Điểm chuẩn trúng tuyển đại học đợt 1:

Xét công bằng theo kết quả thi

10:20 - Thứ Tư, 02/08/2017 Lượt xem: 4708 In bài viết
Ngày 1-8, các trường đã hoàn thành việc công bố điểm chuẩn trúng tuyển đợt 1 hệ đào tạo đại học chính quy năm 2017. Mức điểm chuẩn trúng tuyển của nhiều trường cao kỷ lục, không ít trường phải bổ sung tiêu chí phụ... So với năm trước, điểm khác biệt ở đợt xét tuyển đầu tiên năm nay là dù được đăng ký nhiều nguyện vọng, song các thí sinh được xét công bằng theo kết quả thi.

Mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng

Không nằm ngoài dự đoán của nhiều người khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố phổ điểm thi THPT quốc gia, điểm chuẩn trúng tuyển hệ đại học của nhiều trường năm nay đều tăng mạnh. Dẫn đầu về mức điểm trúng tuyển cao vẫn là khối các trường/ngành y dược, trong đó cao nhất là ngành Y đa khoa của Trường Đại học Y Hà Nội với 29,25 điểm - mức điểm cao nhất trong nhiều năm qua của trường này. Để tuyển được 476 thí sinh theo đúng chỉ tiêu, nhà trường phải sử dụng tới 4 tiêu chí phụ. Trường hợp một thí sinh ở huyện Thạch Thất (Hà Nội) có tổng điểm 29,15 (không có điểm ưu tiên) vẫn trượt, cho thấy dù có mức điểm trúng tuyển cao song sự cạnh tranh vào trường không nhỏ.

 

Năm nay thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng và xét công bằng theo kết quả thi.

Ghi nhận chung, các trường có điểm chuẩn cao chủ yếu là các trường tốp trên, các trường tốp sau có mức điểm chuẩn tương đối ổn định, nhiều trường/ngành vẫn lấy từ mức điểm sàn. PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Kinh tế quốc dân dẫn chứng: Mức điểm trúng tuyển thấp nhất vào trường năm nay là 23,25 điểm và chỉ có ở 2 ngành; 14 trong tổng số 25 ngành đào tạo của trường đều có mức điểm trúng tuyển từ 25 trở lên, tăng trung bình 1,5 đến 3 điểm so với năm trước.

Trước một số ý kiến băn khoăn cho rằng việc điểm chuẩn quá cao khiến việc tuyển sinh của nhiều trường khó khăn, khó bảo đảm công bằng cho thí sinh, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) khẳng định: "Trong trường hợp có nhiều thí sinh bằng điểm nhau, việc sử dụng thêm các tiêu chí phụ là cần thiết để bảo đảm công bằng trong xét tuyển và phù hợp với yêu cầu của ngành đào tạo”.

Quy định xét tuyển đại học đợt 1 năm nay khác so với các năm trước, do vậy các thí sinh cần lưu ý để tuân thủ các quy định liên quan, tránh để ảnh hưởng đến quyền lợi của mình. Ở đợt này, thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng vào trường/ngành khác nhau, hoặc các ngành khác nhau trong cùng một trường. Nguyên tắc xét tuyển dựa trên căn cứ kết quả thi của thí sinh chứ không phải theo thứ tự nguyện vọng, vì vậy, thí sinh chỉ được xét trúng tuyển một nguyện vọng duy nhất. Thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 mới được xét tiếp ở nguyện vọng 2.

Nộp hồ sơ trúng tuyển trước 17h ngày 7-8

Theo quy định, sau khi biết điểm chuẩn, nếu thí sinh đã trúng tuyển vào một trường bất kỳ, điều các em cần lưu ý trước tiên là phải nộp ngay bản gốc Giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia năm 2017 để xác nhận việc nhập học của mình. Bà Nguyễn Thị Kim Phụng lưu ý các thí sinh, việc xác nhận nhập học phải được thực hiện trong thời gian từ nay cho tới trước 17h ngày 7-8-2017. Thí sinh nộp hồ sơ nhập học sau thời điểm này coi như không có nguyện vọng học tập, nhà trường có quyền hủy tên khỏi danh sách trúng tuyển để dành cơ hội cho người khác. Thêm nữa, năm nay thí sinh phải có trách nhiệm bảo đảm tính xác thực của các thông tin đăng ký xét tuyển. Trong quá trình nhập học, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường kiểm tra, đối chiếu kỹ các thông tin này và có quyền từ chối hoặc buộc thôi học nếu phát hiện những sai lệch.

Ngoài ra, các thí sinh cũng cần lưu ý, mỗi em chỉ có một bản gốc duy nhất Giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia và bắt buộc phải nộp bản gốc này cho nhà trường - nơi trúng tuyển, vì vậy cần lưu ý đến cách thức nộp hồ sơ để tránh thất lạc. Thí sinh có hai cách để nộp hồ sơ: Qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại trường. Bà Nguyễn Thị Kim Phụng nhấn mạnh, dù nộp hồ sơ theo cách thức nào, các thí sinh vẫn phải bảo đảm thời hạn theo quy định như đã nhắc ở trên. Với những trường hợp nhập học chậm do sự cố đặc biệt (tai nạn, ốm đau...), có giấy xác nhận của bệnh viện hoặc UBND cấp quận, huyện, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xem xét cụ thể về việc nhập học hoặc cho phép bảo lưu sang năm sau.

Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo vào cuối ngày 1-8 về tình hình tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm năm 2017, trong đợt 1 có 234 trường đã tuyển sinh được 70% số chỉ tiêu trở lên, chiếm tỷ lệ 73% tổng số trường, trong đó có 170 trường đã tuyển đủ chỉ tiêu, chiếm tỷ lệ 51%.

Điểm chuẩn của một số trường trên địa bàn TP Hà Nội năm nay đều cao hơn năm trước trung bình từ 0,5 đến 1 điểm. Trong số 22 ngành đào tạo hệ đại học năm nay của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, ngành Giáo dục mầm non có mức điểm chuẩn cao nhất là 36,75 điểm; ngành Công nghệ thông tin có mức điểm thấp nhất là 18,92 điểm; 19 ngành còn lại đều có mức điểm trúng tuyển từ 20 trở lên. Ở hệ cao đẳng, ngành Giáo dục mầm non cũng có mức điểm cao nhất trong số 3 ngành đào tạo hiện có (29,58 điểm). Học viện Quản lý giáo dục lấy điểm chuẩn từ 15,5 đến 20,5 cho 5 ngành đào tạo, trong đó ngành Quản lý giáo dục có mức điểm cao nhất là 20,5 điểm. Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông công bố mức điểm chuẩn cao nhất ở ngành Công nghệ thông tin với 25 điểm, thấp nhất là ngành Kế toán và Quản trị kinh doanh với 21,5 điểm. Học viện Hành chính quốc gia có mức điểm chuẩn cao nhất ở tổ hợp A00 là 25,5 điểm, các tổ hợp còn lại đều lấy ở mức từ 21 điểm trở lên. Trường Đại học Lâm nghiệp (cơ sở Hà Nội) lấy điểm chuẩn là 15,5 điểm đối với tất cả 31 ngành đào tạo nếu xét theo kết quả thi THPT quốc gia; lấy điểm trúng tuyển ở mức 18 điểm cho đối tượng xét theo kết quả học bạ THPT. Trường Đại học Thăng Long có mức điểm 15,5 cho tất cả các ngành.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top