Giáo dục Nậm Pồ sau 4 năm tạo dựng

09:18 - Thứ Năm, 25/05/2017 Lượt xem: 8302 In bài viết
ĐBP - Dịp này, cũng như cả tỉnh và cả nước, ngành Giáo dục - Đào tạo (GD&ĐT) huyện Nậm Pồ đang bận rộn với việc chuẩn bị tổng kết năm học 2016-2017. Nhanh thật, vừa đó mà đã sắp qua 4 năm học với bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu ký ức, bao nhiêu việc đã làm và cả những kế hoạch, dự định còn dang dở chưa thành...

... Không quản mệt mỏi bởi chuyến kiểm tra cuối năm học tại mấy xã vùng biên giới Việt - Lào, các thầy các cô trong ban lãnh đạo Phòng GD&ĐT dành cho chúng tôi mấy giờ làm việc ngay chiều hôm trở về. Để rồi, đêm vùng cao thẳm sâu và buồn man mác, nằm trong nhà khách UBND huyện, tôi nghe suối Nậm Pồ reo réo chảy bởi những trận mưa đầu mùa. Điểm lại những thông tin nhận được sau buổi làm việc với lãnh đạo Phòng chiều nay, tôi có cảm giác tiếng suối như những con chữ đang khắc khoải cựa mình trong da diết kiếm tìm. Câu chuyện của thầy Nguyễn Xuân Thuận - Bí thư Chi bộ, Trưởng phòng GD&ĐT - bắt đầu từ thời điểm cách đây 4 năm, lúc huyện Nậm Pồ được chia tách và thành lập (06/2013); với “hành trang” ban đầu là 37 trường học thuộc 3 cấp giáo dục (mầm non, tiểu học và THCS). Trong đó, không ít điểm trường, điểm lớp sơ sài, tạm bợ đến mức nếu chỉ nghe kể tả thì thật khó tin đó lại là “hạ tầng cơ sở” của một điểm giáo dục giữa thời “công nghệ số”. Nhiều trường phòng học cũ nát, xiêu vẹo, không chắc qua được một năm học; chỉ 8/37 trường tạm đủ điều kiện tổ chức ăn, ở bán trú cho học sinh, 4/37 trường đạt chuẩn quốc gia tiểu học và trung học cơ sở (2 trường thuộc xã Chà Nưa và 2 trường thuộc xã Si Pa Phìn). Trong hoàn cảnh như thế, việc duy trì sỹ số học sinh đã là một thách thức, huống hồ là mục tiêu đảm bảo học sinh học tập chuyên cần khi mà nhiều em nhà cách trường mấy chục cây số đường rừng.

 

Một giờ giáo dục thể chất (thể dục) tại Trường THCS Chà Nưa - Phòng GD&ĐT huyện Nậm Pồ. Ảnh: Quàng Văn Trung

Trên cơ sở những thống kê rà soát, Phòng GD&ĐT đã tham mưu cho UBND huyện tổ chức Hội nghị giao ban giáo dục bàn về công tác xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học, huy động học sinh ra lớp, chuẩn bị cho năm học mới đầu tiên (2013-2014) trên địa bàn huyện. Hội nghị gồm có đại biểu là lãnh đạo chủ chốt các xã, bản, hiệu trưởng các trường trực thuộc... để mọi người thấy được thực trạng trường, lớp học, số học sinh nghỉ học hiện tại của đơn vị mình, so sánh với các đơn vị khác và tiến hành thảo luận, trao đổi, chất vấn tìm hiểu nguyên nhân đi đến thống nhất, phận định rõ trách nhiệm của trường, của bản, của xã trong công tác giáo dục. Ngay ở năm học đầu tiên, toàn huyện cần triển khai tu bổ và nâng cấp trên 130 phòng học, 110 phòng nội trú học sinh; đồng thời làm mới gần 70 phòng học, 190 phòng nội trú, bếp ăn cho học sinh. Trong khi huyện thì nghèo, đường đất xa xôi cách trở, kinh phí đầu tư nói chung và cho giáo dục nói riêng rất hạn hẹp, tập thể lãnh đạo Phòng đều là những cán bộ trẻ được điều về từ những huyện khác nhau. Nhất là trong nhận thức của nhiều bậc phụ huynh, giáo dục chưa được coi trọng đúng tầm mức, vấn đề học hành của con em chưa được xem như một nhu cầu bức thiết, như một điều kiện để các cháu vào đời.

Rồi năm học đầu qua nhanh trên vùng đất khó, như thầy Nguyễn Xuân Thuận nhận xét một cách khiêm tốn là ngành GD&ĐT Nậm Pồ đã “vượt qua chính mình” bằng nhiều nguồn lực. Từ công tác xã hội hóa giáo dục, ngành đã huy động được trên 3,54 tỷ đồng đầu tư cho việc tu sửa, xây dựng trường lớp học. Tập thể giáo viên, phụ huynh và học sinh các trường đóng góp hơn 7.000 ngày công lao động, gần 380 mét khối gỗ, trên 920 mét khối sỏi, cát để xây dựng trường. Đương nhiên diện mạo của nhiều trường, lớp trong huyện được đổi thay, nhưng cái được lớn hơn là qua đây dần định hình một hướng đi, một cách làm mà chúng ta hay nói là những chủ trương phát triển, tạo đà cho chất lượng giáo dục - đào tạo ngày một ổn định và cao hơn. Không thỏa mãn với thành công ban đầu, tập thể ban lãnh đạo Phòng tiếp tục chụm đầu, tiếp tục bàn phương án tháo gỡ cho những khó khăn chưa qua và nhất là những khó khăn sắp tới... Năm học 2016-2017 toàn huyện có 48 trường học (kể cả một số trường chưa đi vào hoạt động và trường đề nghị thành lập đầu năm 2017) với 861 lớp = 17.472 học sinh. Trong đó: Cấp mầm non có 16 trường với 289 lớp = 5.682 học sinh; cấp tiểu học có 16 trường, với 416 lớp = 6.996 học sinh; cấp trung học cơ sở có 16 trường với 156 lớp = 4.794 học sinh.

 

Được sự ủy quyền của UBND tỉnh, đồng chí Điêu Bình Dương (người đứng giữa) - Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân có thành tích xuất sắc tại Hội nghị tổng kết năm học 2015-2016 Phòng GD-ĐT huyện Nậm Pồ.

Cô Hoàng Thị Bích - Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Nậm Pồ, cho biết: “Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc duy trì sỹ số học sinh ra lớp đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục, để nâng cao tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần, hàng tháng, các hội nghị giao ban do Phòng tổ chức, chính là nơi để lãnh đạo Phòng lắng nghe các ý kiến cụ thể và riết róng từ cơ sở, từ đó có những kế hoạch, biện pháp chỉ đạo sâu sát hơn, hiệu quả hơn”. Nhân nói về hội nghị giao ban, rất may dịp chúng tôi vào huyện công tác trùng với hôm Phòng GD&ĐT tổ chức Hội nghị giao ban tháng 5, năm học 2016-2017, vậy là chúng tôi được mời tham dự như những đại biểu không chính thức. Tại đây, tất cả các ý kiến thể hiện sự nhất trí cao với báo cáo đánh giá kết quả đã đạt được, cũng như những hạn chế trong việc thực hiện nhiệm vụ từ đầu học kì II đến nay; đồng thời tập trung vào việc bàn các giải pháp để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2016-2017. Phát biểu chỉ đạo của thầy Nguyễn Xuân Thuận - Trưởng phòng GD&ĐT - đã nhấn mạnh 8 nhiệm vụ trọng tâm thực hiện đến hết năm học; đó là công tác bàn giao chất lượng học sinh cuối năm, bàn giao cơ sở vật chất, công tác bán trú, quản lý tài chính, xây dựng trường chuẩn quốc gia, công tác tổ chức cán bộ, công tác thi đua và thu chi các loại quỹ, chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới 2017-2018...

Thầy giáo Quàng Văn Trung - chuyên viên mảng Trung học Cơ sở của Phòng GD&ĐT huyện Nậm Pồ, cho biết: Năm học này Phòng tiếp tục chỉ đạo các cấp học, các trường tích cực tham mưu với cấp ủy chính quyền địa phương trong công tác huy động duy trì số lượng học sinh. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa để tăng cường cơ sở vật chất phục vụ dạy và học. Triển khai thực hiện các cuộc vận động và phong trào thi đua gắn với từng trường. Tổ chức thành công Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, Hội thi học sinh giỏi các môn văn hóa lớp 9, các kỳ thi qua Internet, Hội thi “Giai điệu tuổi hồng” lần thứ II. Các cấp học đã thực hiện nghiêm túc nội dung chương trình giáo dục, tiếp tục thực hiện nội dung đổi mới dạy học tiếng Việt lớp 1 theo công nghệ giáo dục mô hình VNEN cấp tiểu học, mô hình trường học mới lớp 6, lớp 7. Dạy học và đánh giá theo định hướng năng lực và phẩm chất người học.

Để khép lại bài viết này, xin dẫn ý kiến đồng chí Nguyễn Văn Thái - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ - rằng: Từ ngày thành lập đến nay, ngành GD&ĐT huyện Nậm Pồ thường xuyên nhận được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Sở GD&ĐT tỉnh, của Huyện ủy, HĐND và UBND huyện Nậm Pồ; đặc biệt là sự cố gắng của đội ngũ cán bộ quản lý và các thầy giáo, cô giáo, viên chức và người lao động trong toàn ngành GD&ĐT huyện. Kết quả là hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học tiếp tục được đầu tư, nâng cấp cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy học và yêu cầu giáo dục phổ thông. Toàn huyện hiện có 834 phòng học (trong đó: 385 phòng kiên cố, 80 phòng bán kiên cố, 369 phòng ba cứng), có 249 phòng công vụ, 472 phòng nội trú; 37/48 trường có công trình nước sạch, công trình vệ sinh, 37/48 trường với tổng số 552 máy tính được nối mạng. Năm 2016 toàn huyện có 17 trường đạt chuẩn quốc gia; tổng số cán bộ, giáo viên thuộc huyện quản lý 1.599 người (trong đó: cấp Mầm non 438 người, Tiểu học 751 người, THCS 410 người). Đội ngũ cán bộ quản lý cũng như giáo viên cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học, từng bước nâng cao về chất lượng chuyên môn nghiệp vụ...

Rõ ràng sau 4 năm tạo dựng, ngành GD&ĐT Nậm Pồ đang từng ngày đổi thay, từng ngày tự khẳng định mình nhờ sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của các cấp, các ngành, các đoàn thể, tổ chức; mà trước hết là của chính quyền huyện và ngành chủ quản chức năng. Thêm vào đó là trí tuệ, công sức và tình yêu của tập thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên trong toàn huyện; là tấm lòng, sự chung tay góp sức của các bậc phụ huynh, các nhà hảo tâm và nỗ lực của chính các em học sinh. Vẫn biết con đường đi lên còn nhiều thử thách, nhưng tin rằng “vạn sự khởi đầu nan” đã qua và phía trước là những mùa quả ngọt đang chờ các thầy giáo, cô giáo cùng các em học sinh...

Trương Hữu Thiêm
Bình luận
Back To Top