trong đó, 1 trường cấp tỉnh, 8 trường cấp huyện; 8/9 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số học tại các trường DTNT chiếm trên 5% tổng số học sinh dân tộc thiểu số cấp trung học toàn tỉnh. Hàng năm, học sinh xếp loại hạnh kiểm tốt, khá đạt trên 98%; tốt nghiệp ở 2 cấp học THCS và THPT đạt 100%; trên 60% học sinh tốt nghiệp THPT thi đỗ và theo học tại các trường đại học, cao đẳng. Cùng với đó, hệ thống trường PTDTBT cũng từng bước được mở rộng. Đến nay, toàn tỉnh có 127 trường PTDTBT (70 trường cấp tiểu học, 57 trường THCS), tăng 9 trường so với năm học trước. Song song với mở rộng quy mô, chất lượng các mặt giáo dục của học sinh các trường PTDTBT được nâng lên rõ rệt, góp phần phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc của tỉnh.

Mặc dù còn không ít những khó khăn về cơ sở vật chất, mạng lưới trường lớp học, chế độ chính sách… nhưng với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua cho thấy sự nỗ lực của ngành GD&ĐT nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục các cấp, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hải Phong
Bình luận
Back To Top