Quan tâm đời sống học sinh đồng bào dân tộc thiểu số

08:18 - Thứ Ba, 25/04/2017 Lượt xem: 5922 In bài viết
ĐBP - Mường Chà có trên 66% dân số là đồng bào dân tộc Mông; hơn 15% dân tộc Thái; gần 6% là dân tộc Khơ Mú… Để nâng cao tỷ lệ chuyên cần và chất lượng giáo dục trên địa bàn, huyện Mường Chà luôn quan tâm, thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách cho học sinh, đặc biệt là học sinh đồng bào dân tộc thiểu số.

Trường PTDTBT THCS Mường Mươn - một “điểm sáng” trong việc thực hiện công tác bán trú, đáp ứng đầy đủ chế độ, chính sách cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số và chú ý rèn luyện kỹ năng sống cho các em học sinh. Chứng kiến cuộc sống của học sinh nơi đây, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên và xúc động trước sự tự giác sắp xếp chăn màn gọn gàng sau khi ngủ dậy, tự đánh răng, rửa mặt, làm vệ sinh cá nhân… Em Lý Thị Chía, lớp 8C3, chia sẻ: “Ở đây, em được ăn, ở, sinh hoạt, học tập ngay tại trường và có thể yên tâm tập trung cho nhiệm vụ học tập, đến lớp chuyên cần hơn. Ngoài giờ học trên lớp, tối đến chúng em được các thầy cô hướng dẫn học bài, làm bài tập, cũng như trao đổi kiến thức với các bạn trong nhóm. Không chỉ quan tâm việc học tập, ngoài giờ lên lớp, chúng em lại cùng thầy cô, các bạn tham gia chơi các môn thể thao và làm đất, trồng thêm rau xanh các loại để cải thiện bữa ăn, đảm bảo dinh dưỡng.”

 

Giờ học Ngữ văn của học sinh Trường PTDTBT THCS Mường Mươn.

Cô giáo Nguyễn Thị Yến, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Năm học 2016 – 2017, trường có trên 330 học sinh, trong đó gần 180 học sinh bán trú. Đối với học sinh bán trú, nhà trường luôn quan tâm, chăm sóc cho các em từ bữa ăn, giấc ngủ đến việc học tập. Nhà trường yêu cầu nhân viên nhà bếp thường xuyên thay đổi các món ăn, song vẫn phải đầy đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh, giúp các em có sức khỏe tốt để học tập. Ở nội trú, các em bước vào một cuộc sống mới hoàn toàn nên khó tránh khỏi những bỡ ngỡ; vì vậy, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao để thu hút các em. Những hoạt động sôi nổi, phù hợp với học trò đã giúp các em nhanh chóng hoà nhập vào cuộc sống tập thể đầy mới mẻ. Không chỉ dùng thể thao, văn nghệ để thu hút các em, Ban Giám hiệu nhà trường còn xác định, các hoạt động ngoài giờ chính là môi trường tốt để rèn kỹ năng sống cho học sinh. Mỗi buổi chiều, các em học sinh bán trú lại tập trung trồng và chăm sóc vườn rau. Bạn thì làm cỏ, bạn xách nước tưới, bạn trồng thêm rau mới, đã tạo nên một khu vườn xanh tốt.

Là phụ huynh học sinh, anh Giàng A Lử, bản Pú Múa (xã Mường Mươn) tâm sự: Gia đình anh có 3 cháu đang độ tuổi đi học. Trong đó, một cháu đang học lớp 9, Trường PTDTBT THCS Mường Mươn, một cháu học lớp 5, Trường Tiểu học Mường Mươn và một cháu học Trường Mầm non tại bản Pú Múa. Hiện nay, 2 cháu học lớp 9 và lớp 5 được ăn, ngủ và học tập tại trường; được các thầy cô tận tình dạy dỗ, chăm sóc.

 

Các thầy, cô và nhân viên Trường PTDTBT THCS Mường Mươn chuẩn bị bữa ăn cho học sinh.

Ông Nguyễn Khắc Thiện, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Chà, cho biết: Toàn huyện hiện có 26 trường có học sinh bán trú (15 trường tiểu học, 11 trường THCS); trong đó có 9 trường học PTDTBT THCS, 8 trường PTDTBT tiểu học và hơn 3.700 học sinh bán trú. Thời gian qua, đơn vị luôn quan tâm đúng mức đến công tác giáo dục và chế độ học sinh bán trú. Đơn vị tập trung lãnh, chỉ đạo các trường có học sinh bán trú và các trường PTDTBT quản lý tốt việc ăn, ở, sinh hoạt của học sinh. Thường xuyên đôn đốc học sinh vệ sinh cá nhân và vệ sinh khu nội trú theo thời gian biểu hàng ngày. Các thầy, cô giáo hướng dẫn học sinh trong mọi hoạt động sinh hoạt, tổ chức các hoạt động tập thể, tổ chức lao động sản xuất nhằm cải thiện bữa ăn, mua sắm đồ dùng sinh hoạt cho học sinh. Phòng chỉ đạo giáo viên các trường tích cực thay đổi phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng học sinh, xây dựng môi trường học tập thân thiện, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh. Nhờ đó, các trường có học sinh bán trú và các trường PTDTBT trên địa bàn huyện đã đảm bảo đầy đủ các chế độ, chính sách hỗ trợ cho học sinh dân tộc thiểu số, giúp các em yên tâm đến trường học chữ, nâng cao tỷ lệ học sinh ra lớp và đảm bảo tỷ lệ chuyên cần; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện.

Bài, ảnh: Quang Hưng
Bình luận
Back To Top