Gỡ rào cản, gắn đào tạo với thực tiễn

14:44 - Thứ Tư, 26/07/2017 Lượt xem: 4827 In bài viết
Theo Quy chế tuyển sinh đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm 2018, các trường phải công khai tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp sau 12 tháng có việc làm. Đây là giải pháp buộc các trường phải kiểm soát đầu ra, từ đó có trách nhiệm trong khâu đào tạo. Hiện nay, các đơn vị đang nỗ lực gỡ những rào cản, gắn đào tạo với thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, tạo ra “sản phẩm” đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Đào tạo theo nhu cầu: Việc không thể đừng

Chất lượng đào tạo nhân lực trình độ đại học đang là mối quan tâm của toàn xã hội, nhất là trong bối cảnh mỗi năm có hàng chục nghìn cử nhân thất nghiệp hoặc không tìm được việc làm đúng chuyên ngành. Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ đánh giá, chất lượng giáo dục đại học dù đã có những bước chuyển tích cực, song vẫn chưa theo kịp nhu cầu xã hội.

 

Chọn lọc, lắng nghe ý kiến tư vấn sẽ giúp cho sinh viên chọn đúng ngành đào tạo, sát với nhu cầu thực tế.

Theo GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, kết quả đánh giá 20 trường đại học tốp trên của Việt Nam cho thấy, các đơn vị còn thiếu giảng viên so với quy mô đào tạo, một số nhóm ngành có tỷ lệ lên tới 50 sinh viên/giảng viên; số giảng viên chưa đạt chuẩn (chỉ có trình độ đại học) chiếm 16%. Diện tích trung bình của các trường chỉ bằng khoảng 1/10 so với diện tích của các trường tốp 200 khu vực Châu Á. Con số 72 nghìn sinh viên không có việc làm sau khi tốt nghiệp 12 tháng một phần là do những nguyên nhân còn yếu kém, bất cập trong khâu đào tạo nêu trên.

Trước những băn khoăn cho rằng, việc nhiều trường chạy theo số lượng tuyển sinh, coi nhẹ chất lượng đào tạo, dẫn đến quy mô 1,7 triệu sinh viên hiện nay là quá lớn, khiến cho tình trạng cử nhân thất nghiệp gia tăng, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT cho biết, tỷ lệ sinh viên tiếp tục học tập sau cấp trung học của Việt Nam mới chỉ đạt 30,5%, thấp hơn mức trung bình của các nước trong khu vực Đông Nam Á (31,2%) và thấp hơn nhiều so với các nước phát triển (70,5%). Do vậy, quy mô sinh viên hiện nay so với 95 triệu dân không phải là vấn đề đáng lo ngại.

Để giải quyết vấn đề thất nghiệp, ngành GD-ĐT đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, điều chỉnh nội dung đào tạo nhằm thu hẹp khoảng cách giữa nơi đào tạo và nơi sử dụng lao động. Quy định phải công khai tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp, vừa để các trường khẳng định “thương hiệu”, vừa giúp cơ quan quản lý và nhân dân cùng giám sát kết quả đào tạo của từng trường, kịp thời chấn chỉnh, loại bỏ những trường hoạt động kém chất lượng. 

Đón đầu xu thế

Một trong những chuyển biến rõ nét được ghi nhận trong mùa tuyển sinh năm 2017 của các trường đại học là việc bổ sung các chương trình đào tạo hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển. PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, năm nay nhà trường đã khẳng định vai trò của mình trong việc định hướng công nghệ tương lai thông qua việc khởi động dự án ELITECH - dự án dành cho các sinh viên ưu tú với mong muốn trở thành các chuyên gia trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ. Các chương trình đào tạo ELITECH được tổ chức theo các lớp nhỏ, chú trọng nâng cao trình độ ngoại ngữ, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ lõi như khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, điều khiển thông minh, cảm biến và vi hệ thống…

 

Sinh viên thực tập trong phòng thí nghiệm Công nghệ Nano của Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Bên cạnh đó, Đại học Bách khoa Hà Nội cùng Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đang cùng triển khai dự án “Nâng cao chất lượng giáo dục đại học”, nhằm tăng cường năng lực giảng dạy, nghiên cứu khoa học thông qua việc tạo điều kiện để các giảng viên, sinh viên của 3 trường và các đơn vị khác được truy cập vào thư viện điện tử dùng chung, đồng thời nâng cao các điều kiện bảo đảm chất lượng trong việc phát triển khoa học và công nghệ. 

Đón đầu việc triển khai chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới dự kiến sẽ triển khai trong vài năm tới, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã triển khai chương trình đào tạo hai môn. GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, từ năm nay, sinh viên có thể theo học cùng lúc hai chương trình đào tạo hệ đại học.

Trước xu thế hội nhập, Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) xác định, việc xây dựng chuẩn đầu ra tiếng Anh cho sinh viên là mục tiêu quan trọng. Vượt qua những e ngại, lo lắng ban đầu về việc ảnh hưởng đến tỷ lệ phần trăm tốt nghiệp… Học viện đã kiên trì chủ trương xây dựng lộ trình áp dụng chuẩn đầu ra đối với sinh viên theo quy định của Bộ GD-ĐT, đồng thời đáp ứng yêu cầu thực tế của thị trường sử dụng lao động thời kỳ hội nhập.

Hiện nay, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, một trong những giải pháp mà các trường cần triển khai ngay trong năm 2017 là tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng, xây dựng đội ngũ giảng viên; tập trung trang bị cơ sở vật chất, kiên quyết không để một số trường thuê lại nhà kho, khu tập thể cải tạo thành giảng đường; tăng cường kết nối với doanh nghiệp. Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường trong quá trình khảo sát phải bảo đảm tỷ lệ sinh viên phản hồi theo quy định, phải có báo cáo gửi về Bộ GD-ĐT và đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử của trường. Sau mỗi lần khảo sát, cơ sở đào tạo phải đề xuất đổi mới nội dung chương trình, phương pháp đào tạo, tăng cường các điều kiện nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top