Thay đổi tư duy về lựa chọn ngành nghề

10:21 - Thứ Sáu, 26/05/2017 Lượt xem: 6221 In bài viết
ĐBP - Toàn tỉnh có hơn 6.000 học sinh, sinh viên tốt nghiệp trình độ trung cấp chuyên nghiệp trở lên chưa có việc làm, chưa có việc làm ổn định, hoặc có việc làm nhưng không đúng ngành đào tạo. Cùng với nhận thức xã hội ngày càng cao, con số này đã bước đầu làm thay đổi tư duy, định hướng sau tốt nghiệp THPT của nhiều học sinh và phụ huynh trên địa bàn. Nhiều học sinh, phụ huynh đã hiểu: Đại học, cao đẳng không phải là “cánh cửa” duy nhất đi đến tương lai.

Em Phạm Như Quỳnh, lớp 12A2, Trường THPT TP. Điện Biên Phủ có ước mơ từ nhỏ là trở thành nhà thiết kế thời trang. Khi bước sang năm cuối cấp, đứng trước nhiều sự lựa chọn ngành nghề, trường học, tự thấy lực học bản thân đạt mức trung bình khá đến khá và có năng khiếu về vẽ nên Quỳnh đăng ký ngành thiết kế thời trang của Đại học Công nghiệp để theo đuổi ước mơ. Quỳnh chia sẻ: “Em nghĩ rằng, lựa chọn được ngành học phù hợp với năng lực và đam mê của mình thì sau này sẽ thành công hơn. Bố mẹ cũng không bắt em phải cố gắng vào những trường hay ngành học theo trào lưu mà cho tự quyết định”.

 

Học sinh Trường THPT TP. Điện Biên Phủ tìm hiểu một số ngành nghề tại Ngày hội Việc làm tỉnh lần thứ 2, năm 2017.

Không chỉ sớm lựa chọn được con đường cho mình, Phạm Như Quỳnh cùng các bạn trong lớp xây dựng Dự án “Thay đổi nhận thức học sinh Trường THPT TP. Điện Biên Phủ về lựa chọn nghề nghiệp”. Dự án đã đoạt giải ba Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2016 - 2017. Trong nội dung Dự án, Quỳnh cùng các bạn với sự giúp đỡ của cô giáo chủ nhiệm đã tổ chức cho cả lớp nhiều buổi tham quan, trải nghiệm tại các đơn vị, cơ sở kinh doanh dịch vụ, sản xuất trên địa bàn, như: Làng Trẻ em SOS Điện Biên Phủ, hiệu làm đẹp, làm tóc, xưởng sản xuất gạch không nung, xưởng sửa chữa ô tô... để hiểu hơn về một số ngành nghề, góp phần bộc lộ khả năng, sở thích, lựa chọn nghề nghiệp phù hợp.

Ngoài tạo điều kiện cho học sinh thực hiện Dự án trên, Trường THPT TP. Điện Biên Phủ còn có nhiều hoạt động mang tính giáo dục, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Cùng với các tiết học nghề, hướng nghiệp theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cuối buổi chào cờ hàng tuần, các câu lạc bộ theo môn học của trường lần lượt tổ chức trò chơi, đố vui, trao đổi, chia sẻ kiến thức trước toàn trường giúp học sinh thêm yêu các môn học, xác định được môn mình thích và mình giỏi. Các giáo viên chủ nhiệm cũng lồng ghép kiến thức về một số nghề nghiệp trong xã hội, giúp các em xác định năng lực bản thân thích hợp với ngành nghề gì trong giờ sinh hoạt, hoạt động ngoài giờ… Đoàn Thanh niên nhà trường tổ chức nhiều hoạt động thú vị, như cho các em trải nghiệm tại Lữ đoàn Bộ binh 82. Cô Phạm Thị Hà, Phó Hiệu trưởng Trường THPT TP. Điện Biên Phủ, cho biết: Thông qua các hoạt động, Trường giúp các em tự nhận ra được sở trường, năng khiếu của mình để lựa chọn ngành nghề phù hợp với bản thân và nhu cầu xã hội. Cơ bản học sinh trong trường đã xác định được ngành nghề cho mình; xu hướng các em thiên về khối C, D với các ngành khoa học xã hội; ngoài ra cũng có không ít học sinh đăng ký học nghề, chủ yếu là sửa chữa ô tô, các nghề kỹ thuật.

Không chỉ Trường THPT TP. Điện Biên Phủ, mà trên địa bàn toàn tỉnh nhiều học sinh cuối cấp và các bậc phụ huynh đã có sự thay đổi nhất định trong nhận thức, suy nghĩ “mở” hơn về lựa chọn ngành nghề. Dựa trên khả năng và sở thích bản thân, em Nguyễn Thị Thắm, lớp 12A7, Trường THPT huyện Điện Biên không đăng ký xét tuyển vào các trường chuyên nghiệp mà xác định học nghề may tại một cơ sở may mặc uy tín gần nơi sinh sống và được bố mẹ ủng hộ. Để có sự thay đổi này không thể không kể đến vai trò của các hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong trường học. Các em được tham gia chủ yếu 4 hình thức giáo dục, gồm: Hướng nghiệp qua dạy - học các môn văn hóa, hướng nghiệp qua dạy - học môn công nghệ, dạy nghề phổ thông và hoạt động lao động sản xuất, tổ chức hoạt động giáo dục hướng nghiệp và các hoạt động ngoại khóa khác. Trong đó, học nghề phổ thông và các tiết học giáo dục hướng nghiệp đã trở thành môn học chính khóa của học sinh. Hàng năm, giáo viên đều được tập huấn về nội dung này. Bên cạnh đó, 2 năm trở lại đây, UBND tỉnh tổ chức ngày hội việc làm thu hút nhiều người dân và cả học sinh THPT tham gia, là cơ hội tìm hiểu về một số ngành nghề cho các em.

Tuy nhiên để học sinh THPT có nhiều thông tin hữu ích hơn nữa thì vẫn cần thêm nhiều buổi trải nghiệm thực tế và giao lưu, trao đổi, trò chuyện trực tiếp ngay tại trường học với các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn về tính chất công việc, đặc điểm, đòi hỏi của một số ngành nghề cùng với tình hình thị trường lao động địa phương và dự báo nhu cầu việc làm để các em có cái nhìn toàn diện hơn, cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn con đường sau khi tốt nghiệp THPT.

Bài, ảnh: Bảo Anh
Bình luận
Back To Top