Phân luồng học sinh sau THCS

Cần giải pháp đồng bộ để đi đúng hướng

09:24 - Thứ Năm, 15/06/2017 Lượt xem: 4627 In bài viết
ĐBP - Dù thực hiện không ít các giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phân luồng học sinh sau THCS, song giai đoạn 2012 - 2016, toàn tỉnh mới chỉ có 7,9% học sinh tốt nghiệp THCS tham gia học nghề. Điều đó đã phần nào phản ánh thực trạng coi trọng bằng cấp, tâm lý muốn làm “thầy” không thích làm “thợ” của các phụ huynh, học sinh hiện nay và những “nút thắt” cần tháo gỡ trong công tác đào tạo nghề.

Có việc làm với mức thu nhập khá ổn định nhờ học nghề công nghệ ô tô tại Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên, em Trần Văn Thành (SN 1989) tại phường Thanh Bình (TP. Điện Biên Phủ) cho biết, lựa chọn học nghề sau tốt nghiệp THCS là hoàn toàn sáng suốt. Thành kể, bố mất sớm, mẹ đi bước nữa, Thành ở với ông bà nội. Cuộc sống gia đình không đến mức quá khó khăn để em phải nghỉ học sau khi tốt nghiệp THCS, nhưng vì muốn sớm học nghề để có việc làm nên Thành quyết tâm đăng ký học nghề dù để thuyết phục được ông bà là không dễ, vì trong gia đình ai cũng mong Thành học THPT rồi học đại học. Nhìn khá nhiều bạn cùng lứa đã học xong đại học vài ba năm nay, người chưa tìm được việc làm ổn định, người vẫn lông bông, Thành thầm cảm ơn quyết định ngày ấy đã cho mình công việc ổn định, làm cho một xưởng sửa chữa xe ô tô có tiếng trên địa bàn phường Thanh Bình với mức lương 12 triệu đồng/tháng.

 

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng, việc làm tại Ngày hội Việc làm.

Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay không nhiều bạn trẻ lựa chọn và dám quyết định như Thành mà vẫn chủ yếu phụ thuộc vào sự tư vấn, định hướng nghề nghiệp của cha mẹ, người thân trong gia đình. Do tâm lý coi trọng bằng cấp, tư tưởng muốn làm “thầy” đã ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều phụ huynh, cho rằng học đại học, cao đẳng mới là mở “cánh cửa” dẫn đến tương lai mà không xem xét đến khả năng tài chính của gia đình, năng lực, kết quả học tập của con em mình có đáp ứng được yêu cầu hay không? Cơ hội sau khi học xong sẽ tìm việc làm ở đâu? Chính từ suy nghĩ, tư duy ấy dẫn đến tình trạng thừa “thầy”, thiếu “thợ” khá phổ biến hiện nay và cũng là nguyên nhân dẫn đến việc tuyển sinh trong các trường dạy nghề gặp nhiều khó khăn. Đơn cử, tại Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên, trước mỗi mùa tuyển sinh, nhà trường đều phải đẩy mạnh quảng bá tuyên truyền về công tác tuyển sinh và giới thiệu các ngành nghề đào tạo đến với các phụ huynh và học sinh. Đồng thời, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong đào tạo gắn với giải quyết việc làm để giúp học viên yên tâm học nghề... Dù đã rất nỗ lực, song nhiều năm qua số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào học nghề tại Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên vẫn không có nhiều chuyển biến, chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm đạt 60 - 70% kế hoạch.

Khó khăn nhất trong công tác phân luồng học sinh sau THCS là ngoài vấn đề nhận thức của xã hội, nhận thức của phụ huynh và học sinh còn là trình độ hạn chế của đội ngũ giáo viên làm công tác hướng nghiệp; đặc biệt là thị trường lao động. Dù có tới 13 cơ sở dạy nghề (1 trường cao đẳng nghề; 8 trung tâm dạy nghề cấp huyện và 4 đơn vị có tham gia hoạt động dạy nghề), song trên thực tế việc liên kết giữa các trường và doanh nghiệp trong vấn đề dạy nghề gắn với giải quyết việc làm còn hạn chế; học sinh học nghề ra trường không xin được việc làm ảnh hưởng đến việc phân luồng học sinh sau THCS tham gia học nghề.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Quân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THCS đăng ký học nghề thời gian qua có sự chuyển biến, song không nhiều. Trong năm 2012, tỷ lệ học sinh tham gia học nghề chỉ chiếm 6,4% học sinh tốt nghiệp THCS thì tỷ lệ này đã tăng lên 8,6% vào năm 2016; song vẫn còn rất thấp. Ngoài số học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học lên THPT thì số học xong THCS ở nhà lao động sản xuất nông - lâm nghiệp, lao động tự do còn nhiều (riêng năm 2016 chiếm tới 15,2%). Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này một phần do vấn đề giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường từ các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường nghề gặp nhiều khó khăn, tác động đến tâm lý của phụ huynh, học sinh. Bên cạnh đó, do công tác tuyên truyền, tư vấn nghề nghiệp, tư vấn tuyển sinh của một số trường THCS, một số cơ sở đào tạo nghề của tỉnh chưa thực sự sâu rộng và hiệu quả nên chưa thu hút được người học nghề. Số nghề đào tạo tại các cơ sở không nhiều, chất lượng đào tạo nghề tại một số cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu của xã hội. Hệ lụy đi kèm đó là học sinh sau khi tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề kỹ năng làm việc và khả năng đáp ứng yêu cầu công việc còn hạn chế. Chính sách thu hút, khuyến khích đối với người học nghề chưa hấp dẫn; chưa có chính sách ưu đãi tuyển dụng lao động có tay nghề giỏi… ảnh hưởng tới công tác phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS.

Chính vì vậy, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận và nâng cao nhận thức của xã hội, gia đình và của mỗi học sinh để từ đó lựa chọn hướng đi phù hợp với năng lực, sở trường, điều kiện thực tế, cần đa dạng hóa các loại hình đào tạo, mở rộng quy mô và hình thức đào tạo ở các trường chuyên nghiệp trong tỉnh và các ngành nghề phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội. Chú trọng “khâu” đào tạo nghề theo hướng ứng dụng, thực hành, đảm bảo nhu cầu nhân lực kỹ thuật của doanh nghiệp, thị trường lao động của tỉnh và các tỉnh lân cận. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và dịch vụ trong hoạt động dạy nghề nhằm nâng cao chất lượng dạy nghề, gắn dạy nghề với việc làm và thị trường lao động.

Bài, ảnh: Minh Thùy
Bình luận
Back To Top