Trường nghề bảo đảm chất lượng đầu ra

14:06 - Thứ Hai, 07/08/2017 Lượt xem: 5090 In bài viết
Năm 2017, các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp tuyển sinh theo quy chế do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành, phù hợp với Luật Giáo dục nghề nghiệp. Mặc dù công tác tuyển sinh của một số trường trong năm đầu tiên thực hiện theo quy định mới vẫn gặp nhiều khó khăn, nhưng các trường đều cam kết bảo đảm chất lượng đầu ra để thu hút sinh viên...

Chủ động đầu vào

Từ ngày 1-8, các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp bắt đầu tiếp nhận hồ sơ tuyển sinh với đối tượng tốt nghiệp trung học phổ thông. Giữa mùa tuyển sinh, hệ thống các trường nghề vẫn gặp khó trong việc tìm kiếm nguồn đầu vào chất lượng. Ngày 3-8, tại Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội chỉ có một số người đến nộp hồ sơ. So với cùng kỳ năm 2016, số hồ sơ nhà trường tiếp nhận giảm nhiều.

 

Học sinh Trường Trung cấp nghề Nấu ăn và Nghiệp vụ khách sạn Hà Nội trong giờ học thực hành.

Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội cho biết, năm 2017, nhà trường tuyển 1.050 chỉ tiêu, chia thành hai đợt. Đợt 1 tuyển được hơn 200 học sinh và đã khai giảng ngày 24-7. Đợt 2, dự kiến khai giảng ngày 15-8, nhưng đến thời điểm này, tổng số hồ sơ đăng ký mới đạt khoảng 50% chỉ tiêu. 

Tương tự, số hồ sơ đăng ký vào Trường Trung cấp nghề Nấu ăn và Nghiệp vụ khách sạn Hà Nội mới đạt hơn 40% so với cùng kỳ những năm trước. “Thời điểm này những năm trước, nhà trường đã tuyển được 4-6 lớp hệ trung cấp, năm nay nhà trường mới tuyển được 2 lớp. Công tác tuyển sinh vào các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp năm 2017 gặp rất nhiều khó khăn”, Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Hùng nhận định.

Tại Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, hồ sơ đăng ký vào các nghề “hot” như công nghiệp ô tô, điện công nghiệp, cắt gọt kim loại, cơ khí, cơ điện tử, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí… chiếm tới 70%. Các ngành còn lại rất ít hồ sơ đăng ký. Nguy cơ thiếu học sinh, sinh viên cũng diễn ra ở nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác. 

Mặc dù gặp khó khăn, nhưng để thu hút thí sinh, các trường nghề đã chủ động tuyên truyền về công tác tuyển sinh qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội; phối hợp với các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Qua các kênh thông tin này, kết thúc đợt tuyển sinh hệ cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, các trường nghề hy vọng sẽ tuyển đủ số lượng học sinh, sinh viên.

Cam kết đầu ra

Do khó khăn trong công tác tuyển sinh, nguồn đầu vào của một số trường nghề không đạt như mong muốn. Nhưng để giữ gìn thương hiệu nhà trường và nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo, các trường nghề hiện đã chú trọng tới việc đổi mới công tác giảng dạy; xây dựng thương hiệu trường nghề; tạo điều kiện cho sinh viên tham gia các chương trình khởi nghiệp; đồng thời song hành với các doanh nghiệp trong quá trình đào tạo.

Ông Nguyễn Xuân Hùng cho biết, Trường Trung cấp nghề Nấu ăn và Nghiệp vụ khách sạn Hà Nội nhận được rất nhiều đơn đặt hàng tuyển dụng của các doanh nghiệp, nguồn cung lao động không đáp ứng đủ nhu cầu. Tiếc rằng, một số học sinh, sinh viên học nghề nấu ăn, nghiệp vụ khách sạn không xuất phát từ tình yêu, niềm đam mê, không có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, học thiếu nghiêm túc nên chưa đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng. 

Theo ông Hùng, các doanh nghiệp đưa ra yêu cầu tuyển dụng khá cao, ngoài chuyên môn, người lao động cần phải có khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ. Bởi vậy, nhà trường đang hướng tới mục tiêu đào tạo nguồn lao động chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của thị trường, thay vì đào tạo đủ chỉ tiêu. Sự đổi mới của Trường Trung cấp nghề Nấu ăn và Nghiệp vụ khách sạn Hà Nội bước đầu gặt hái được những thành công khi nhiều học sinh của trường được các doanh nghiệp lớn tuyển dụng, đa số học sinh, sinh viên có thể làm việc bán thời gian sau 3 tháng học nghề. 

Khẳng định 100% học sinh, sinh viên tốt nghiệp, có nhu cầu tìm việc làm, đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng sẽ có việc làm đúng chuyên ngành với mức lương khởi điểm từ 6 triệu đồng/người/tháng trở lên cũng được Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội bảo đảm ngay từ khâu tuyển sinh. Thậm chí, trong thời gian thực tập, nhiều sinh viên của trường đã có thu nhập. 

“Có được kết quả này là nhờ Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội đổi mới hình thức đào tạo nghề, đồng thời ký biên bản hợp tác với hơn 30 doanh nghiệp, tập đoàn lớn về điện tử, điện lạnh. Các doanh nghiệp cam kết tuyển dụng học sinh, sinh viên đáp ứng được trình độ chuyên môn”, bà Nguyễn Thị Hằng Nga cho hay. 

Nhiều trường nghề khác trên địa bàn Hà Nội như Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, Trường Trung cấp Xây dựng, Trường Trung cấp nghề Cơ khí số 1… cũng phối hợp với các doanh nghiệp trong quá trình đào tạo, dạy nghề để bảo đảm đầu ra cho học sinh, sinh viên.

Trong điều kiện thị trường lao động đang thiếu nguồn nhân lực kỹ thuật, dư thừa lao động có trình độ đại học thì hướng đào tạo phù hợp với nhu cầu của thị trường của các trường nghề được đánh giá là hình thức kết nối cung - cầu lao động hiệu quả, tránh tình trạng lãng phí, dư thừa lao động trình độ cao.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top