Trường THPT Nậm Pồ

Vượt qua những ngày gian khó

10:00 - Thứ Tư, 26/04/2017 Lượt xem: 5648 In bài viết
ĐBP - Để được đến trường, các em trong độ tuổi THPT ở các xã: Nà Hỳ, Nà Khoa, Nà Bủng, Vàng Đán… (huyện Nậm Pồ) phải theo học tại Trường THPT Chà Cang, cách xa nhà hàng chục đến cả trăm cây số, vài ba tháng mới về thăm nhà một lần. Thậm chí nhiều em chỉ có thể về nhà vào dịp hè, nghỉ lễ tết. Và còn không ít trường hợp học sinh phải nghỉ học giữa chừng bởi đường xa, cách trở. Nhưng từ khi Trường THPT Nậm Pồ thành lập đã giảm bớt khó khăn trên con đường đến trường của học sinh nơi đây.

Năm học đầu tiên, Trường tuyển sinh 5 lớp khối 10 với 211 học sinh, vượt hơn 150% chỉ tiêu Sở Giáo dục và Đào tạo giao (4 lớp với 140 học sinh). Có trên 30 em nghỉ học giữa chừng do không có điều kiện học xa nhà cũng đăng ký học lại khi Trường THPT Nậm Pồ mở tại xã Nà Hỳ. Tuy nhiên, do thiếu cơ sở vật chất nên thầy và trò nhà trường phải đối mặt với nhiều thách thức. Trường phải mượn phòng học và phòng làm việc của Trường Phổ thông bán trú THCS Nà Hỳ; chủ yếu học ca chiều, do thiếu phòng nên khó tổ chức các hoạt động bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh yếu kém. Khó khăn lớn nhất của nhà trường là không có nhà nội trú cho học sinh, trong khi 173 em ở xa phải trọ học. Để giúp học sinh yên tâm học tập, nhà trường xây dựng mô hình quản lý học sinh trọ học ở nhà dân theo hình thức như quản lý học sinh bán trú trong trường học.

 

Học sinh Trường THPT Nậm Pồ ôn bài tại khu trọ.

Trước khi vào năm học mới, cán bộ, giáo viên đã liên hệ các nhà dân gần trường, có không gian rộng để thuê cho các em ở trọ tập trung thành 3 khu và cam kết về thời gian trả tiền thuê khi có chế độ hỗ trợ của Nhà nước. Các thầy, cô giáo còn mượn gỗ của nhân dân để làm giường tạm cho học sinh; tổ chức nấu ăn tập trung cho các em. Mỗi khu đều có giáo viên quản lý. Hầu hết giáo viên Trường THPT Nậm Pồ đều là người ngoài địa bàn đến công tác. Thầy, cô thường thuê nhà gần khu trọ của học sinh, vừa quản lý, nhắc nhở, hướng dẫn các em trong sinh hoạt và học tập, vừa san sẻ khó khăn, chăm sóc, động viên các em trong cuộc sống.

Cô Lò Thị Toán, giáo viên môn Hóa học cũng thuê nhà cùng chỗ với khu trọ của nhóm học sinh số 1, chia sẻ: “Học sinh nơi đây hầu hết là con em đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó đa số là hộ nghèo, thiếu sự quan tâm của gia đình, vì vậy các em cũng thiếu động cơ học tập. Ở gần các em, tôi thường xuyên trò chuyện để hiểu tâm tư, hoàn cảnh gia đình từng em. Từ đó, có thể tư vấn, đưa ra lời khuyên, và động viên khích lệ các em vượt lên khó khăn, xác định mục tiêu học tập”.

Em Cháng A Páo, lớp 10A1 kể, ngoài giờ lên lớp, thầy cô còn hướng dẫn chúng em làm bài tập. Khi chúng em ốm hay gặp vấn đề gì, các giáo viên quản lý khu trọ và thầy cô ở gần đây đều quan tâm chăm sóc. Vì vậy, em thấy có động lực học tập hơn”. Em Sùng A Sáng, bản Vàng Đán 1, xã Vàng Đán cũng nhờ có môi trường học tập này mà tiếp tục được đến trường. Sáng đã nghỉ học 1 năm do việc gia đình và do trường THPT quá xa nhà. Năm học này, được thầy cô động viên, em đi học lại và được chọn vào đội tuyển ôn thi học sinh giỏi môn Toán cấp tỉnh của Trường. Sáng cho biết: “Trường đặt ở Nà Hỳ nên cách nhà chỉ hơn 20km, vì vậy hàng tháng bố mẹ em đều xuống thăm, em cũng thường xuyên về nhà vào dịp cuối tuần. Còn khi ở trường thì được thầy cô, bạn bè quan tâm, giúp đỡ nên tinh thần em luôn thoải mái, tập trung cho việc học. Giờ đây, ước mơ đến trường đã thực hiện được, em sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để đạt kết quả học tập thật tốt”.

Tuy thiếu thốn cơ sở vật chất nhưng các hoạt động phong trào vẫn được nhà trường quan tâm và đạt nhiều thành tích, như: Tổ chức nói chuyện chuyên đề về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; học sinh tham gia và đoạt giải cao trong Hội thi Giáo dục quốc phòng an ninh cấp THPT và Cuộc thi Giai điệu Tuổi hồng tỉnh năm 2017. Gần 1 năm học trôi qua, các em học sinh đã quen với cuộc sống mới, chuyên tâm hơn cho việc học, dần khẳng định được lực học và sự sáng tạo với 2 giải khuyến khích Hội thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh, 22 học sinh tham gia dự thi học sinh giỏi cấp tỉnh… Thầy Lương Đình Tuấn, Phó Hiệu trưởng Phụ trách Trường THPT Nậm Pồ, chia sẻ: Thầy và trò nhà trường đã cùng nhau vượt qua những ngày đầu gian khó. Đặc biệt, năm học 2017 - 2018, ngôi trường mới sẽ khánh thành thầy, trò nhà trường không còn phải mượn phòng, lớp học, ở tạm nhà dân, học sinh sẽ có điều kiện sinh hoạt, học tập tốt hơn.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top