Giáo viên, cán bộ quản lý quyết định thành bại của đổi mới giáo dục

15:12 - Thứ Sáu, 19/05/2017 Lượt xem: 5783 In bài viết
Khó khăn lớn nhất của việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới là khâu chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục. Lực lượng này sẽ quyết định sự thành bại của Chương trình.

Đây là ý kiến chia sẻ, góp ý thẳng thắn của các chuyên gia, nhà quản lý về dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể tại Hội thảo do Học viện Quản lý giáo dục tổ chức, ngày 18/5.

 

Ảnh minh họa.

Bồi dưỡng giáo viên dạy Chương trình mới

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến đánh giá, Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã thể hiện quan điểm lấy người học làm trung tâm, qua việc thiết kế các môn học, gia tăng sự lựa chọn cho người học về môn học, sách giáo khoa cũng như thay đổi hình thức kiểm tra đánh giá.

PGS.TS Trần Ngọc Giao, nguyên Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục khẳng định, dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã được xây dựng theo định hướng đổi mới căn bản toàn diện mà Nghị quyết 29 của Trung ương và Nghị quyết 88 của Quốc hội đã đề ra. Quy trình xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể là tương đối rõ ràng, có tính hệ thống từ khâu xác định quan điểm tiếp cận, mục tiêu, yêu cầu, kế hoạch giáo dục đến định hướng nội dung, phương pháp, đánh giá và điều kiện thực hiện Chương trình.

Những yêu cầu về các phẩm chất chủ yếu, các năng lực cốt lõi cần hình thành cho học sinh được coi là căn cứ xây dựng chương trình môn học, biên soạn sách giáo khoa và tài liệu hướng dẫn tổ chức dạy học, đánh giá kết quả giáo dục học sinh và chất lượng giáo dục phổ thông.

Tuy nhiên, về điều kiện thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông, GS. Nguyễn Đức Chính, nguyên Phó Giám đốc ĐHQGHN cho rằng, khó khăn lớn nhất của việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới là khâu chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục. Đây là lực lượng quyết định thành bại của chương trình.

GS. Nguyễn Đức Chính đề nghị, cần bổ sung vào điều kiện thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông phần về đổi mới đào tạo giáo viên ở các trường/khoa sư phạm. Tính toán ngân sách, tăng định biên giáo viên/số lượng học sinh (có sự tiếp thu các kinh nghiệm của nước ngoài) nhằm hiện thực hóa các mục tiêu.

Đặc biệt, công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên để giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông mới cần được tiến hành khẩn trương, nhất là các môn học và hoạt động giáo dục có nội dung mới so với Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.

Cần đổi mới căn bản tư duy về giáo dục

Đánh giá việc chuyển nền giáo dục từ chủ yếu truyền đạt kiến thức sang nền giáo dục chủ yếu rèn luyện phẩm chất năng lực là một chủ trương đúng đắn, GS. Nguyễn Đức Chính cho rằng, để thực hiện chủ trương này cả hệ thống giáo dục phải đổi mới căn bản tư duy về giáo dục, về quản lý giáo dục.

“Trong công cuộc cách mạng này vai trò của hiệu trưởng với tư cách là chỉ huy trưởng của một đơn vị tác chiến trực tiếp, quyết định thành bại trên mặt trận của mình”, ông Chính cũng nhấn mạnh.

Cùng quan điểm này, theo TS. Nguyễn Liên Châu (Học viện Quản lý giáo dục), đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục phổ thông cần được học tập lý luận nội dung đổi mới. Việc mở các lớp bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục phổ thông hiện nay cần tổ chức lớp theo vị trí việc làm và chức danh quản lý.

TS. Nguyễn Thị Thanh, Khoa Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục) cho rằng, khi triển khai hoạt động giáo dục theo chương trình mới, việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu của chương trình đã là một nhiệm vụ cấp bách. Theo yêu cầu, mỗi giáo viên phải luôn năng động, sáng tạo trong cách tổ chức thực hiện nhiệm vụ, đồng thời cũng phải khuyến khích học sinh tư duy phản biện và tư duy sáng tạo.

Do vậy mỗi giáo viên phải có sự thay đổi tư duy, đổi mới cách dạy học. Từ nhận thức đến năng lực hành động của giáo viên đều cần phải được đào tạo và bồi dưỡng nghiêm túc.

Trong nội dung chương trình cần lưu ý những nội dung hướng dẫn cách phân cấp, phân quyền trong nhà trường để mỗi tổ chức trong nhà trường như tổ chuyên môn hoặc cá nhân mỗi giáo viên được tự chủ, linh hoạt và sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ. Về phương thức quản lý cũng nên chuyển từ việc quản lý giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện sang quản lý kết quả để nâng cao tính chủ động cho đội ngũ…

Theo Chinhphu.vn
Bình luận
Back To Top