Nỗ lực xóa mù chữ ở vùng cao

09:41 - Thứ Tư, 03/05/2017 Lượt xem: 7033 In bài viết
ĐBP - Những lớp học dành cho người lớn tuổi sáng điện mỗi tối, râm ran tiếng đọc chữ, cộng - trừ - nhân - chia đã không còn xa lạ ở các bản vùng cao trong tỉnh ta. Nhiều năm nay, các lớp xóa mù chữ (XMC), giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ liên tục được mở khắp các huyện có vai trò quan trọng nâng cao dân trí cho người dân. Khi họ có con chữ, việc tiếp nhận chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hay học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt cũng trở nên dễ dàng hơn…

Trong năm 2016, toàn tỉnh đã mở 135 lớp, trong đó 41 lớp với 873 học viên học chương trình XMC (tương đương với chương trình thu gọn lớp 1, 2, 3); 93 lớp với 1.952 học viên học chương trình giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ (chương trình thu gọn lớp 4, 5). Các lớp học thường được tổ chức “cuốn chiếu” theo thôn, bản, thu hút được nhiều thành phần, lứa tuổi: Thanh niên, phụ nữ, trung niên và cả các cụ già. Cũng không hiếm gặp hình ảnh nhiều ông bố, bà mẹ đưa con nhỏ đến lớp vừa trông con vừa học. Lớp học tiếp tục sau khi biết chữ tại bản Huổi Sang, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ cũng vậy. Lớp được mở từ cuối năm 2016, chỉ diễn ra vào buổi tối bởi người dân còn bận rộn với ruộng nương. Những đôi bàn tay ban ngày cầm dụng cụ lao động, tối đến lại tập cầm bút, nắn nót từng nét chữ. Lớp có 16 học viên, người cao tuổi nhất đã 50, trẻ nhất vừa mới bước sang tuổi 18. Họ đến đây cùng với mong muốn đọc thông viết thạo, biết tính toán để tìm cơ hội thay đổi cuộc sống và học cách giao thương buôn bán khi con đường từ Km45 (quốc lộ 4H) vào trung tâm xã Nà Hỳ chạy qua gần bản. Ông Giàng A Súa là người cao tuổi nhất, cũng là một trong những học viên chăm chỉ nhất lớp, chia sẻ: “Ngày nhỏ, tôi cũng được đi học, nhưng sớm nghỉ giữa chừng, lâu dần giờ quên gần hết chữ rồi. Tham gia lớp học, tôi đã biết đọc, biết viết thành thạo. Sau này có thể kèm cháu nhỏ học bài; bán thóc, ngô, con gà, con vịt mà không lo tính sai nữa”. Vừa nói ông vừa mở quyển vở của mình ra cho chúng tôi xem với vẻ tự hào chất phác.

 

Lớp học giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ tại bản Huổi Sang, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ.

Tiếp tục công tác phổ cập giáo dục - XMC, năm 2017, Sở Giáo dục và Đào tạo đồng ý cho Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện Tuần Giáo, Điện Biên Đông, Mường Chà mở 69 lớp XMC và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ cho 1.606 học viên. Các huyện, thị khác vẫn đang rà soát, làm tờ trình, tiếp tục đăng ký mở lớp. Ngay khi có quyết định phê quyệt, huyện Điện Biên Đông đã bắt tay vào triển khai thực hiện. Anh Trần Anh Huy, chuyên viên phụ trách mảng phổ cập giáo dục - XMC Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên Đông, cho biết: Rất nhiều người dân có nhu cầu tham gia lớp học nhưng tại một số bản, việc vận động ra lớp vẫn gặp khó khăn bởi đây là lực lượng lao động chính của gia đình và bà con quen canh tác, ăn nghỉ trên nương dài ngày. Vì vậy các trường được phân công mở lớp tích cực phối hợp cùng chính quyền địa phương, các trưởng bản tuyên truyền đến từng hộ dân, một số nơi còn phải linh hoạt lồng ghép với lớp dạy nghề hoặc dạy chữ viết dân tộc để thu hút học viên. Mỗi lớp có 2 giáo viên phụ trách, trong đó giáo viên tiểu học cắm bản được giao nhiệm vụ chính. Nhờ vậy, từ tháng 2, huyện đã huy động được 202 học viên độ tuổi 15 - 35, thuộc 6 xã tham gia học tập (chia thành 13 lớp tổ chức ngay tại bản). Hiện tại, sỹ số vẫn duy trì ổn định. Một số điểm còn thu hút được thêm nhiều người ngoài độ tuổi đến nghe, tham gia lớp học khi không vướng bận công việc”.

Trao đổi với bà Nguyễn Thị Thúy, Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên và chuyên nghiệp (Sở Giáo dục và Đào tạo), được biết: “Nhờ các lớp học XMC, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, tỷ lệ người biết chữ trong các độ tuổi ngày càng được nâng lên. Hiện toàn tỉnh có 86/130 đơn vị cấp xã đạt chuẩn XMC mức độ 1; 44/130 đơn vị cấp xã đạt chuẩn XMC mức độ 2. Năm 2017, ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phấn đấu XMC cho khoảng 3.000 người, 57/130 đơn vị cấp xã đạt chuẩn XMC mức độ 2. Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng công tác phổ cập giáo dục - XMC còn gặp không ít khó khăn do cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa sâu sát; nhận thức của một bộ phận người dân chưa đầy đủ, nhu cầu học tập chưa cao… Cùng với đó những diễn biến phức tạp của di dịch cư tự do và tuyên truyền đạo trái pháp luật đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc huy động, duy trì số lượng học sinh”. Công tác XMC cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được xác định là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài và rất khó khăn. Vì vậy đòi hỏi sự quan tâm vào cuộc của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các nhà trường và của cả người học để dân trí toàn tỉnh ngày càng được nâng cao, góp phần thực hiện công bằng trong giáo dục, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top